Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử của Kirin Capital, những năm vừa qua, thị trường thương mại điện tử trong nước liên tục phát triển không ngừng với tốc độ tăng trưởng cao.
Sau 10 năm phát triển, doanh thu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép lên đến hơn 20% và chiếm 8% trên tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với tốc độ tăng trưởng đó, Việt Nam được eMarketer đánh giá cao và xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới.
Theo sách trắng thương mại điện tử năm 2023, số lượng người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến nay đã tăng lên đến 61 triệu người, chiếm tỷ lệ 77,61% so với tổng số người dân sử dụng Internet ở nước ta. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD.
Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã vươn lên thành thị trường lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ xếp sau duy nhất Indonesia.
Đồng thời, theo nghiên cứu của Statista xét trên quy mô toàn thế giới, tốc độ tăng trưởng tại nước ta cũng đạt con số khá vượt trội. Dự báo tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam năm 2025 có thể lên đến 29% và tổng quy mô thị trường có thể đạt mức 39 tỷ USD.
Hiện nay, cuộc chơi trên thị trường trong nước rơi vào tay 5 sàn thương mại lớn nhất là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop.
Trong đó, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại bán lẻ trực tuyến lớn nhất năm 2023 đạt mức 232.134 tỷ đồng, tăng trưởng 53.4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số sản phẩm giao dịch thành công lên tới 2,2 tỷ đơn vị.
Về thị phần, tính trong tháng 11/2023, sàn Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7% (tương đương 22.674 nghìn tỷ đồng). Dù sinh sau đẻ muộn, TikTok Shop có mức tăng trưởng bứt phá lên vị trí thứ 2 với 17,2% thị trường, vượt Lazada với 9% thị trường.
Sức hút của nền tảng Tiktok Shop dường như càng được khẳng định rõ ràng hơn trong báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 2023 của Metric. Tính riêng trong năm 2023, đã có thêm hơn 95.000 nhà bán hàng mới gia nhập nền tảng này.
Trong khi đó, tại 4 sàn thương mại điện tử còn lại là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo có đến hơn 105.000 nhà bán hàng rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu cụ thể nào cho thấy người bán hàng rời 4 sàn là để di chuyển sang Tiktok Shop.
Bên cạnh đó, theo thống kê mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, số lượng người ưa thích lựa chọn mua sắm qua mạng chiếm tỷ trọng tới 50%, chỉ có 30% số người mua hàng vẫn ưa thích kênh mua sắm truyền thống.
Đặc biệt, có đến 91% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng điện thoại di động đặt hàng, số lượng người sử dụng máy tính để bàn hay laptop làm công cụ chỉ còn 18% trong năm 2023. Những số liệu này cho thấy xu hướng sử dụng các app mua hàng trực tuyến trên điện thoại di động đang trở nên vô cùng phổ biến.
Về ngành hàng, các mặt hàng hiện được lựa chọn mua sắm online nhiều nhất chủ yếu vẫn là quần áo, giày dép và mỹ phẩm với 63% tỷ lệ người dùng trực tuyến tham gia mua sắm. Đứng ở các vị trí tiếp theo là thiết bị đồ dùng gia đình chiếm 53%, đồ công nghệ và điện tử là 39%...