Thu chi ngân sách trong bối cảnh thực thi các FTA (Bài 1): Những cam kết về thuế xuất – nhập khẩu sẽ làm giảm thu ngân sách?

Trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, có một số FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, phạm vi khá rộng trên nhiều lĩnh vực với nhiều cam kết rất mạnh mẽ, nhất là cam kết mạnh mẽ về cắt giảm thuế quan sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong giai đoạn 2011 – 2020, Việt Nam đã cân đối được thu chi ngân sách tương đối tốt góp phần đảm bảo an ninh ngân sách nói riêng, an ninh tài chính quốc gia nói chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030 việc cân đối thu chi NSNN của Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân khá quan trọng là do Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Việt Nam tham gia một số FTA thế hệ mới.

Trong các FTA thế hệ mới mà điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có nhiều cam kết làm ảnh hưởng đến nguồn thu cho NSNN, nhất là thu từ các hoạt động xuất, nhập khẩu.

Những cam kết về thuế xuất - nhập khẩu trong các FTA sẽ làm giảm thu ngân sách đáng kể của Việt Nam
Những cam kết về thuế xuất - nhập khẩu trong các FTA sẽ làm giảm thu ngân sách đáng kể của Việt Nam

Về thuế nhập khẩu, theo cam kết trong CPTPP, Việt Nam áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác trong CPTPP. Theo đó chúng ta cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Cụ thể, theo Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính 65,8% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Những nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan sau 3 năm gồm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử; Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế sau 5 năm chủ yếu gồm dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su…

Đối với EVFTA, tương tự như CPTPP, Việt Nam áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác trong EVFTA. Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Vẫn theo Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính 48,5% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 58,7% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 79,6% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực...

Một số sản phẩm như thịt bò, thủy sản Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau 3 năm; Sữa và sản phẩm sữa sẽ xóa bỏ thuế quan sau 3-5 năm; Các sản phẩm từ cá, thịt lợn đông lạnh, hóa chất, sản phẩm gỗ, giấy, máy móc thiết bị, xe máy phân khối lớn, linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ xóa bỏ thuế quan tối đa 7 năm.

Việc cân đối thu chi NSNN của Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn tới
Việc cân đối thu chi NSNN của Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn tới

Về thuế xuất khẩu, trong CPTPP Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Trong khi đó ở EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất thuế xuất khẩu. Như vậy, trong Hiệp định EVFTA và CPTPP, Việt Nam bảo lưu áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số nhóm mặt hàng quan trọng như dầu thô, than đá và một số loại khoáng sản khác.

Có thể thấy rằng cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong 2 FTA thế hệ mới có tầm ảnh hưởng lớn nhất là EVFTA và CPTPP có làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam nhưng không quá lớn. Ngược lại, cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam trong EVFTA và CPTPP làm giảm đáng kể nguồn thu từ nhập khẩu của Việt Nam.

Nếu các FTA truyền thống thường có lộ trình trên 10 năm, với mức cắt giảm thuế quan không lớn, thì EVFTA và CPTPP có lộ trình ngắn, chỉ khoảng 7 năm là cơ bản đã xong với mức cắt giảm thuế quan rất sâu. Đặc biệt, EVFTA và CPTPP có gần hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên tác động làm giảm nguồn thu cho NSNN là lớn hơn rất.

Có thể bạn quan tâm