Thứ trưởng Phạm Đức Long: Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2025 dự báo đạt 49 tỷ USD

Quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Phát biểu tại hội thảo, triển lãm Internet Day 2023 lần thứ 11 với chủ đề “Không gian mới, Cơ hội mới cho Internet Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hoá trực tuyến hàng tuần ở mức cao trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%.

Quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hoá trực tuyến của Việt Nam 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

“Đây rõ ràng là cơ hội to lớn mà Internet đã và đang mang lại cho sự phát triển của Việt Nam. Triển vọng phát triển to lớn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông với chức năng quản lý nhà nước có nhiệm vụ mở không gian bằng chính sách, tạo ra sự phát triển. Bộ đã sớm xây dựng các hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, chương trình tạo động lực cho đổi mới và phát triển.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Luật Viễn thông (sửa đổi) hiện đang được hoàn thiện, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh bổ sung thêm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

Việc đưa các dịch vụ này vào viễn thông để quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vì hạ tầng viễn thông đã chuyển sang hạ tầng số, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là thành phần quan trọng của hạ tầng số.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng hoàn thiện các quy định nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công; ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông và sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác.

Ngoài ra, quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ và dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2023. Quy hoạch đặt ra tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển cụ thể cho viễn thông và Internet đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng và sớm ban hành Chiến lược/Kế hoạch phát triển cáp quang quốc tế Việt Nam, đảm bảo hạ tầng số Việt Nam phát triển an toàn, bền vững. Đồng thời, ban hành Kế hoạch thương mại hoá 5G với mục tiêu chính thức cung cấp dịch vụ trong năm 2024, đáp ứng nhu cầu Internet băng rộng di động, kết nối mật độ cao và các ứng dụng độ trễ thấp, độ tin cậy cao”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Báo cáo SEA 2023 vừa được Google và Temasek công bố đã nhận định về thị trường Việt Nam với nền kinh tế kỹ thuật số đang trên đà phát triển, và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo trên cũng đã đưa ra dự báo, trong khoảng 2022-2025, kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm với quy mô khoảng 49 tỷ USD vào năm 2025.

Có thể bạn quan tâm