Thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô

Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển bền vững Vùng Thủ đô, dự án trọng điểm có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng.
Thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 986/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô (Hội đồng điều phối vùng) nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô và Thủ đô Hà Nội phát triển thịnh vượng, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Hội đồng điều phối Vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên kết vùng trong các lĩnh vực, nội dung phối hợp quy định tại Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Cơ cấu tổ chức Hội đồng điều phối Vùng

Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Các Ủy viên gồm: - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ủy viên Thường trực).

  • Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ: Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Ngoại giao; Công an, Quốc phòng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Nội vụ; Tư pháp; Văn phòng Chính phủ.
  • Chủ tịch UBND các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
  • 01 đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng.
  • 01 đại diện có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp của Vùng Thủ đô.

Thường trực Hội đồng điều phối vùng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực Hội đồng.

Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các Tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quy định.

Bộ máy tham mưu, giúp việc của Hội đồng điều phối vùng, các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến hoạt động điều phối vùng, gồm: Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Tổ điều phối cấp Bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh và Tổ chuyên gia tư vấn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng điều phối vùng, sử dụng bộ máy giúp việc để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối Vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng bảo đảm đủ nhân lực (hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm) để thực hiện nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo và công chức của Văn phòng Hội đồng điều phối vùng thuộc biên chế công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5 nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối Vùng

Quyết định nêu rõ 5 nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối Vùng gồm:

  1. Liên kết phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô.
  2. Điều phối xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và vùng trung du miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô.
  3. Điều phối tham gia xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô.
  4. Các nội dung, lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm quy định tại Điều 5 Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ.
  5. Nội dung, lĩnh vực khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối Vùng

Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển bền vững Vùng Thủ đô, dự án trọng điểm có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực, nội dung phối hợp Vùng Thủ đô; phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương trong xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển khu công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin; khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng trong khu du lịch quốc gia; đổi mới sáng tạo.

Thông qua kế hoạch điều phối vùng hằng năm và 05 năm của Vùng Thủ đô; giải quyết các vấn đề về liên kết, phối hợp giữa các bộ với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô và giữa các tỉnh, thành phố trong vùng trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề cấp thiết vượt thẩm quyền và khả năng đối với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô thực hiện các nội dung phối hợp, giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền các địa phương trong vùng hoặc những vấn đề không đạt được sự đồng thuận; hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong vùng.

Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu Vùng Thủ đô, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô và giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với các bộ, ngành. Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, các cơ quan tổ chức khác có liên quan cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin, số liệu báo cáo, giải trình các vấn đề liên quan (trong trường hợp cần thiết) để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng.

Vùng Thủ đô gồm 10  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Ban hành kèm theo Quyết định 986/QĐ-TTg là Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô.

Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng Thủ đô và Thủ đô Hà Nội được xác định trong chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Vùng Thủ đô quy định tại Quy chế này gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô, điều phối thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp sẽ được giao cho bộ, ngành, địa phương nào có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cần phối hợp đó.

Hoạt động điều phối được thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng điều phối vùng. Trên cơ sở nội dung các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, các bộ, ngành, địa phương trong vùng thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp.

Xem thêm

Vùng thủ đô Hà Nội có thêm 3 tỉnh

Vùng thủ đô Hà Nội có thêm 3 tỉnh

Bộ Xây dựng hôm nay, 11-8, công bố quyết định điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vùng thủ đô Hà Nội có thêm 3 tỉnh so với trước đây. Theo
Vingroup, T&T, Him Lam, DIC muốn làm đường vành đai 4 vùng Thủ đô

Vingroup, T&T, Him Lam, DIC muốn làm đường vành đai 4 vùng Thủ đô

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Him Lam, CTCP DIC,…

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...