Thắt chặt các quy định về phân bón

Kể từ ngày 28/7/2023, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, hành vi vi phạm hành chính về phân bón bị xử phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhiều cơ sở kinh doanh phân bón giả, phân bón nhập lậu
Nhiều cơ sở kinh doanh phân bón giả, phân bón nhập lậu

Ngoài ra xem xét áp dụng các hình phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh, tiêu hủy phân bón, phạt tiền... đối với từng trường hợp.

Thời gian qua, tình hình thị trường phân bón khá phức tạp. Trong tháng 6/2023, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Ðắk Nông tiến hành kiểm tra 3 xe ô tô tải, 5 đại lý kinh doanh phân bón, qua kiểm tra đã tạm giữ gần 80 tấn phân bón giả do Công ty cổ phần quốc tế Nông nghiệp Sài Gòn Xanh sản xuất. Địa chỉ tại số 1, Cụm công nghiệp Quốc Quang Long An, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Hay tại Long An từ đầu năm 2023 đến nay, có 13 trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng, 5 trường hợp kinh doanh phân bón giả. Trong số này, thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ngẫu nhiên 54 mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng hàng hóa. Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4 mẫu phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng và 4 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Không chỉ có 2 địa phương trên, các đơn vị chức năng của tỉnh Tiền Giang kiểm tra ghi nhận cơ sở buôn bán phân bón không có quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam. Khi tiến hành lấy 3 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng, lực lượng liên ngành xác định có 2 mẫu không đạt. Trong đó, 1 mẫu bị làm giả và 1 mẫu không đảm bảo chất lượng. Tổng số lô hàng vi phạm thu về được là 3,5 tấn phân bón trị giá hơn 50 triệu đồng.

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, lượng phân bón nhập lớn được các đại lý thu mua đã gây nên sự bất ổn thị trường phân bón trong nước, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, các hộ kinh doanh phân bón chân chính, vừa có tác hại cho sản xuất nông nghiệp và môi trường, đặc biệt là bà con nông dân.

Nhiều đơn vị kinh doanh đã bị đơn vị quản lý chức năng lập biên bản xử phạt hành vi bao gồm kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, phân bón có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Thêm vào đó, hành vi buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Hiện tại, theo quy định của Nhà nước, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả.

Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu rõ, tính riêng ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD tương đương với 57.000 tỷ đồng vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người nông dân.

Các chuyên gia nông nghiệp khẳng định, chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, mới có thể đánh giá hiệu quả sử dụng. Vì vậy, khi mua ở các cửa hàng người nông dân không thể phân biệt đâu là phân bón hàng giả hay hàng thật.

Nếu người dân dùng phải phân bón giả cho đất, có hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn sẽ cho năng suất cây trồng rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước và gây thiệt hại kinh tế.

Do đó để chủ động xử lý các hành vi, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn.

Cũng tại nghị định 31/2023/NĐ-CP nêu trên, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, có nêu rõ các hành vi vi phạm hành và biện pháp khắc phục hậu quả.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, chủ động công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và niêm yết công khai danh mục, giá bán từng loại sản phẩm mà người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm