Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu cản trở sự phát triển của doanh nghiệp

Chương trình Thương hiệu quốc gia vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt...

img2075-1730734900374682086964.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh"

Vừa qua, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng VACOD cũng vinh dự được vinh danh.

THÁO GỠ CÁC ĐIỂM NGHẼN CHO DOANH NGHIỆP

Phát biểu tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung, hiện nay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

"Chúng ta phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất, phải coi trọng thời gian và trí tuệ ở điểm này để tháo gỡ thật nhanh. Chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045 nếu như thập kỷ tới đây chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Chúng ta phải phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới đây thì mới đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2030, năm 2045", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, để tiên phong và tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, Bộ Công Thương phải tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; kiên quyết, kiên trì, dứt khoát xóa bỏ cơ chế "xin - cho", sách nhiễu, làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn với việc hỗ trợ xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, ngành và quốc gia, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm.

Theo Thủ tướng, với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và quốc tế.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ; trong đó việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.

Đánh giá Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, có uy tín, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng sự nỗ lực, cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024.

NHIỀU DOANH NGHIỆP HỘI VIÊN CỦA VACOD ĐƯỢC VINH DANH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA 2024

Tham dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cũng là thành viên trong Ban Chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong năm 2024.

Với kinh nghiệm nhiều năm liền tham gia trong đội ngũ chuyên gia đánh giá, chấm điểm các thương hiệu và sản phẩm, bà Thủy khẳng định, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là danh hiệu cao quý mà các doanh nhân, doanh nghiệp luôn mong muốn đạt được trong sự nghiệp kinh doanh.

dscf5223.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực VACOD (áo dài trắng) chụp ảnh lưu niệm của các doanh nhân tham dự sự kiện

Mỗi đợt xét duyệt sẽ có hàng nghìn hồ sơ doanh nghiệp trên toàn quốc đăng ký tham gia, tuy nhiên, để vượt qua các vòng loại đánh giá đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều tiêu chí khắt khe. Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã đạt được danh hiệu này nhiều lần liên tiếp chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khắt khe của thị trường.

Tại buổi Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024, có nhiều doanh nghiệp thuộc cộng đồng doanh nghiệp Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng – VACOD được vinh danh như: Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Tổng Công ty May 10, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi…

Trước giây phút lên nhận danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương chia sẻ: “Sao Thái Dương vinh dự khi lần thứ hai được vinh danh là Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này đã minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực với đường lối đúng đắn mà Sao Thái Dương gìn giữ và phát triển trong suốt 24 năm qua. Trong bối cảnh sống xanh đang là xu thế chung của toàn cầu, Sao Thái Dương luôn định hướng phát triển những dòng sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

dscf5240.jpg
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương nhận biểu trưng Thương hiệu quốc gia

Bà Hương Liên cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh hàng ngoại nhập đang tràn ngập trên thị trường, việc xây dựng một thương hiệu bảo vệ sức khỏe của người Việt là điều không dễ dàng. Để làm ra những sản phẩm thực sự có tác dụng với người tiêu dùng, Sao Thái Dương luôn đề cao hoạt động nghiên cứu sản phẩm để lựa chọn những sản phẩm từ nguồn dược liệu địa phương tạo nên giá trị cao cho sức khỏe.

Cùng với đó, từ nhiều năm nay, Sao Thái Dương cũng từng bước thực hiện chuyển đổi số, tự tin áp dụng những công nghệ tiên tiến vào quá trình nghiên cứu, sản xuất và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cũng là một doanh nghiệp nằm trong cộng đồng doanh nghiệp VACOD, Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang vinh dự khi nhiều năm liền được vinh danh là Thương hiệu quốc gia.

dien-quan.jpg
Bà Nguyễn Thái Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang nhận biểu trưng Thương hiệu quốc gia

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thái Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang cho biết, để làm nên thành công trong hoạt động và vị thế trong lòng người tiêu dùng, nhiều năm qua Điện Quang đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng sản phẩm. Về giá thành, Điện Quang cũng tự tin khi luôn chủ động trong tất cả các khâu sản xuất, phân phối nên sẽ mang đến giá thành hợp lý nhất cho người sử dụng.

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, Điện Quang cũng đang dần thích nghi phát triển song song các mặt hàng truyền thống kết hợp với dòng sản phẩm công nghệ thông minh nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

10 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng VACOD được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024:

1. Tập đoàn BRG – Công ty Cổ phần

2. Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang

3. Công ty Cổ phần Eurowindow

4. Tổng công ty May 10

5. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)

6. Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi

7. Công ty Cổ phần Sao Thái Dương

8. Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel)

9. Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp

10. Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…