Thế “kẹt” của 3 ông lớn trước thềm Basel II

Việc tăng vốn cấp 1 là không dễ dàng đối với các nhà băng do nguồn lực trong nước hạn chế trong khi huy động vốn nước ngoài gặp khó khăn do trần sở hữu nước ngoài và kỳ vọng lớn từ giá bán của cơ quan
Thế “kẹt” của 3 ông lớn trước thềm Basel II
Nhóm TMCP tư nhân có khả năng đáp ứng tốt hơn do đã có hệ số CAR cao đáng kể so với mức quy định, như ACB, VIB, Techcombank
Giờ G sắp điểm
Ngày 1/9 tới đây, 10 ngân hàng lớn sẽ chính thức thí điểm áp dụng Basel II. Theo đó, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR là rất cấp bách. Trong số 10 ngân hàng tham gia thí điểm, nhóm TMCP tư nhân có khả năng đáp ứng tốt hơn do đã có hệ số CAR cao đáng kể so với mức quy định, như ACB, VIB, Techcombank...
Trong khi đó, nhóm TMCP Nhà nước, bao gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank sẽ chịu áp lực tăng vốn lớn. Thành công hay thất bại của việc áp dụng tiêu chuẩn mới cũng phụ thuộc chủ yếu vào 3 ngân hàng này.
Hiện Vietcombank có nhiều dư địa hơn do có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn (phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đối tác nước ngoài, tăng vốn cấp 2). Mặc dù vậy, quá trình bán vốn nước ngoài đang kéo dài do không thỏa thuận được mức giá.
Trong khi đó, 2 ngân hàng BIDV và Vietinbank có hệ số CAR đã ở sát ngưỡng quy định (9%) và càng chịu áp lực giảm CAR khi phải trả cổ tức theo đề xuất của Bộ Tài chính. Vietinbank đã chạm trần sở hữu để huy động vốn nước ngoài, trong khi BIDV không còn dư địa để tăng vốn cấp 2.
Thế “kẹt” của 3 ông lớn trước thềm Basel II ảnh 1  
Trong kịch bản “tối thiểu nhất”, cả 3 ngân hàng chỉ tăng vốn vừa đủ để tuân thủ mức tối thiểu khi áp dụng Basel II (8%) thì tổng số vốn của 3 ngân hàng này cần huy động là 25.393 tỷ (tương đương 70% vốn điều lệ của VCB hiện tại).
Tăng vốn không đơn giản!
Rõ ràng, áp lực tăng vốn là rất lớn. Diễn biến ngành năm 2016 cho thấy tăng vốn cấp 1 là không dễ dàng do nguồn lực trong nước hạn chế trong khi huy động vốn nước ngoài gặp khó khăn do trần sở hữu nước ngoài (Vietinbank) và kỳ vọng lớn từ giá bán của cơ quan quản lý (Vietcombank).
Trong khi đó, việc tăng vốn cấp 2 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, như trường hợp BIDV đã vượt mức trần cho phép và không có dư địa để tăng thêm. Bên cạnh đó, theo Dự thảo thông tư về áp dụng thí điểm Basel II, vốn đầu tư vào trái phiếu cấp 2 của ngân hàng khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có. Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy gần 50% lượng trái phiếu cấp 2 phát hành được mua bởi các ngân hàng. Do đó, với quy định mới này, việc phát hành trái phiếu cho các định chế có thể gặp khó khăn hơn, có thể khiến cạnh tranh huy động vốn bằng trái phiếu ngày càng cao và từ đó gây áp lực lên chi phí vốn.
Theo đó, đối với việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel II vào năm 2017, VCBS cho rằng, do việc tăng vốn gặp nhiều trở ngại, không loại trừ khả năng trường hợp các ngân hàng hạn chế tín dụng để duy trì hệ số CAR, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận toàn ngành.
Bên cạnh đó, VCBS cũng cho rằng, việc tuân thủ được đúng thời hạn NHNN đề ra (9/2017) sẽ là rất thử thách các ngân hàng thí điểm, đặc biệt nhóm 3 NHTMNN, nếu không có các biện pháp hỗ trợ thêm từ cơ quan quản lý. Các biện pháp này có thể là giãn thời gian áp dụng; Phê duyệt giá bán của VCB phù hợp với mức giá phía đối tác mua đưa ra và nâng trần sở hữu nước ngoài để thu hút nguồn vốn mới…
Tại thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng vẫn đang áp dụng biện pháp ngắn hạn là tăng vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VCBS, biện pháp này chỉ giúp các ngân hàng giải quyết tình thế trong 1-2 năm trong khi chi phí vốn tại các ngân hàng phát hành chịu áp lực tăng, do lãi suất trái phiếu cao hơn 1-2% lãi suất huy động thông thường.

Theo Trần Thuý/Bizlive

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...