
Sáng 21/2, diễn ra Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV.
KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC, PHẢI DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại. Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu quan trọng của đất nước, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Vấn đề là làm thế nào?", Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, kinh nghiệm quốc tế và công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua được.
Thủ tướng nêu rõ, theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt 2 mục tiêu 100 năm. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới cần tăng tốc bứt phá mới có thể đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
"Mục tiêu như thế, không làm không được. Do đó, có rất nhiều việc phải làm; phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư công, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao vươn xa. Tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, phải tranh thủ thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành động lực, càng khó khăn, thách thức càng phải nỗ lực hơn", Thủ tướng phát biểu.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỒNG LÒNG VÌ MỤC TIÊU CHUNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%, tương đương với tiến độ của các năm trước. Điều này phản ánh sự nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả trong phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội.
Về tăng trưởng kinh tế, trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%. Đối với năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.
Dự báo, GRDP của thành phố trong quý 1 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý 1 thường chỉ đạt khoảng 10%. Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn phát biểu, trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%. Ngay khi xác định mục tiêu tăng trưởng, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, tỉnh Quảng Ninh xác định một số nội dung chính cần tập trung thực hiện.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn được sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành để tỉnh nỗ lực với quyết tâm cao nhất đạt được những mục tiêu đề ra cùng với cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 8%.
Tỉnh Đồng Nai cũng là địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng kinh tế là 10%, đây là nhiệm vụ nặng nề khi các cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh như Sân bay Long Thành, 5 khu đô thị-công nghiệp được Chính phủ phê duyệt chủ trương đang trong quá trình xây dựng, chưa đưa vào sử dụng. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo lãnh đạo tỉnh, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng ban hành kế hoạch phổ biến cho toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức viên chức của tỉnh về các nhiệm vụ giải pháp tăng trưởng đạt trên 2 con số.
Ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã chủ động đặt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản được giao từ 14-15%/năm. Kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2024 trung bình đạt trên 14%/năm.
Năm 2025 tỉnh Bắc Giang xác định đây là năm tăng tốc bức phá và về đích thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, củng cố các nền tảng phát triển kinh tế mới để không lỡ nhịp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2026-2030. Qua rà soát đánh giá Bắc Giang xác định tỉnh còn nhiều lợi thế, dư địa cho phát triển.
Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ, ban, ngành quan tâm xem xét đặt các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh; quan tâm hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư uy tín trong lĩnh vực logictics, công nghiệp bán dẫn, nghiên cứu phát triển nhằm xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn của tỉnh.