Thị trường ô tô 2018: Xe nhập khẩu khó có cửa về Việt Nam?

Ngày 24/1/2018, Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 liên quan các điều kiện về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô đã được ban hành. Có điều doanh nghiệp muốn nhập khẩu xe n
Thị trường ô tô 2018: Xe nhập khẩu khó có cửa về Việt Nam?

Vấn đề giấy Chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu (VTA) lại được “nhắc lại”

Trong Thông tư 03/2018/TT-BGTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ngày 10/1/2018, một vấn đề tiếp tục được đề cập đến đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng chính là buộc phải cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài (giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường).

Đây cũng là vấn đề khúc mắc nhất mà các liên doanh sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã không dưới 5 lần gửi công văn lên Chính phủ bởi họ cho rằng cơ quan có thẩm quyền của các nước xuất khẩu ô tô sang Việt Nam rất khó có thể chịu cấp loại giấy chứng nhận cho những lô xe không sử dụng tại nước đó.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay: “Quy định đã được đưa ra thì chúng tôi sẽ phải tuân thủ. Chúng tôi đang nỗ lực đàm phán với các bên liên quan để có được những giấy tờ trên. Chưa kể có những giấy chứng nhận chưa từng có ở những nước xuất khẩu nên sẽ phải mất rất nhiều thời gian xây dựng để làm sao phù hợp với thông lệ của Việt Nam”.

Xe càng “độc” càng khó về

Theo Thông tư 03/2018/TT-BGTVT, các lô xe nhập khẩu đều phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định. Thế nên dù lô xe mới nhập về chỉ là một hay nhiều xe thì doanh nghiệp đều bắt buộc phải kiểm định theo lô. Chưa kể là từng dòng xe có nhiều phiên bản cũng sẽ phải chọn ra mỗi loại để gửi tới cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra.

Đặc biệt, với những mẫu siêu xe thể thao (Lamborghini) hay xe siêu sang (Bentley, Rolls-Royce) thường chỉ được nhập về đơn chiếc và đặt theo yêu cầu của chủ sở hữu nên vấn đề ở đây là nó sẽ phát sinh rất nhiều giấy tờ chứng nhận cho mỗi loại.

Việc mang đi kiểm tra, kiểm định theo lô sẽ mất thêm khoảng chừng 2 tháng, chi phí cũng đội thêm gần 10.000 USD. Ngoài tốn thêm thời gian và tiền bạc, những khách hàng mua các mẫu xe độc và siêu đắt này thậm chí còn không được “bóc tem” chiếc xe mà mình đã mua nên dự đoán khách hàng ở phân khúc xe này sẽ có xu hướng giảm dần.

Thị trường liệu sẽ vắng bóng xe nhập?

Đó là viễn cảnh mà người tiêu dùng Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến bởi suốt quãng thời gian qua, họ luôn hi vọng vào sự đột phá của thị trường xe, đặc biệt là dòng xe nhập khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018. Nhưng với các hãng, một tương lai mịt mờ của thị trường xe Việt đã hiện ra trước mắt họ ngay từ tháng 10/2017 khi Nghị định 116 được ban hành.

Mẫu Fortuner đã không có xuất hiện tại các showroom trưng bày của Toyota suốt nhiều tháng qua

Đến giữa tháng 1/2018, nhiều tên tuổi như Toyota, Honda, tiếp đó là Mitsubishi, Ford, GM… đã đồng loạt thông báo tạm ngừng xuất khẩu xe vào Việt Nam. Điều này đã nhanh chóng dấy lên nhiều lo ngại cho cả hai phía: người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong rằng khi Thông tư hướng dẫn được ban hành, nó sẽ nới lỏng những quy định cũng như giảm bớt các loại tờ gây khó cho họ.

Nhưng cuối cùng mọi thứ đã đi ngược lại với dự đoán, Thông tư 03/2018/TT-BGTVT vừa được công bố cách đây 2 hôm thậm chí còn siết chặt hơn các quy định đối với kinh doanh nhập khẩu ô tô chưa qua sử dụng.

Ông Tuấn tiếp tục chia sẻ: “Lúc này chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi và không thể biết khi nào xe mới được nhập về bởi hiện tại vẫn còn nhiều khúc mắc trong việc tìm đủ giấy tờ theo quy định”. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô giờ đây đã lâm vào cảnh bế tắc thực sự và chưa tìm được lối thoát.

Thị trường ô tô 2018: Xe nhập khẩu khó có cửa về Việt Nam? 

Người mua vẫn tranh nhau chiếc Honda CR-V mới dù giá bán chiếc xe này đã bị tăng thêm 150 triệu đồng và các đại lý bắt mua kèm phụ kiện lên tới 70 triệu đồng.

Hiện tượng khan hiếm nguồn cung xe nhập khẩu, đặc biệt là những mẫu xe được ưa chuộng tại Việt Nam như Honda CR-V, Toyota Fortuner hay Ford Ranger đều đã và đang xảy ra. Giá bán xe tăng cũng là điều không tránh khỏi khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu và tình trạng này được dự báo là sẽ kéo dài tới hết quý II/2018.

Trong trường hợp về lâu về dài, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong vấn đề nhập khẩu xe hoặc xe nhập về có chi phí bị đẩy lên quá cao thì khả năng sẽ từ bỏ nhập khẩu xe và việc lắp ráp sẽ được họ cân nhắc. Điển hình là Mitsubishi khi mới đây đơn vị này đã chuyển sang lắp ráp mẫu Outlander thay vì nhập khẩu từ Nhật Bản như trước kia.

Đây được xem như một bước đi khôn ngoan của Mitsubishi khi vừa tận dụng được ưu đãi về thuế, vừa thoát được Nghị định 116 và cung cấp ra thị trường một sản phẩm có giá bán hợp lý hơn rất nhiều để có thể cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng giảm lần thứ 3 liên tiếp

Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp

Trong bối cảnh giá xăng thế giới đang trên đà chinh phục đỉnh mới, giá bán lẻ xăng trong nước lại có xu hướng ngược lại khi tiếp tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành tuần này…

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch quốc tế khi nhà đầu tư tận dụng cơ hội mua vào trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ và hàng loạt dữ liệu kinh tế sắp công bố. Trong nước, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao, chênh lệch khoảng 2,4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới…