Thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục "lệch pha" cung - cầu, nguồn cung mới giảm kỷ lục

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về vấn đề nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TP quý 1/2022 cho thấy thị trường hiện đang có xu thế "lệch pha" cung - cầu về các phân khúc bất động sản.
Cần phải điều chỉnh tăng sản phẩm nhà ở bình dân nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người dân

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện nay nguồn cung dự án tăng - giảm không đều, phát triển chưa ổn định. Tình hình thị trường BĐS không có biến động trên diện rộng.

Cụ thể, trong quý 1 năm 2022, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án, với tổng số 1.172 căn nhà, giảm 84,66% so với quý 4 năm 2021, giảm 66,01% so với cùng kỳ quý I năm 2021. Đây là mức sụt giảm kỷ lục về nguồn cung khi nhiều dự án nhà ở bị "tắc" về pháp lý.

UBND TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, TP cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và đã đạt mục tiêu phủ vaccine toàn dân. Nếu những thành quả chống dịch của TP được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, dự báo TP có thể phục hồi nhu cầu giao dịch nhà ở trong thời gian tới.

Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BĐS.

Về lâu dài cần rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; Sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen cài, mở rộng hình thức cho vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Đặc biệt, Chính phủ, Bộ Xây dựng, các cơ quan bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Cụ thể là bổ sung nhóm ngành bất động sản vào nhóm đối tượng được hoãn, giãn thời gian nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; xem xét cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại theo lộ trình; các ngân hàng có chính sách giãn tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý…

Thành phố cũng cho rằng Chính phủ và các Bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở.

TP.HCM đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản cao cấp trong khi nhu cầu bất động sản bình dân là rất lớn

Trên thực tế, vấn đề "lệch pha" giữa thị phần cung và cầu đã diễn ra nhiều năm nay. Đa phần thu nhập bình quân của người dân đang cư trú tại TP.HCM đều có mức thu nhập trung bình. Trong khi đó nguồn cung về nhà ở lại chủ yếu nằm trong phân khúc tầm trung và cao cấp. Chính điều này đã dẫn đến việc "cung thừa nhưng cầu lại thiếu".

Để khắc phục tình trạng này, UBND.TP.HCM cho rằng phải có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân cần phải điều chỉnh tăng nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người dân. Chú trọng đầu tư phân khúc nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân chọn TP là nơi định cư và phát triển chính là giải pháp cần thiết cho tình trạng nhà ở hiện nay.

Có thể bạn quan tâm