Nhiều người cho rằng, giá các dự án nhà ở xã hội mở bán cách đây 5 - 10 năm sẽ có mức giá phù hợp, rẻ hơn các căn hộ chung cư đang tăng giá "vun vút" trong thời gian qua. Nhưng khi bắt tay vào tìm hiểu, mua nhà ở mới "hoảng" bởi giá các dự án nhà ở xã hội này cũng tăng không kém so với nhà ở thương mại.
NGƯỜI DÂN NGỠ NGÀNG
Thời gian qua, gia đình chị Oanh sinh sống và làm việc tại Hà Nội đang loay hoay tìm cách mua nhà ở trong lúc giá ngày càng tăng. Hai vợ chồng đang trải qua những tháng ngày đầy lo lắng để kiếm tìm một mái ấm cho gia đình nhỏ.
Khi xác định sẽ gắn bó và làm việc tại thành phố, họ đã dành dụm từng đồng, hy vọng có thể sở hữu một căn nhà ở. Nhưng sau mấy năm trời tích góp, số tiền của anh chị lại không đủ mua nhà ở thương mại. Sau khi hỏi chỗ quen biết, thấy rằng nhà mình đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nên chị cũng đi tìm mua. Mấy tháng trời ròng rã, chị vẫn không có suất để mua. Nên nhà chị Oanh tính đến việc mua một căn hộ nhà ở xã hội cũ đã xây dựng được mấy năm.
“Cứ nghĩ sẽ được giá tốt, nhưng khi bắt đầu tìm hiểu, vợ chồng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi mức giá hiện tại của các căn hộ đã tăng gấp 2-3 lần so với giá mở bán ban đầu. Giá mỗi m2 dao động từ 40 - 50 triệu đồng”, chị Oanh bộc bạch.
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Oanh, anh Quyết hiện ở quận Hoàng Mai cũng rất bất ngờ khi giá của căn hộ nhà ở xã hội cao ngang bằng với giá nhà ở chung cư bình thường.
“Tôi tìm mua một căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở quận Long Biên có diện tích khoảng 70m2, 2 phòng ngủ, hiện chủ nhà đang rao bán với giá 3,5 tỷ đồng, tương đương 50 triệu đồng/m2. Chủ nhà nói với tôi rằng, so với các mức giao ở đây, thì 3,5 tỷ đồng còn khá rẻ, như các căn 70m2 khác, họ toàn rao 3,7 tỷ đồng”, anh Quyết chia sẻ.
Trong khi đó, với vai trò là một người môi giới bất động sản, anh Phong cho biết, thị trường đang chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của nhà ở xã hội. Trong những năm qua, nhiều dự án nhà ở xã hội đã tăng giá đáng kể. Một ví dụ tiêu biểu là dự án Rice City Linh Đàm, ra mắt vào năm 2015 với mức giá chỉ hơn 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay, giá bán của các căn hộ tại đây đã tăng lên mức 40-50 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào từng căn hộ cụ thể.
Theo anh Phong: “Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá này là do ảnh hưởng từ đà tăng trưởng của thị trường nhà ở thương mại, cùng với sự hạn chế về nguồn cung. Trong khi nhu cầu mua nhà ngày càng cao, nguồn cung nhà ở xã hội lại không đáp ứng đủ, khiến giá cả leo thang. Người dân, đặc biệt là những gia đình trẻ, đang tìm kiếm những giải pháp nhà ở hợp lý, nhưng việc tìm kiếm một căn hộ vừa túi tiền ngày càng trở nên khó khăn hơn”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KÉO GIÁ NHÀ Ở XÃ HỘI ĐI XUỐNG?
Trên thực tế, không chỉ 1 hay 2 dự án nhà ở xã hội có mức giá tăng đáng kinh ngạc, mà hầu hết những dự án này có mức tăng tương đương nhau.
Cụ thể, khu nhà ở xã hội Đại Kim Building (phố Trần Hoà, Hoàng Mai) đã đủ điều kiện mua bán sau hơn 5 năm sử dụng. Tuy nhiên, giá bán các căn hộ ở đây khá cao, một căn hộ 70m2 có giá khoảng 3,6 – 3,7 tỷ đồng, trong khi các căn 100m2 với 3 phòng ngủ có giá khoảng 5,5 tỷ đồng, tương đương 52 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, khi mở bán năm 2016, giá chỉ 16 triệu đồng/m2, nay đã tăng gấp 3 lần.
Trong khi đó, dự án nhà ở xã hội Ecohome (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được bàn giao từ năm 2020, với giá bán từ chủ đầu tư khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện tại, giá các căn hộ tại đây đã tăng vọt, dao động từ 40 - 43 triệu đồng/m2, tức gần gấp 3 lần so với mức giá ban đầu.
Một căn hộ tại dự án Ecohome có diện tích 60m2 và thiết kế 2 phòng ngủ, hiện đang được rao bán với giá 2,55 tỷ đồng, tương ứng 43 triệu đồng/m2.
Tương tự, cuối năm 2017, giá bán các căn hộ nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội 987 Tam Trinh, Yên Sở (quận Hoàng Mai) chỉ khoảng 14,2 triệu đồng/m2. Đến hiện tại, các căn hộ nhà ở xã hội 987 Tam Trinh đang được rao bán với mức giá từ 50 - 53 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với Thương gia, ông TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia Tài chính, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu đã có tình trạng bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, nhiều người mua vào là để bán lại hoặc ăn chênh chứ không hẳn là nhu cầu thực, có nhiều người xem đây là nơi để kiếm tiền.
Việc thị trường nhà ở thứ cấp tăng giá có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, liên quan đến mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khi thị trường đang khát nguồn hàng, giá nhà tăng lên, vì thế nhà ở xã hội cũng tăng theo.
Thứ hai, một số dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp hơn nhà ở thương mại, nhiều dự án nhà ở thương mại không có quỹ đất nên dạt ra ngoài trung tâm. Nên việc lên giá nhà ở xã hội thứ cấp cũng do vị trí.
Thứ ba, liên quan đến nhu cầu nhà ở, những cá nhân chưa đủ điều kiện mua nhà ở thương mại đành phải đi mua nhà ở xã hội để có giá rẻ hơn. Vì thế, sức cầu được đẩy lên, cung ít hơn cầu nên giá tăng là điều đương nhiên.
Để kéo giảm giá nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản hiện nay vừa thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, vừa “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp, rất thiếu nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Vì vậy, ông Châu đề xuất, nên quy định “dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng lên tối đa 1,5 lần” sẽ có tác động tích cực góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở và kéo giảm giá nhà trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, việc hoán đổi quỹ đất 20% ở vị trí khác có giá trị tương đương. Điều đó không chỉ giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội mà còn tạo sự linh hoạt trong việc phát triển dự án.
“Quy định này cần được thực hiện sao cho đảm bảo giá trị tương đương của quỹ đất được hoán đổi, nhằm duy trì sự công bằng và hiệu quả trong phát triển nhà ở xã hội”, ông Châu cho hay.