Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ...

Các Phó Thủ tướng nhận phân công nhiệm vụ
Các Phó Thủ tướng nhận phân công nhiệm vụ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 28/8/2024 phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phân công làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng thường trực.

Ông Nguyễn Hòa Bình sẽ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Kế hoạch đầu tư; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; Phát triển các loại hình doanh nghiệp. Kinh tế tập thể, hợp tác xã; Phòng chống tội phạm; Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Phòng chống tham nhũng; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Dân tộc, tôn giáo; những vấn đề thường xuyên về thi đua - khen thưởng, cải cách hành chính, chuyển đổi số; Đặc xá; Cải cách tư pháp. Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình sẽ theo dõi, chỉ đạo công tác của: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời sẽ làm nhiệm vụ: Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm; Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các công việc của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt và được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được Thủ tướng phân công theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Giao thông vận tải; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Xây dựng; Tài nguyên và môi trường; biến đổi khí hậu; Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công; Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; Cơ chế, chính sách chung về đấu thầu (việc giải quyết công việc liên quan đến đấu thầu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành do các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chỉ đạo); Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

Ông Trần Hồng Hà sẽ theo dõi, chỉ đạo công tác của: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra sẽ đảm nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia; Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long được phân công theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Xây dựng thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xử lý tranh chấp, khiếu kiện quốc tế; Giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; xóa đói giảm nghèo; Văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao; Y tế, dân số, gia đình và trẻ em; Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

Ông Lê Thành Long sẽ theo dõi, chỉ đạo hoạt động của: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đồng thời sẽ đảm nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực; Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc được phân công theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, thị trường chứng khoán; các nguồn đầu tư tài chính; dự trữ Nhà nước; Chi ngân sách nhà nước, sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối và các Quỹ khác của Nhà nước; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ; Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; Cơ chế, chính sách chung về quản lý tài sản công (việc giải quyết công việc liên quan đến quản lý tài sản công thuộc các lĩnh vực chuyên ngành do các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chỉ đạo); Thông tin và truyền thông.

Ông Hồ Đức Phớc sẽ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định.

Ông sẽ theo dõi, chỉ đạo hoạt động tại: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi.

Đồng thời đảm nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn được phân công theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Ngoại giao và quan hệ đối ngoại; Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vận động vốn vay ưu đãi; Viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; Hội nhập quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương; Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; Quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực; Công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo; Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam; Các vấn đề về nhân quyền; Công nghiệp; thương mại - xuất nhập khẩu; dự trữ và cung ứng xăng dầu, dịch vụ logistics; Bảo đảm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Khoa học và công nghệ; Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

Ông Bùi Thanh Sơn sẽ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Theo dõi, chỉ đạo hoạt động tại: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra ông Sơn cũng đảm nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; Phụ trách Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền; Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

Quyết định 919/QĐ-TTg cũng nêu rõ: Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trên, các Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 919/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày ký (28/8/2024). Quyết định này thay thế Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 814/QĐ-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Phó Thủ tướng Chính phủ xử lý một số công việc và các quy định trước đây khác với Quyết định này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…