Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%.
Thủ tướng cho biết, nền kinh tế có dấu hiệu đảo chiều từ quý II/2017, bắt đầu với tốc độ tăng trưởng cao mà theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nguyên nhân chính là do những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng năng suất lao động và chỉ số đổi mới sáng tạo tăng.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro ngắn hạn, trước mắt, gồm các rủi ro thương mại, tiền tệ, rủi ro dòng vốn… nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước mà Mỹ nhập siêu, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ… Tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019, 2020.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - người phát ngôn Chính phủ thông báo một số tín hiệu vui của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân, sau 2 tháng liên tiếp tăng cao thì đến tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6.
Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến tăng do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng USD tăng giá. Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, chỉ số VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so cuối năm 2017.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771.000 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là gần 40.000 doanh nghiệp, tăng 45,6%.
Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng vui mừng thông báo một chỉ số được cải thiện của Việt Nam. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 4 trong ASEAN. Chỉ số hiệu quả logistics 2018 tăng 25 bậc so với 2016. Hiện nay Việt Nam đứng thứ 39 trong 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 7, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan địa phương và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác.
Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù các Bộ đã có nhiều cố gắng rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh chưa cao. Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%).