Thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngay trong quý I

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu “trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này”.
Thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngay trong quý I

Ngày 16/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã chủ trì buổi họp đầu tiên sau khi Tổ giúp việc này được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 66/QĐ-TTG thành lập vào ngày hôm qua 15/1 (Tổ công tác 66).

Tham dự buổi họp có Tổ phó Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, các Tổ phó: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng và các thành viên của Tổ công tác.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thành lập Ủy ban này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII, các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Tổ công tác 66 có vai trò là ‘bệ đỡ’, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng hành lang pháp lý, cơ sở vật chất cho sự ra đời của Ủy ban này trong thời gian sớm nhất và Tổ công tác sẽ giải thể ngay khi Ủy ban đi vào hoạt động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban để Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ trong tháng 2/2018. Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh các nghị định Chính phủ khác về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp về Ủy ban).

“Trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này”, Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không để xảy ra tình huống Ủy ban mới được thành lập tiếp quản các doanh nghiệp mà các bộ ‘buông tay’ luôn sẽ dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hoá, bán vốn. Vẫn còn đó các dự án yếu kém ngành công thương hay các ngành khác thì chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các ngành này vẫn còn nguyên giá trị”.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...