TBD – Tăng gấp đôi sau thông tin EVN thoái vốn

Tăng trần cả 5 phiên trong tuần giao dịch vừa qua, TBD bứt phá từ vùng giá 40 - 43 lên 90.000 đồng/cổ phiếu.
TBD – Tăng gấp đôi sau thông tin EVN thoái vốn

Trong đó, yếu tố lớn nhất tác động tới giá cổ phiếu là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đăng ký thoái toàn bộ 13,1 triệu cổ phiếu TBD trong thời gian tới.

Một loạt cổ đông lớn muốn thoái vốn tại TBD

Được khá ít nhà đầu tư biết đến vì cổ phiếu của Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh - Công ty Cổ phần (TBD) niêm yết trên UpCoM. Đồng thời lượng cổ phiếu khá cô đặc, khi cổ đông nhà nước là EVN chiếm tới gần 47% vốn. Ngoài ra, cổ đông nội bộ cũng nắm giữ thêm một lượng lớn cổ phiếu.

Về mặt thị trường, có lẽ những nhà đầu tư chỉ bắt đầu chú ý đến TBD khi cách đây chưa đầy 1 năm, công ty đã tiến hành chia thưởng cho công đông hiện hữu với tỷ lệ lớn 100:79,56. Từ đó, nâng tổng số lượng cổ phiếu lưu hành từ 15,8 triệu lên 28,3 triệu đơn vị. Điều này phần nào đã giúp thanh khoản TBD cải thiện hơn trong thời gian sau đó.

Cho tới ngày 27/03 vừa qua, EVN thông báo thoái toàn bộ số lượng cổ phiếu đang nắm giữ là hơn 13,1 triệu. Cùng với đó, hàng loạt các cổ đông nội bộ là thành viên HĐQT và ban lãnh đạo công ty cũng đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ.

Điển hình như ông Nguyễn Văn Giang - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc - đã bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, ông Ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký bán toàn bộ 431 nghìn cổ phiếu.

Trong khi đó, phía người mua mới chỉ xuất hiện một tổ chức là CTCP Thiết bị điện (THI). Công ty này đã mua gần 1,4 triệu cổ phiếu, đưa lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 2,3 triệu, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 8% vốn của TBD.

Về THI, công ty này được biết đến là công ty con của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX), nơi mà ông Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư tài chính lớn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, TBD đóng cửa ở mức giá 90.300 đồng/cổ phiếu, với lượng dư mua trần vẫn lên tới 1,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, tổng khối lượng khớp lệnh của tuần chỉ ở mức hơn 800 nghìn đơn vị. Điều này cho thấy, lực cầu đặt mua trần là khá chủ động.

Tăng trưởng đều qua các năm

TBD hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Sản xuất máy biến áp truyền tải, máy biến áp trung gian, máy biến áp phân phối và thiết bị điện khác; Sửa chữa thiết bị điện. Các khách hàng chủ yếu của TBD là Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, các Công ty truyền tải điện 1, 2, 3.

Trong các năm vừa qua TBD đạt mức tăng trưởng khá ổn định qua các năm. Năm 2016, TBD ghi nhận doanh thu thuần gần 2.338 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 119,3 tỷ đồng, cả hai chỉ số đều tăng trưởng mạnh so với năm 2015.

Tới năm 2017, công ty ghi nhận 2.915 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh 34% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 111 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lãi 113,5 tỷ đồng đạt được năm 2016.

Nhưng đây vẫn được xem là bước tiến khá vững chắc của TBD. Bởi năm 2014, doanh thu của công ty chỉ ở mức gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với con số lợi nhuận là 23 tỷ đồng.

Về phần tài sản, kết thúc quý IV/2017, TBD có 1.731 tỷ đồng tài sản ngắn hạn trong đó, 74 tỷ đồng tiền mặt, 523 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và phần lớn tập trung vào hàng tồn kho là 1.128 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản cố định lại khá thấp chỉ ở mức 186 tỷ đồng, với nguyên giá ban đầu là 374 tỷ đồng.

Tương ứng với đó, TBD cũng duy trì phần nợ ngắn hạn ở mức cao khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 1.077 tỷ đồng. Còn lại, nợ dài hạn chỉ ở mức 29 tỷ đồng.

Như vậy, với EPS năm 2017 chỉ đạt hơn 4.000 đồng/cổ phiếu, cùng với giá trị sổ sách ở mức 15.000 đồng, các nhà đầu tư đang chấp nhận một mức giá khá cao để thâu tóm được toàn bộ TBD.

Theo Mai Hương/ Bizlive

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...