Thuế thu từ thương mại điện tử tiếp tục tăng mạnh

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng, đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia. Do đó, số thuế thu được từ hoạt động này là không hề nhỏ...

Thuế thu từ thương mại điện tử tiếp tục tăng mạnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp là 83.000 tỷ đồng

Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 năm gần đây nhất, ngành thuế đã thu 180.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử.

Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Kết quả lũy kế trong 3 năm 2021 - 2023 có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát.

Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng. Trong đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành này đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng là nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử; website/ứng dụng thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; nền tảng đại lý; nền tảng thuê bao; nền tảng quảng cáo; nền tảng kho ứng dụng.

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo hai nhóm chính.

Thứ nhất là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước bao gồm chủ sở hữu nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng khác.

Thứ hai là cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới bao gồm nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và các nền tảng khác.

Trong hoạt động phối hợp với các bộ, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, bao gồm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ ban hành thư ngỏ gửi tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Xem thêm

Sản phẩm cho nữ giới đang “phất” trên thương mại điện tử, doanh nghiệp làm gì để tận dụng xu hướng?

Sản phẩm cho nữ giới đang “phất” trên thương mại điện tử, doanh nghiệp làm gì để tận dụng xu hướng?

Thị trường thương mại toàn cầu đang chứng kiến sự gia tăng các sản phẩm dành cho nữ giới. Bằng cách thấu hiểu và đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, doanh nghiệp Việt có thể bước chân vào phân khúc đang tăng này và thúc đẩy thành công bền vững trên thị trường toàn cầu...

Có thể bạn quan tâm