Thanh toán điện, nước, viện phí, học phí... không dùng tiền mặt

Đó là một trong những quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.
Thanh toán điện, nước, viện phí, học phí... không dùng tiền mặt

Phủ sóng 100% trường học, bệnh viện...

Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ như yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện lực, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng (NH), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12.2019.

Tập đoàn điện lực VN chỉ đạo tất cả các công ty điện lực phối hợp với các NH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng các giải pháp điện tử, di động. Trong năm 2019, tăng gấp đôi số người sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử.

Bảo hiểm xã hội VN thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển với mục tiêu 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.

Trước quý 3/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán NH; xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các NH, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. NHNN phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua NH, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật về khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.

Tổ chức lại việc phối hợp

TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng yêu cầu trong năm 2019 thực hiện đồng loạt các bệnh viện, trường học... triển khai các hình thức thanh toán có thể là hơi gấp, tính khả thi không được cao. Đặc biệt là bệnh viện vì người dân từ tỉnh thành lên rất nhiều. NH không những có sẵn các sản phẩm, dịch vụ tiện ích và khiến người dân thực sự yên tâm tin tưởng vào các hình thức thanh toán. Chưa kể các NH cũng chưa phối hợp với nhau để khách hàng chỉ cần 1 thẻ có thể sử dụng các dịch vụ của nhiều NH khác nhau.

Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ NH VN, tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, trường học, điện, nước... không quá khó. Bởi theo số liệu công bố của NHNN, đến hết tháng 9.2018, các đơn vị đã phát hành hơn 147 triệu thẻ, chưa kể phương thức thanh toán qua điện thoại theo QR code, ví điện tử... hiện phát triển khá nhanh.

Tuy nhiên ông Đào Minh Tuấn cho rằng cái vướng là hiện các dịch vụ cung cấp điện, nước, viện phí... không tập trung, triển khai trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Nên quan trọng là việc phối hợp giữa NH với các đơn vị này.

Là địa bàn được đánh giá là năng động trong sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn chiếm 80 - 90%. Khá nhiều bệnh viện tư, trường tư... đã triển khai thanh toán tiền viện phí, học phí bằng thẻ nên việc phổ cập là có lợi thế. Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, tình trạng một bệnh viện phối hợp với một hoặc một số NH để tích hợp hệ thống phần mềm chữa bệnh của người dân với hệ thống NH khiến người khám bệnh buộc phải dùng thẻ của NH liên kết mới thanh toán được cần được tổ chức lại.

“Chúng tôi đang chờ NHNN, UBND thành phố có kế hoạch triển khai các giải pháp để có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ. Đồng thời hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ giá trị thấp (ACH) sớm đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng các giao dịch thanh toán giá trị thấp, giảm thiểu lãng phí về đầu tư, duy trì cơ sở hạ tầng và nguồn lực trong hoạt động thanh toán...”, vị này nói.

Theo Thanh Xuân/Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...