Thế Giới Di Động và “chìa khóa” mang tên Bách hóa Xanh

Năm 2017, Thế Giới Di Động ghi dấu ấn với thương vụ “thâu tóm” điện máy Trần Anh và lấn sân sang lĩnh vực phân phối dược phẩm cũng bằng chiến thuật M&A khi mua đứt chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang.
Thế Giới Di Động và “chìa khóa” mang tên Bách hóa Xanh

Tuy vậy, trong cuộc trao đổi với Thương Gia, ông Trần Kinh Doanh, CEO của Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG) khẳng định: Bách hóa Xanh mới là “chìa khóa” tăng trưởng của tập đoàn trong thời gian tới.

Cần nhắc lại rằng, cuối năm 2015, khi đang thành công với gần một ngàn siêu thị bán điện thoại và điện máy trên toàn quốc, Thế Giới Di Động bất ngờ công bố “nhảy” vào lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu bằng việc mở chuỗi cửa hàng mang tên Bách hóa Xanh.

Sự thận trọng thấy rõ trong phát ngôn của lãnh đạo Thế Giới Di Động, khi ấy nói rằng, những cửa hàng đầu tiên chủ yếu mang tính thử nghiệm theo kiểu thắng làm tiếp, thua thì dừng. Họ đã không dừng, đồng nghĩa với việc Thế Giới Di Động đã tìm thấy những tín hiệu tích cực từ mảng kinh doanh mới mẻ này và từ đó đến nay, chuỗi Bách hóa Xanh vẫn tiếp tục được mở rộng.

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng hệ thống Bách Hóa Xanh trong năm 2018

- Giờ thì mọi người đã dần quen nhưng câu chuyện Thế Giới Di Động đi bán rau củ quả, thịt cá vẫn luôn thú vị. Với cá nhân, ông cảm thấy thế nào?

Mặc dù là nhà bán lẻ hàng đầu về điện thoại, điện máy nhưng khi bắt tay vào bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá tươi…, chúng tôi cũng không khỏi lúng túng. Nói thật là với thiết kế cửa hàng lúc đầu, tôi còn không muốn vào mua. Nhưng đến nay, sau rất nhiều điều chỉnh từ thiết kế cửa hàng, đào tạo đội ngũ nhân viên, quy trình quản trị, nhà cung cấp… Bách hóa Xanh đã được chuẩn hóa, hoạt động hiệu quả. Hiện chúng tôi đã có gần 300 cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn TP.HCM.

- Sau 2 năm đi vào hoạt động, Bách hóa Xanh đã đạt được bao nhiêu % so với kỳ vọng của ông?

Nói về con số % thì rất khó nhưng có thể chia sẻ thế này, Bách hóa Xanh đã hoàn tất việc thử nghiệm trong năm 2016 và đạt được những nền tảng cực kỳ quan trọng trong năm 2017 và giờ là thời điểm để Bách hóa Xanh tăng tốc phát triển. Hãy hình dung, nó giống như việc bạn đã tìm ra được một công thức để làm ra một cái bánh ngon thì việc làm ra nhiều cái bánh ngon từ công thức đó hoàn toàn không khó.

Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ đạt được con số 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh, nghĩa là tăng thêm khoảng 700 của hàng nữa. Với suất đầu tư trung bình từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng thì số vốn đầu tư cho chuỗi Bách hóa Xanh vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

- Mặt bằng đẹp đang rất khan hiếm do rất nhiều chuỗi từ café đến các nhà bán lẻ khác cũng săn tìm ráo riết. Mỗi ngày phải mở đến 2 cửa hàng, liệu có quá “căng thẳng”?

Việc mở cửa hàng đối với Thế Giới Di Động không phải là vấn đề quá khó (cười). Như năm rồi, chúng tôi mở thêm cũng tầm gần 600 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.

- Ông có thể cho biết về doanh thu và hiệu quả của chuỗi Bách hóa Xanh?

Trong giai đoạn đầu, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh chỉ từ vài trăm triệu mỗi tháng thì sau đã đạt tới 1,3 – 1,4 tỷ. Gần đây do tốc độ mở mới nhiều nên doanh thu trung bình giảm xuống tầm 900 triệu, tuy nhiên cá biệt vẫn có cửa hàng đạt tới 1,7 – 2 tỷ đồng và tăng trưởng ổn định tầm 20%. Năm 2017, doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh sẽ vượt 1.200 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần năm 2016. Biên lợi nhuận vào khoảng 14%.

Điều quan trọng là Bách hóa Xanh đã định vị được thương hiệu trên thị trường và đang từng bước tạo ra những giá trị khác biệt, đủ sức hấp dẫn để lôi kéo các bà nội trợ đến với Bách hóa Xanh, thay vì phải đi ra chợ mua bán, lo trả giá, cân thiếu cân đủ…, họ vẫn có thể trải nghiệm như ở chợ mà lại hoàn toàn yên tâm.

- Nhiều người cho rằng thị trường điện thoại, điện máy đang tiến đến điểm bão hòa, khó có khả năng tăng trưởng cao trong thời gian tới? Và đây chính là lý do khiến MWG buộc phải nhảy sang lĩnh vực khác như bán rau củ quả, thịt cá, hay sắp tới là dược phẩm?

