Đột phá về hạ tầng
Những ngày này, trên công trường thi công dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, các nhà thầu đang cấp tập thi công, phấn đấu đạt và vượt tiến độ cam kết. Trong đó, hạng mục quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội đã thi công xong phần nền, lắp đặt hệ thống thoát nước và đang tiếp tục triển khai các bước tiếp theo với tinh thần “bàn giao mặt bằng tới đâu, khẩn trương triển khai tới đó”.
Theo đại diện chủ đầu tư, quảng trường biển trung tâm TP Sầm Sơn dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao vào quý II/2022 để đón đầu mùa du lịch biển, tạo điểm nhấn mới mẻ, thu hút khách. Ngay trong mùa du lịch hè 2021 vừa qua, địa điểm này chính là nơi đã diễn ra đêm khai mạc Lễ hội biển Sầm Sơn quy mô chưa từng có, thu hút hàng vạn người dân, du khách. Trong tương lai, đây sẽ trở thành tâm điểm lễ hội, các sự kiện văn hóa nghệ thuật – thể thao, vui chơi giải trí hấp dẫn hàng đầu xứ Thanh, là đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của TP biển.
Với phương châm “hạ tầng lột xác là đòn bẩy để Thanh Hóa cất cánh”, không chỉ tại Sầm Sơn, hàng loạt dự án quan trọng khác cũng đang được triển khai. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài 98,8km, hiện đã bàn giao mặt bằng đạt 98,9%. Riêng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 bàn giao mặt bằng đạt 100% cho nhà thầu thi công, hứa hẹn sớm về đích.
Trong khi đó, dự án đường bộ ven biển Thanh Hoá với tổng mức đầu tư lên đến hơn 5.600 tỷ đồng cũng sắp được triển khai. Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ trở thành trục giao thông chính ven biển, kết nối các địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa...
Nhiều tuyến đường quan trọng khác cũng sẽ được triển khai từ nay đến năm 2025 như Đường nối quốc lộ 1 với quốc lộ 45, Dự án đường giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường ven biển… tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, phá bỏ điểm nghẽn hạ tầng bấy lâu nay trói buộc sự phát triển của xứ Thanh, đồng thời khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu E - khu chế xuất thủy sản, dịch vụ cầu cảng và du lịch sinh thái quy mô gần 500 ha tại thành phố Sầm Sơn. Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030 sẽ tổ chức xây dựng đô thị, các công trình hạ tầng, chợ kết hợp thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái ven sông Đơ; nâng cấp cảng Hới, đầu tư bến thuyền du lịch và hậu cần bến thuyền…
Thêm “cú huých” để tỏa sáng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Thanh Hóa xác định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, đồng thời tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả khả quan.
9 tháng đầu năm 2021, GRDP của tỉnh ước đạt 8,06%, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thu ngân sách ước đạt 24.400 tỷ đồng. Thanh Hóa cũng đứng thứ 2 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, bệ phóng để kinh tế - xã hội khởi sắc.
“Thiên thời, địa lợi” mở ra cho Thanh Hóa khi tới đây, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa sẽ được trình trước Quốc hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Thanh Hóa bứt phá. Nếu được thông qua, Thanh Hoá sẽ được thí điểm cơ chế đặc thù từ ngày 1/1/2022 và trong vòng 5 năm. Nghị quyết của Quốc hội, hay trước đó là Nghị quyết 58 NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định vai trò, địa vị quan trọng của Thanh Hóa với sự phát triển của quốc gia.
Mục tiêu đưa xứ Thanh thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc có lẽ đã rất gần, bởi hiện tại, Thanh Hóa đã đứng đầu Bắc Trung Bộ về tốc độ tăng trưởng, xếp thứ 8 cả nước về quy mô kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, xếp thứ 3 về quy mô dân số - lực lượng lao động, cùng vô vàn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử.
Sự phát triển của Thanh Hóa lại được tiếp sức bởi cú huých từ những “đại bàng” – tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu cả nước – đã thành công tại nhiều địa phương khác, nay trở về làm giàu, làm đẹp cho quê hương. Trong số đó, Sun Group nổi lên như một “ông lớn” đang ghi dấu đậm nét với quần thể dự án du lịch – nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí quy mô 1.260 ha tại Sầm Sơn - thủ phủ du lịch lớn nhất xứ Thanh. Điểm nhấn của tổ hợp này là Khu đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard rộng gần 70 ha với điểm nhấn quảng trường biển sức chứa hơn 10.000 người và trục đại lộ thương mại quy mô bậc nhất Việt Nam, Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sun Riverside Village mang cảm hứng Miami, cùng hệ thống 2 công viên Sun World đẳng cấp.
Với loạt dự án này, Sun Group tham vọng góp sức nâng tầm điểm đến Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Từ đó, đưa Sầm Sơn thành điểm đến du lịch bốn mùa, đầy đủ trải nghiệm không thua kém Đà Nẵng, Hạ Long hay Phú Quốc, định vị Thanh Hóa trên bản đồ du lịch quốc gia.
Đánh giá về chiến lược này, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên, cho rằng: Sun Group có thế mạnh trong việc phát triển thị trường, nhất là thị trường khách quốc tế, đem đến cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, nâng tầm đẳng cấp du lịch cho cả tỉnh. Việc Sun Group đầu tư vào Thanh Hóa là một tín hiệu tích cực, mở ra một triển vọng mang tính vận hội cho du lịch xứ Thanh.
“Từ tầm nhìn và tư duy mới của Thanh Hoá, cộng thêm những xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, dễ nhận thấy Thanh Hoá có những cơ hội để “cất cánh” và trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới, thực hiện sứ mệnh tạo cú hích cho cả khu vực Bắc Trung Bộ phát triển”, TS Trần Đình Thiên nhận định.