Thành phố Manaus được mệnh danh "Paris vùng nhiệt đới" phát triển thế nào?

Được khai phá vào năm 1669, thành phố Manaus đã nhanh chóng được chọn làm thủ phủ của vùng Amazon, Brazil.

Nằm cách Đại Tây Dương 900 dặm, sâu trong rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon là thành phố từng giàu nhất Nam Mỹ và đứng thứ 7 về dân số tại quốc gia Brazil với gần 2 triệu người sinh sống.

Do được bao quanh bởi rừng rậm và những con sông lớn nên để đến được đây, người ta chỉ có thể di chuyển bằng máy bay hoặc tàu thuyền. Cũng chính nét đặc trưng này đã tạo nên sự biệt lập của thành phố và phần nào giúp người dân bảo tồn văn hóa và môi trường tự nhiên nơi đây. Manaus đóng vai trò là điểm truy cập để tham quan hệ động thực vật Amazon của Brazil.

Khí hậu khắc nghiệt

Với địa hình đặc biệt khi nằm giữa rừng nhiệt đới Amazon, thành phố Manaus có khí hậu nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình 27,6 °C và độ ẩm tới 90%. Với độ ẩm cao như vậy, thời tiết nơi đây khá khắc nghiệt. Mùa hè ở Manaus có bão trong khi mùa đông khá khô nhưng không hề lạnh giá vì Brazil nằm gần đường xích đạo.

Tuy nhiên, cũng nhờ khí hậu nóng ẩm, thiên nhiên tại nơi đây vô cùng phát triển và xen lẫn với nét hiện đại của một đô thị sầm uất đã mang lại cho "hòn ngọc rừng xanh" này một sức hút lôi cuốn hiếm có.

"Paris vùng nhiệt đới"

Thành phố Manaus bắt nguồn từ một pháo đài Bồ Đào Nha được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 17 tại nơi các con sông Negro và Solmoes hợp lưu để tạo nên dòng Amazon.

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi ngành khai thác cao su trở bên bùng nổ, Manaus đã nhanh chóng trở thành một trong những thành phố giàu nhất thế giới. Trong thời kỳ phát triển bậc nhất, những ông trùm cao su, đa phần là từ Pháp, đến chi tiền xây dựng hàng loạt các công trình kiến trúc sầm uất tại đây.

Trong đó, nhà hát Amazonas được thiết kế để cạnh tranh với nhà hát Garnier nổi tiếng tại Paris là công trình đại diện cho thành phố này hay khu chợ Adolfo Lisboa cũng dựa theo mô hình của chợ Les Halles tại Paris. Chính vì thế, nơi đây mới được mệnh danh là "Paris vùng nhiệt đới".

Thời kỳ suy thoái và sự vươn lên nhờ công nghiệp

Tuy nhiên, khí hậu nhiệt đới ẩm không phù hợp để trồng cây cao su không phải điều kiện thiên nhiên độc quyền của thành phố này. Vào năm 1910, sản xuất của Brazil bắt đầu chịu sự cạnh tranh từ các đồn điền cao su tại châu Á. Điều này khiến Manaus từ một thành phố phát triển bậc nhất thế giới lại rơi vào vòng xoáy suy thoái trong gần một thập kỷ.

Để thoát khỏi tình trạng kinh tế thụt lùi nghiêm trọng, Brazil khi đó đã thành lập Khu kinh tế tự do Manaus vào năm 1967. Việc miễn thuế đã biến thành phố này một lần nữa trở thành trung tâm của ngành công nghiệp lớn bên bờ Bắc Amazon. Cho đến thời điểm hiện tại, họ vẫn duy trì thế mạnh công nghiệp của mình.

Ngoài ra, nơi đây cũng thúc đẩy phát triển quảng bá hình ảnh để thúc đẩy du lịch. Vào năm 2014, thời điểm Brazil đăng cai tổ chức World Cup 2014, thành phố Manaus đã trở thành tâm điểm khi xây dựng sân vận động Amazonia Arena hoành tráng với thiết kế hình giỏ đan, một sản phẩm đặc trưng của nơi đây.

Có thể bạn quan tâm