Tôi không cho là như vậy. Trong vòng ít nhất 5-10 năm tới, Việt Nam vẫn là thị trường lý tưởng và có tiềm năng lớn cho hàng điện tử, điện máy vì dân số đông, nhu cầu còn rất lớn. Chẳng hạn với mặt hàng TV, rất nhiều hộ gia đình vẫn dùng những mẫu TV bóng đèn hình đời cũ, nhiều hộ cũng chỉ có đúng một cái TV. Tủ lạnh cũng vậy, rất nhiều gia đình chưa có dùng. Đặc điểm của hàng điện thoại, điện máy là vòng đời tương đối ngắn, mẫu mã kiểu dáng tính năng thay đổi, cập nhật liên tục nên nhu cầu cũng từ đó mà tăng theo.

Tuy nhiên để tăng trưởng nhanh, chúng tôi phải mở rộng, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Giải bài toán 10 tỷ USD vào năm 2020

- Ông từng chia sẻ tham vọng đưa MWG trở thành “tập đoàn bán lẻ đa ngành” lớn nhất Việt Nam và đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020. Tham vọng này liệu có quá sức và cơ sở nào để ông tin là mình có thể làm được?

Ở đây có 2 câu chuyện. Trước hết là câu chuyện về tập đoàn bán lẻ đa ngành lớn nhất. Thế Giới Di Động đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam từ nhiều năm nay ở mảng điện thoại, điện máy. Tuy nhiên, muốn được công nhận là “tập đoàn bán lẻ đa ngành” thì “nút thắt” nằm ở Bách hóa Xanh, dược phẩm và có thể là nhiều mặt hàng khác trong tương lai.

Hiện chúng tôi chưa nói được gì nhiều về dược phẩm nhưng với Bách hóa Xanh thì mục tiêu rất rõ ràng, đây sẽ là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong thời gian tới, bên cạnh điện thoại, điện máy.

Còn về câu chuyện doanh thu 10 tỷ USD, chúng tôi tự tin mình làm được. Năm 2017, MWG đặt mục tiêu doanh thu 63.000 tỷ đồng và đến thời điểm này, số liệu thống kê sơ bộ, chúng tôi đã hoàn thành. Năm 2018, MWG đặt mục tiêu 86.300 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 4 tỷ USD, tăng khoảng 35% so với năm 2017.

Nếu chỉ tính mức tăng trưởng trung bình mỗi năm cho thị trường di động và điện máy tầm 30% thì năm 2019, doanh thu vào khoảng 5,2 tỷ USD, năm 2020 tầm 6,7 tỷ USD, chúng tôi đã hoàn thành phần lớn mục tiêu 10 tỷ USD. Nhưng như tôi đã nói, “chìa khóa” để Thế Giới Di Động tăng trưởng đột phá nằm ở chuỗi Bách hóa Xanh.

Chúng tôi nhìn thấy cơ hội cực lớn từ ngành bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm tươi sống vì đây là ngành có quy mô thị trường rất lớn, ước tính vào khoảng 50 – 60 tỷ USD mỗi năm. Chỉ cần chúng tôi có thể triển khai 10.000 cửa hàng thì chuỗi Bách hóa Xanh có thể chiếm 10% thị phần và chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020.

Cũng cần nói thêm là chúng tôi sẽ đầu tư lớn vào thương mại điện tử để tăng doanh thu và tăng hiệu quả phục vụ khách hàng.

- Nhưng ngành này cạnh tranh rất khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn lớn như Vingroup, Saigon Coop, Satra… và cả các tập đoàn bán lẻ nước ngoài nữa. Giá trị khác biệt nào để Bách hóa Xanh có thể đánh chiếm, giành được thị phần ?

Chúng tôi sẽ đi theo hướng siêu thi mini, nhỏ nhưng tiện ích, có thể “luồn lách” vào những khu dân cư. Mặt khác, góc độ dịch vụ khách hàng và quản trị chuỗi, tôi chưa thấy DN nào ở Việt Nam có thể làm tốt hơn Thế Giới Di Động.

- Đầu năm 2017, Thế Giới Di Động cũng bắt đầu mở chuỗi cửa hàng BigPhone tại Campuchia, kết quả đến nay như thế nào, thưa ông?

Kinh doanh ở Campuchia có những đặc thù, hơi khó khăn do hệ thống luật pháp chưa rõ ràng nhưng chúng tôi đang từng bước giải quyết. Hiện nay, đã có 4 cửa hàng BigPhone, chuẩn bị thêm 3-4 cái nữa. Kế hoạch đến cuối năm 2018, chúng tôi sẽ có 10 cửa hàng tại Campuchia nhưng tới nay đội ngũ của BigPhone đã chuẩn bị cho ra đời gần 10 cái. Chúng tôi hy vọng với quy mô này, cuối năm 2018 cũng là thời điểm BigPhone đạt đến điểm hòa vốn.

Xin cám ơn ông !

Hoàng Sơn thực hiện

Có thể bạn quan tâm

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Với sự nỗ lực không ngừng, Vinpearl đã đạt được một cột mốc đáng ghi nhớ khi lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á. Thành công này là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho đại diện VNPT VinaPhone

VinaPhone 5G và MyTV được công nhận là Thương hiệu quốc gia

VinaPhone 5G và MyTV vừa vinh dự được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của VNPT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường...

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

Chiến lược tái định vị thương hiệu ấn tượng cùng nỗ lực khẳng định vị thế trong nước và quốc tế đã giúp ROX Group ghi tên mình vào bảng vàng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” và “Thương hiệu truyền cảm hứng” của Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2024...

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập Tetra Pak Việt Nam

Với sứ mệnh "Bảo vệ chất lượng tốt: Thực phẩm, con người và hành tinh", Tetra Pak luôn hướng tới một tương lai bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng, thúc đẩy hợp tác trong ngành, và dẫn dắt chuyển đổi bền vững mang lại lợi ích lợi tốt đẹp cho cộng đồng và môi trường.