Đáng chú ý, thời gian giao dịch cho lượng lớn cổ phiếu nói trên chỉ có 5 ngày từ 24/12 đến 28/12/2018 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Thái Hưng trở thành cổ đông lớn của Tisco từ 21/2/2017 khi chi 153,7 tỷ đồng mua vào 14,1 triệu cổ phiếu TIS.
Cuối tháng 4/2017, Thái Hưng đã hoàn tất thương vụ mua vào hơn 17,8 triệu cổ phiếu TIS từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với giá bình quân 11.216 đồng/cp và mua thêm 290.000 cổ phiếu qua sàn, nâng lượng sở hữu tại Tisco từ 14,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,72%) lên 32,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 17,55%.
Tổng số tiền Thái Hưng bỏ ra đợt này rơi vào khoảng 200 tỷ đồng. Chỉ sau đó ít ngày, đầu tháng 5/2017, Thái Hưng lại tiếp tục mua vào 4,5 triệu cổ phiếu TIS, có giá trị khoảng gần 51 tỷ đồng nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.
Tại thời điểm đó, thậm chí còn có “tin đồn” Thái Hưng vẫn chưa hài lòng với lượng sở hữu nói trên mà muốn nhòm ngó để “nẫng” nốt số cổ phần của Tisco đang nằm trong đại gia số 1 ngành thép là VnSteel.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TIS đang giảm giá khá mạnh đang giao dịch tại mức 10.700 đồng/cp thấp hơn khá nhiều so với mức giá trung bình các đợt gom vốn của Thái Hưng.
Thái Hưng là cái tên đang nổi lên trong ngành thép có tiền thân là một doanh nghiệp tư nhân ở Thái Nguyên. Hoạt động chính của Thái Hưng là sản xuất phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng; kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản; dịch vụ vận tải, khách sạn, nhà hàng...
Trước khi liên tiếp mua cổ phiếu TIS của Tisco, năm 2016, đại gia này đã chi phối toàn bộ công ty thép lớn khác là Công ty cổ phần Thép Việt Ý (mã: VIS). Tháng 8/2016, khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại Thép Việt Ý, Thái Hưng đã mua thêm cổ phần từ đợt thoái vốn của Sông Đà tại doanh nghiệp này và sau đó tiếp tục mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VIS nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty thép này lên 65%.
Tuy nhiên, "mối nhân duyên" của Thái Hưng với Visco cũng không bền, sau đó khoảng 1 năm Thái Hưng đã đón đối tác ngoại – một công ty thép Nhật Bản là Kyoei Steel về làm đối tác chiến lược với việc chuyển nhượng 14,76 triệu cổ phần VIS cho đối tác này.
Sau đó Kyoei Steel dần tăng tỷ lệ sở hữu tại Thép Việt Ý bằng cách nhận chuyển nhượng từ chính Thái Hưng và "gom" thêm hàng ngoài. Hiện tại Kyoei đã nắm giữ 73,81% vốn điều lệ của Thép Việt Ý còn Thái Hưng giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20%.