Giám đốc ASUS Việt Nam: Từ 3 đến 5 năm tới, máy tính tích hợp AI sẽ trở thành tiêu chuẩn phổ biến

Đó là nhận định của ông Mike Phan - Giám đốc ASUS Việt Nam thuộc mảng Kinh doanh và Sản phẩm khi trao đổi với Thương Gia về xu hướng máy tính tích hợp AI trong thời gian tới...

Ông Mike Phan, Giám đốc ASUS Việt Nam mảng Kinh doanh và Sản phẩm
Ông Mike Phan, Giám đốc ASUS Việt Nam mảng Kinh doanh và Sản phẩm

Theo ông Mike Phan, sự chuyển đổi này không chỉ mở ra cơ hội cạnh tranh sôi động hơn mà còn thúc đẩy các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được nâng cao, giúp laptop AI tiếp cận rộng rãi hơn đến với người tiêu dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Thị trường máy tính tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến động đáng kể trong những năm gần đây. Ông có thể đưa ra một vài đánh giá về thị trường máy tính tại Việt Nam trong 5 năm vừa qua?

Trong 5 năm qua, thị trường máy tính tại Việt Nam trải qua nhiều biến động đáng kể. Năm 2021, với bối cảnh mọi người phải làm việc tại nhà do dịch Covid-19, thị trường chung đã chứng kiến mức tăng trưởng đột biến lên đến 142% so với năm 2020. Tuy nhiên, sự bùng nổ này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm nghiêm trọng. Nếu nguồn cung dồi dào hơn, nhu cầu thực tế có thể đã gần gấp đôi so với một năm thông thường.

Trong năm 2022 và 2023, thị trường lại đối mặt với thách thức ngược lại khi diễn ra tình trạng dư cung. Sự xuất hiện tràn lan của các sản phẩm trang bị CPU thế hệ cũ, cùng với việc các dòng sản phẩm mới trên thị trường trong giai đoạn đó không có nhiều đổi mới khiến nhu cầu của người tiêu dùng đi xuống. Tuy nhiên, đến năm 2024, lượng hàng tồn kho đã trở lại mức ổn định, và chúng tôi nhận thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với các dòng laptop thế hệ mới trang bị CPU thế hệ mới.

Trong tương lai gần, sự chuyển đổi sang AI PC (máy tính cá nhân thông minh, được thiết kế với phần cứng và phần mềm phù hợp để xử lý các tác vụ AI và máy học như một công cụ chuyên nghiệp) sẽ là bước tiến lớn tiếp theo của ngành công nghiệp. Với những phát triển vượt bậc về sức mạnh tính toán, ngày càng nhiều người dùng quan tâm đến phần cứng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), được trang bị bộ vi xử lý thế hệ mới nhất. Mặc dù CPU chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng chi phí của một chiếc laptop, nhưng đây lại là yếu tố cốt lõi quyết định hiệu suất tổng thể. Việc lựa chọn CPU thế hệ cũ thực tế chỉ giúp giảm khoảng 10% giá bán của laptop, nhưng lại có thể ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm sử dụng và khả năng đáp ứng lâu dài của thiết bị. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi các CPU thế hệ mới không chỉ nâng cao hiệu suất hiện tại mà còn giúp thiết bị sẵn sàng cho những tiến bộ AI trong tương lai gần. Khi người dùng chọn mua một chiếc laptop, họ mong muốn thiết bị có thể sử dụng trong hơn 5-6 năm, vì vậy việc lựa chọn thiết bị có phần cứng có thể sẵn sàng cho những tiến bộ và cập nhật về công nghệ trong tương lai gần là điều rất quan trọng.

Có thể nói, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển cực nhanh trong vài năm trở lại đây đã khiến các sản phẩm trở nên lạc hậu nếu không bắt kịp. Ông dự đoán gì về xu hướng phát triển AI thời gian tới?

Thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam hiện nay đang chứng kiến nhiều tiềm năng lớn. Theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI trong khu vực ASEAN vào năm 2030, với các chính sách khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này. Cũng theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thị trường AI Việt Nam dự kiến sẽ đạt ngưỡng 500 triệu USD vào năm 2025. AI dự kiến sẽ là một trong những lĩnh vực được tích hợp vào tất cả các ngành nghề trong tương lai gần, việc Chính phủ tích cực thúc đẩy việc ứng dụng chính phủ số, đô thị thông minh và công nghiệp 4.0 vào nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, tài chính đến y tế, cho thấy tham vọng của Việt Nam trong việc trở thành một trung tâm công nghệ khu vực, tận dụng nguồn nhân lực trong nước và hợp tác quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.

