Sáng 2/4 (giờ Việt Nam), Bitcoin, đồng tiền mã hoá giá trị nhất thế giới, tăng 2,05% lên 84.754 USD. Ether cũng tăng 2,18% lên 1.878 USD. XRP giảm 0,66% xuống còn 2,09 USD, Solana mất 1,15%%, còn Cardana cũng trượt 0,09%.
Đối với nhóm meme coin, Dogecoin leo 1,29%, còn đồng TRUMP thêm 2,08%.
Trong quý đầu tiên của năm 2025, Bitcoin đã mất khoảng 11% giá trị. Đến nay, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới cũng đã giảm khoảng 24% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 1. Lý do là bởi Bitcoin chịu áp lực từ hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư cá nhân, sự thất vọng về chính sách tiền mã hóa của chính quyền Donald Trump và tâm lý lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại.
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ công bố kế hoạch chi tiết về thuế quan lên các đối tác thương mại vào ngày 2/4, thời điểm ông nhiều lần gọi là “Ngày Giải Phóng”. Các mức thuế mới sẽ áp dụng cho ngành như chất bán dẫn, dược phẩm và nhiều hàng hóa khác.
Trong bối cảnh này, thị trường ngày càng hoang mang hơn khi giới đầu tư lo ngại về phạm vi và tác động kinh tế của thuế quan. Các nhà phân tích cũng nâng dự báo về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ trong năm nay.
Các tài sản đầu cơ như Bitcoin chịu tác động nặng nề nhất từ làn sóng né tránh rủi ro. Bitcoin cũng đang có hiệu suất kém hơn so với S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq.
“Khi “Ngày Giải Phóng” đến gần, sự không chắc chắn về quy mô thuế quan đang khiến Bitcoin và các tài sản rủi ro khác rơi vào trạng thái lưỡng lự”, ông Nic Puckrin, nhà phân tích tiền mã hóa và người sáng lập Coin Bureau nhận định.
Theo ông Puckrin, cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về thuế quan, mô hình giao dịch giằng co hiện tại vẫn sẽ kéo dài. Nhưng nếu có tin tức tích cực hơn dự kiến hoặc có sự nhượng bộ nào đó, Bitcoin có thể bứt phá khỏi xu hướng hiện tại. Mặc dù vậy, Bitcoin sẽ cần một đà gia tăng đáng kể về khối lượng giao dịch để xác nhận một đợt tăng kéo dài. 88.000 USD sẽ là ngưỡng giá quan trọng cần theo dõi.
Ngược lại, nếu thuế quan gây sốc cho thị trường, Bitcoin có thể giảm xuống gần 79.000 USD trong ngắn hạn, thậm chí thấp hơn về mức hỗ trợ 73.000 USD do tâm lý sợ hãi bao trùm. Ông Puckrin cảnh báo thêm, tỷ lệ long-short của Bitcoin hiện đang ở mức gần 50-50, cho thấy sự bất ổn của bối cảnh vĩ mô hiện tại.
Vào hồi tháng 3, công ty nghiên cứu 10X Research cũng đưa ra cảnh báo tương tự về khả năng Bitcoin rơi xuống vùng 73.000 USD. Họ nhận thấy các nhà giao dịch nhỏ lẻ đã đổ tiền vào memecoin trong đợt tăng giá kỷ lục của Bitcoin vào tháng 1. Tuy nhiên, đây có thể đã là đỉnh của thị trường, khi nhiều danh mục đầu tư đang chịu lỗ do các đồng memecoin giảm giá mạnh. Theo 10X, Bitcoin sẽ cần một câu chuyện mới để kích hoạt đợt tăng trưởng lớn tiếp theo.
James Butterfill, trưởng bộ phận nghiên cứu tại CoinShares, viết trong một báo cáo trong tháng 2 rằng thuế quan sẽ có tác động tiêu cực đến Bitcoin trong ngắn hạn. Ban đầu, thuế quan có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro. Lạm phát cũng sẽ tăng cao, khiến thị trường lo ngại về việc lãi suất có thể tăng thêm. Thuế quan có khả năng khiến giá tiền mã hóa giảm, do thị trường tiền số thường có mối tương quan với chứng khoán. Tuy nhiên, về dài hạn, triển vọng lại có phần lạc quan hơn. “Sẽ đến lúc thị trường nhận ra rằng Mỹ không thể tiếp tục tăng lãi suất khi nền kinh tế đang suy yếu (tình trạng đình lạm). Khi đó, Bitcoin có thể phục hồi ngay cả khi thị trường chứng khoán vẫn gặp khó khăn”, ông Butterfill bình luận.