Thành lập công ty con vốn 1.200 tỷ, Hà Đô muốn “chuyển mình”?

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (MCK: HDG) đang có kế hoạch thành lập thêm công ty con.
Thành lập công ty con vốn 1.200 tỷ, Hà Đô muốn “chuyển mình”?

Công ty con sắp thành lập của Hà Đô có vốn điều lệ dự kiến là 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 120 triệu cổ phần. Tên dự kiến là Công ty cổ phần Năng lượng Hà Đô.

Trong đó, Hà Đô góp 1.199,6 tỷ đồng, tương đương 99,97% vốn tại doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, phần góp vốn bằng tiền chỉ là 98,92 tỷ đồng, số tiền còn lại tương ứng 1.100,68 tỷ đồng góp vốn bằng tài sản. Đó là cổ phần/phần vốn góp tại các công ty con của Hà Đô.

Trước đó vào giữa tháng 6/2021, Hà Đô cũng vừa nhận chuyển nhượng 705 nghìn cổ phần của Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 từ Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Bình An Riverside.

Về kinh doanh, quý I/2021, Hà Đô đạt doanh thu 1.354 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 401,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, công ty có tổng nợ phải trả là 9.699 tỷ đồng, lớn gấp hơn 2,2 lần so với giá trị vốn chủ sở hữu 4.354 tỷ đồng.

Thực chất, Hà Đô đã “bén duyên” với ngành năng lượng với dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, nhà máy điện gió Ninh Thuận 7A. Hai dự án này được coi là bước chuyển mình từ một nhà phát triển bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo của CTCP Tập đoàn Hà Đô. Tuy nhiên, với việc dự kiến thành lập công ty con về năng lượng, Hà Đô đang thực sự muốn tạo vị thế và “chuyển mình” hoàn toàn sang thị trường được đánh giá rất tiềm năng này?

Thị trường năng lượng Việt Nam, cụ thể là năng lượng sạch, đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí nhiều ông lớn và cả doanh nghiệp FDI. Hiện tại, các nhà đầu tư vào năng lượng “xanh” ở Việt Nam đến từ nhiều châu lục; ngoài một số nhà đầu tư đến từ Mỹ, Saudi Arabia, Australia, Pháp, các nhà đầu tư còn lại chủ yếu đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á, như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với vốn đăng ký 4 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore; Dự án phát triển điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) với vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD (Đan Mạch)…

Chỉ trong 5 năm, vốn FDI đổ vào ngành năng lượng tái tạo đã tăng gấp 38 lần, lên đến 5,1 tỷ USD, bằng 18% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, theo báo cáo thống kê năm 2020 của Bộ KH&ĐT.

Riêng doanh nghiệp trong nước, cũng có nhiều các tập đoàn kinh tế lớn triển khai một loạt các dự án năng lượng tái tạo với kỳ vọng bắt kịp xu thế tương lai, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Đơn cử như T&T Group, với dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận); Xuân Cầu Holding với Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2; Dầu Tiếng 3...

Xem thêm

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành năng lượng

5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành năng lượng

Theo đánh giá, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đang và sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành.

Có thể bạn quan tâm