Để bắt kịp "làn sóng" trí tuệ nhân tạo, nhiều nhà sản xuất đã nhanh chóng nâng cấp cho các sản phẩm của mình trong đó có máy tính khi năm ngoái, PC tích hợp AI đã được ra đời. Ông có bình luận gì trước nhận định: PC tích hợp AI đã, đang và sẽ là xu hướng tất yếu của ngành laptop trong thời gian tới?

Thị trường AI PC toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những nỗ lực đổi mới của các "ông lớn" trong ngành như Microsoft, Qualcomm, Intel và AMD. Vậy nên chúng ta có thể kỳ vọng thị trường Việt Nam cũng sẽ bắt nhịp với xu hướng tích cực này.

Trong vòng 3 đến 5 năm tới, AI PC nói chung và laptop AI nói riêng được dự đoán sẽ trở thành tiêu chuẩn phổ biến khi các tính năng AI dần trở thành yếu tố mặc định trên nhiều dòng laptop.

Hiện tại, Copilot+ PC chỉ chiếm khoảng 1% tổng thị trường PC tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ASUS kỳ vọng sự phát triển này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong những tháng tới, với nhiều sản phẩm ở các mức giá phù hợp. Điều này có thể giúp thị phần tăng lên khoảng 3-5% vào cuối năm 2025. Trên toàn cầu, dự báo mới nhất của Gartner cho thấy tổng lô xuất xưởng AI PC sẽ tăng 165,5% vào năm 2025 so với năm 2024. Một dự báo khác từ IDC cho biết AI PC sẽ chiếm hơn 80% thị trường toàn cầu vào cuối năm 2027. Khi thị trường toàn cầu dẫn dắt xu hướng, thị trường Việt Nam thường sẽ theo sau với độ trễ tầm 1-2 năm.

Sự chuyển đổi này không chỉ mở ra cơ hội cạnh tranh sôi động hơn mà còn thúc đẩy các ứng dụng AI ngày càng được nâng cao, giúp laptop AI tiếp cận rộng rãi hơn đến cả người tiêu dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những cải tiến trong hiệu suất phần cứng, tương thích phần mềm, cùng với các công cụ hỗ trợ làm việc tích hợp AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một hệ sinh thái máy tính AI sôi động tại Việt Nam. Việc đón nhận những tiến bộ này sẽ góp phần đảm bảo một tương lai công nghệ đầy triển vọng và phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

ASUS là thương hiệu đầu tiên mang chiếc laptop AI đạt chuẩn Copilot+ PC đầu tiên đến người dùng Việt Nam và hiện chiếm 76% thị phần phân khúc Copilot+ PC tại mảnh đất hình chữ S. Trong thời gian tới, ASUS sẽ phát triển như thế nào tại thị trường tại Việt Nam để giữ vững thị phần này?

Chiến lược của chúng tôi, cả trên toàn cầu và tại Việt Nam, luôn tập trung vào việc phát triển danh mục sản phẩm đa dạng ở nhiều phân khúc. Điều này đảm bảo rằng người dùng ở mọi phân khúc đều có thể tiếp cận những đổi mới công nghệ tiên tiến nhất trên thị trường.

Tiếp nối chiến lược này, chúng tôi có kế hoạch ra mắt các mẫu Copilot+ PC trên nhiều phân khúc khác nhau, từ các dòng phổ thông đến dòng flagship cao cấp như Zenbook. Tất cả các phân khúc sẽ có các thiết bị được trang bị chip AI tiên tiến từ Qualcomm, Intel và AMD, mang đến nhiều lựa chọn phù hợp với từng nhu cầu sử dụng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin giằng co ở vùng giá 87.000 USD

Bitcoin giằng co ở vùng giá 87.000 USD

Bitcoin hầu như đi ngang trong phiên giao dịch vừa qua khi nhà đầu tư tìm kiếm sự rõ ràng về các mức thuế thương mại mới của Mỹ, trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng đợt phục hồi gần đây có thể chỉ là một “bẫy tăng giá”…

Tháng hạn của các “ông lớn” công nghệ Tesla, Nvidia, Apple, Amazon

Tháng hạn của các “ông lớn” công nghệ Tesla, Nvidia, Apple, Amazon

Năm 2025 mới chỉ bắt đầu được 3 tháng nhưng đã là quãng thời gian đầy khó khăn cho "Magnificent Seven”, nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu Phố Wall. Tesla, Nvidia, Apple và Amazon đều chứng kiến vốn hoá bốc hơi hàng trăm tỷ USD, báo hiệu một năm đầy biến động phía trước…

Ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ đi về đâu?

Ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ đi về đâu?

Với tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp trị giá 3 nghìn tỷ USD hiện nay, Giáo sư Eswar Prasad, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Cornell và là tác giả của cuốn sách “Tương lai của tiền tệ” xuất bản năm 2021, nói về các thế lực đang phá vỡ công nghệ tài chính...