Thúc doanh nghiệp nhỏ "mau lớn"

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc có đủ sức mạnh để "vươn mình" luôn là điều khó khăn với các DN nhất là lượng lớn DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế hiện nay. Do đó, câu chuyện hỗ trợ và hỗ t
Thúc doanh nghiệp nhỏ "mau lớn"

Sàng lọc DN đến hồi gay gắt

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2018, số DN giải thể lên tới gần 4.700 DN, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số DN này, có tới hơn 4.200 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 91,4% DN giải thể. Các DN có số vốn này là những DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ nên chưa đủ sức để tạo chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, các DN này còn chịu nhiều nguyên nhân khách quan do kinh tế thế giới có nhiều biến động; môi trường kinh doanh trong nước dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản, nhiều điều kiện kinh doanh, chi phí gây khó khăn cho DN… Điều này cho thấy các DN vẫn đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh và “cuộc chiến” sàng lọc DN đang đến hồi gay cấn.

Tuy nhiên, do nhiều quan ngại về thị trường cũng như cách đối xử với DN, mà nhiều DN ngại lớn, khiến một chuyên gia đã cho rằng, Việt Nam chưa có DN lớn đúng nghĩa. Đặc biệt, mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ có thể gặp trở ngại khi nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi lên thành DN.

Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, hộ kinh doanh không muốn lên DN có nhiều lý do, nhất là e ngại về việc mất thêm chi phí cho kế toán, thuế, thanh kiểm tra…

Mặt khác, các DN cho rằng, nếu không lên thành DN, không đầu tư tăng quy mô thì DN khó có thương hiệu cũng như uy tín để tìm kiếm đối tác, hợp tác. Thực tế là trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để tăng khả năng hỗ trợ DN, nhất là khi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời và các nghị định thi hành kèm theo. Qua đó, các DN sẽ được hỗ trợ không chỉ về việc rút ngắn thủ tục mà còn về chi phí, ưu đãi về thuế, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tư vấn pháp lý… Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa vẫn đang cần nhiều hỗ trợ để có thể lớn lên.

Giúp DN đứng vững

Bày tỏ trăn trở về hoạt động của DN, giám đốc một DN chuyên sản xuất hàng tiêu dùng cho hay, vấn đề hậu thành lập DN vẫn còn khoảng trống. Bởi khi Sở Kế hoạch và Đầu tư của địa phương có bản đăng ký thành lập DN, gửi về các quận, huyện hay gửi về phòng kinh tế, phòng thống kê, phòng thuế, các đơn vị này sẽ không làm gì nếu DN không thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, nhiều địa phương nói là có chính sách hỗ trợ DN nhưng lại không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả.

Nói thêm về câu chuyện này, bà Đào Thị Lan Hương, Chủ tịch Chi hội DN quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, cách đây không lâu, Chi hội được Tổ chức Bếp ăn Thụy Sỹ đề nghị hỗ trợ trên 2 tỷ đồng cho phát triển DN tại quận Long Biên. Nhưng khi Chi hội làm việc với lãnh đạo quận Long Biên thì nhận lại là thái độ thờ ơ, khiến tổ chức Bếp ăn Thụy Sỹ rút lại đề nghị trên, gây thiệt thòi lớn cho DN trên địa bàn. Vì thế, bà Lan Hương đề nghị, cơ quan chức năng nên giao cho tổ chức hội nghề nghiệp hỗ trợ DN trong giai đoạn hậu thành lập, kinh phí trích từ quỹ hỗ trợ DN để việc thực hiện được thiết thực hơn, sát với nhu cầu thực tế của DN.

Ngoài ra, các DN còn phản ánh về tình trạng các chính sách hỗ trợ khi đi vào thực tế còn nhiều vướng mắc như vấn đề thanh kiểm tra; nhiều DN cho biết vẫn còn quá nhiều cuộc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhiều khi chồng chéo, lãng phí thời gian của DN. Mặt khác, vấn đề kê khai hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại nhiều địa phương còn chưa đồng nhất, dẫn đến việc thông quan hàng hóa của DN chậm. Dù vậy, điểm đáng mừng là các kiến nghị về chính sách thuế, điều kiện kinh doanh đã được các bộ, ngành tiếp thu và sửa đổi, nhất là lĩnh vực an toàn thực phẩm và xăng dầu.

Hiểu được mong muốn của các DN nêu trên, ông Lê Văn Quân cho hay TP.Hà Nội đang xây đựng đề án hỗ trợ DN, giúp cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi lên DN. Hiện tại trên địa bàn Thủ đô có 270.000 hộ kinh doanh, nếu được triển khai đề án sẽ có số lượng lớn DN ra đời. Ngoài ra, Thành phố cùng các tổ chức, hiệp hội cũng xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ để các DN tăng cường đầu tư phát triển. Nhờ đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã có gần 8.000 DN mới thành lập.

Bên cạnh đó, để tăng cường hỗ trợ DN, giảm phiền toái cho DN giúp DN mau lớn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng, các cán bộ làm việc cũng phải nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức để có trách nhiệm với DN. Mặt khác, chính các DN cũng phải tự nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh; tiêu biểu như vấn đề thanh kiểm tra, cơ quan chức năng nhiều khi muốn thanh kiểm tra một lần nhưng vì hoạt động của DN chưa minh bạch nên có thể để lọt những vụ việc vi phạm chất lượng, không ít ví dụ thực tế đã minh chứng cho tình trạng này; nên DN “kêu ca” thì cũng phải nhìn lại hoạt động của DN đã “tròn vai” hay chưa.

Theo Chi Mai/Báo Hải quan

baohaiquan.vn/pages/thuc-doanh-nghiep-nho-mau-lon.http://www.baohaiquan.vn/pages/thuc-doanh-nghiep-nho-mau-lon.aspx

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...