Tại sao phải quyết liệt chống đô la hóa
Trong những năm qua, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ là chống đô la hóa, dần chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Đây cũng là xu hướng chính sách nhiều nước đang áp dụng để đảm bảo nâng cao vị thế đồng nội tệ. Thực tế cho thấy sự biến động của thị trường ngoại tệ tác động đến tỷ giá, tâm lý người dân và ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào giá trị đồng VND là những lý do khẳng định chủ trương chống đô la hóa là rất cần thiết.
TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - VERP nhớ lại giai đoạn trước năm 2011, mỗi khi thị trường có biến động là giá vàng, USD lại nhảy múa là cơ quan điều hành phải hao tốn công sức và tiền của để chạy theo xử lý các tình huống. Trong thời gian đó, NHNN đã phải rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp chính sách quyết liệt đối với vàng, USD để hạn chế đáng kể tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế, củng cố lòng tin của người dân vào tiền đồng.
Một trong những biện pháp mạnh đầu tiên của NHNN đó là năm 2010 NHNN quy định trần lãi suất tiền gửi USD. Trên cơ sở diễn biến của thị trường ngoại hối, từ năm 2011 đến 2014, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm 5 lần trần lãi suất tiền gửi USD cho phù hợp với diễn biến giảm lãi suất VND và đến tháng 12/2015, lãi suất tiền gửi USD đưa về mức 0%/năm.
Kể từ khi chính sách áp trần lãi suất 0%/năm có hiệu lực với tiền gửi USD, tỷ lệ đô la hóa đã giảm rất mạnh, xuống chỉ còn 8,92%. Xu hướng này tiếp tục thể hiện cho đến 30/6/2017, còn 8,59% - thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung tại các nước đang phát triển. Vị thế VND ngày càng được củng cố, nâng cao.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, việc áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% là một trong những công cụ quan trọng trong chính sách điều hành của NHNN cụ thể hóa mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ và góp phần hỗ trợ tích cực ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Giữ chính sách lãi suất tiền gửi USD: Nên hay không
Nhờ kiên định theo đuổi chính sách chống đô la hóa nên những năm gần đây thị trường dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, gần đây, khi bàn đến chính sách huy động ngoại tệ, có một câu hỏi đang được một số ý kiến đặt ra là liệu có nên tăng lãi suất huy động đồng USD hay không. Một chuyên gia cho rằng, việc tăng hay giữ nguyên lãi suất huy động USD đều có lý do và có tính hai mặt của nó. Vấn đề là cân nhắc đưa ra phương án nào cho tối ưu nhất.
Đích đến của chính sách lãi suất là cần đảm bảo người dân nắm giữ VND phải có lợi hơn cầm USD. Để đảm bảo nguyên tắc này, lãi suất tiền gửi VND phải cao hơn nhiều so với lãi suất USD. Còn nếu tăng trần lãi suất tiền gửi USD để huy động nguồn tiền trong dân, có thể sẽ tạo tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, từ đó tác động bất lợi lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất VND.
Khi đó người dân và DN sẽ là đối tượng bị tác động bất lợi chứ không được thuận lợi khi được hưởng chênh lệch lãi suất tốt như hiện nay - vị chuyên gia trên cảnh báo và nhấn mạnh các giải pháp chính sách cần được thực hiện theo hướng nhất quán, không nên để tình trạng đô la hóa tăng cao trở lại. Thực tế, nước láng giềng Campuchia đang phải đau đầu xử lý tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế nước này đang ở mức cao.
Trong khi đó, việc áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm cũng không ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn nước ngoài và kiều hối về Việt Nam tại thời điểm này. Bởi, nguồn vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu dựa trên lợi thế môi trường đầu tư thuận lợi, lợi thế so sánh của nền kinh tế chứ không phụ thuộc nhiều tới lãi suất tiền gửi. Còn với vốn FII thì theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải bán ngoại tệ lấy VND để đầu tư.
Hay như đối với nguồn kiều hối, tuy là kênh tiềm năng, nhưng mục đích của nó chủ yếu là giúp đỡ thân nhân trong nước mà không nhằm mục đích kinh doanh, đầu cơ nên chính sách lãi suất 0% cũng không làm suy giảm nguồn kiều hối. Thực tế lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng đều ngay cả khi lãi suất huy động USD là 0%.
Thời gian qua NHNN đã kiên định trong điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất ổn định, lạm phát thấp… nên người dân cũng yên tâm hơn về giá trị của đồng tiền VND. Thay vì giữ đồng bạc xanh và tài sản khác với mục đích phòng thân, người dân đã “quy đổi” ra VND gửi tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. Chính vì thế, thời gian qua NHNN đã mua lại được lượng ngoại tệ lớn từ thị trường, củng cố dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Ở chiều ngược lại, một lượng vốn lớn bằng đồng VND đi vào hệ thống NH và chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây chính là một cách huy động nguồn lực ngoại tệ hữu hiệu mà NHNN đã làm tốt trong thời gian qua, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Minh chứng đến thời điểm này, tín dụng cho toàn nền kinh tế tăng trưởng xấp xỉ 10% cao nhất trong 5 năm trở lại đây. “Với những kết quả trên cho thấy thời gian qua NHNN điều hành chính sách tiền tệ rất hiệu quả, đúng hướng”, vị này khẳng định.
Cho rằng, chính sách lãi suất huy động tiền gửi USD 0% không phải là quá hoàn hảo cho tất cả. Song, hiện tại, theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, NHNN đang phải thực hiện rất nhiều mục tiêu, nên các chính sách đưa ra phải hết sức thận trọng.
“Tính nhạy của thị trường tiền tệ thường lớn hơn nhiều so với các thị trường khác mà chúng ta phải đảm bảo sự lành mạnh, ổn định của hệ thống tài chính NH. Do đó, bước đi và cách làm phải rất thận trọng” - ông Thành nhấn mạnh và lưu ý thêm: ngay cả thông điệp truyền thông cũng không nên đưa ra quá nhiều đồn đoán khi thấy áp lực của Chính phủ đang đặt ra đối với nhà điều hành chính sách tiền tệ. Như vậy, vừa làm khó cho thực thi chính sách tiền tệ và ứng xử của NHNN, vừa ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả nền kinh tế.
Thực tế cho thấy trong điều kiện hiện nay, chính sách lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ vẫn đang phát huy tác dụng tích cực, tỷ giá và thị trường đang diễn biến thuận lợi. NHNN khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến trên thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô để linh hoạt điều chỉnh quy định lãi suất USD với liều lượng, kỳ hạn phù hợp với tổng thể các công cụ chính sách nhằm góp phần đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong đó, điều hành lãi suất đảm bảo chênh lệch lợi tức nắm giữ VND hợp lý nhằm tiếp tục nâng cao vị thế của VND; tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô… Kiên trì thực hiện chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang mua - bán ngoại tệ, chống đô la hoá theo chủ trương của Chính phủ.
Theo Thời báo Ngân hàng