Chứng khoán ngày 25/2, mở đầu phiên với trạng thái tích cực, giúp các chỉ số chính giữ sắc xanh. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian biến động hẹp trên mốc tham chiếu, sắc đỏ dần chiếm ưu thế, kéo VN-Index có thời điểm về sắc đỏ.
Điểm tích cực là dòng tiền duy trì sức mạnh đáng kể, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Hỗ trợ chỉ số của sàn HOSE trụ vững vùng 1.300 điểm. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn cho thấy sự phân hóa rõ rệt, với một vài cổ phiếu trụ chịu áp lực bán mạnh.
Sang đến phiên chiều, giao dịch vẫn diễn ra sôi động, với sự phân hóa tiếp tục diễn ra rõ nét. Dù vậy, với sắc đỏ chiếm ưu thế hơn ở nhóm vốn hóa lớn, toàn bộ thời gian của phiên chiều biến động trong sắc đỏ. Mức giảm của VN-Index cũng không quá mạnh khi lực đỡ duy trì ổn định. Chỉ số có thời điểm để "thủng" mốc 1.300 điểm nhưng nhanh chóng hồi phục và đóng cửa trên vùng này.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.303,16 điểm, tương ứng giảm 1,4 điểm (-0,11%) so với phiên trước. Toàn sàn HOSE có 214 mã tăng nhưng cũng có 242 mã giảm và 90 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,08%) xuống 238,31 điểm, với 81 mã tăng, 92 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%) xuống 99,97 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE ở mức tương đương phiên trước và đạt gần 886 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch đạt 19.568 tỷ đồng (giảm 7,3%), trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm 18.130 tỷ đồng (giảm 2,3%). Giá trị giao dịch trên HNX tăng 18,4% lên 1.329 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên UPCoM cũng tăng 20,4% lên 1.002 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường chung biến động rung lắc trước áp lực từ nhiều cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại đóng vai trò giữ nhịp thị trường.
Trong đó, các mã như BSI, HCM, MBS, VND… tiếp tục tăng giá tốt. Chốt phiên, BSI tăng 2,3%, HCM tăng 1,5%, MBS tăng 1,4%... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch khởi sắc, và đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường. NTL phiên hôm nay tăng 2,8%, DPG tăng gần 2%, DXS tăng 1,8%, DIG tăng 1%.
Ở hướng ngược lại, nhóm cổ phiếu thép sau phiên giao dịch tích cực hôm qua thì đã có sự điều chỉnh trở lại. NKG giảm 1,4%, HSG giảm 0,8%, HPG giảm 0,72%...
Trong nhóm vốn hóa lớn, áp lực đối với VN-Index đến từ các cổ phiếu như BVH, VNM, GVR, FPT, VPB, VCB… Trong đó, VNM sau phiên bứt phá hôm qua đã giảm trở lại 1,4%. BVH giảm 2,6%, GVR giảm 1,1%, FPT tiếp tục giảm 1,07% và vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh.
Trong khi đó, BCM, MBB, VHM hay MSN đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường chung và giúp VN-Index biến động cân bằng hơn. BCM tăng hơn 2,8%, MBB tăng 1,7%, VHM tăng 1,24%, MSN cũng tăng gần 1,2%.

Ưu tiên nắm giữ cổ phiếu
Chứng khoán UP
Dù có thể sẽ còn có những vận động giằng co, rung lắc quanh ngưỡng 1.300 điểm, nhưng theo chúng tôi, sớm muộn thì mốc điểm này cũng sẽ sớm bị bỏ lại phía sau.
Thị trường tốt dựa trên các dòng cổ phiếu dẫn dắt có trạng thái tích cực, và khi các trạng thái đó được điều phối một cách hợp lý, luân phiên dẫn dắt, nhóm này kìm nén, nhóm khác lại bật lên được duy trì cũng là trạng thái giúp cho thị trường bền vững hơn trong một xu hướng đi lên.
Một đặc điểm nữa chúng tôi cũng muốn lưu ý, đó là ngoài các trụ cột có ảnh hưởng, chúng tôi còn ghi nhận những cổ phiếu đang có trạng thái rất tích cực trên bảng điện hầu hết là của những doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hay có hỗ trợ từ những ngoại lực.
Đây là đặc điểm mà theo thống kê của chúng tôi trước đây cho thấy mang theo tính bền vững cho một xu hướng đi lên của thị trường. Như vậy, xét trên quan điểm dài hạn, trung hạn đều cho thấy việc ưu tiên nắm giữ cổ phiếu.
Hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Thị trường ghi nhận phiên rung lắc kiểm tra động lực sau khi vượt mốc 1.300 điểm và nỗ lực của lực cầu chủ động và thanh khoản duy trì tốt giúp chỉ số VN-Index cân bằng.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng nhịp rung lắc điều chỉnh trong các phiên tiếp theo để gia tăng tỷ trọng đối với những mã cho tín hiệu kiểm tra thành công hỗ trợ gần nhất. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý hạn chế giải ngân mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao. Một số nhóm ngành đáng lưu ý bao gồm bất động sản, dầu khí
Tích lũy các mã có xu hướng tăng mạnh nếu đà tăng được duy trì
Chứng khoán UP
Nhà đầu tư cần theo dõi sát phản ứng giá tại các vùng hỗ trợ 1.290–1.295 điểm và kháng cự 1.300 điểm để đưa ra quyết định giao dịch phù hợp. Trong đó, cân nhắc tích lũy các mã có xu hướng tăng mạnh nếu đà tăng được duy trì, trong khi giảm thiểu rủi ro đối với những mã đang chịu áp lực bán.
Chờ nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.290 điểm để mua lại
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Phiên giảm hôm nay dù có thanh khoản gia tăng, nhưng chưa phải là tín hiệu xác nhận sự đảo chiều giảm điểm của thị trường, mà khả năng là nhịp chỉnh bình thường sau quá trình tăng điểm trước đó.
Nhịp chỉnh này có thể kéo VN-Index về vùng hỗ trợ 1.290 điểm rồi tiếp tục quay lại test ngưỡng kháng cự 1.307-1.325 điểm.
Trong phiên hôm nay, VN-Index đã chạm tới mốc kháng cự đầu tiên 1.307 điểm trong vùng kháng cự kỳ vọng của chúng tôi 1.307-1.327 điểm và đã xảy ra nhịp chỉnh.
Vì vậy, chúng tôi tiếp tục quan điểm căn bán, chốt lời danh mục khi VN-Index quay lại vùng kháng cự trên trong các phiên tới. Đối với những tài khoản đã căn chốt một phần hôm nay tại mốc 1.307 điểm thì có thể căn chờ nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.290 điểm để mua lại.
Rủi ro nhịp điều chỉnh có thể mở rộng vẫn cần được lưu ý
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến "Spinning" với biên độ rộng, đi kèm khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mặt bằng cao.
Áp lực chốt lời theo đó trở nên rõ nét hơn khi chỉ số vận động quanh vùng đỉnh mang tính chất trung hạn, tuy nhiên điểm số vẫn giữ được trên mốc 1.300 điểm cho thấy sức bật trở lại của thị trường có động lượng cao. Mặc dù xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế trong ngắn hạn, rủi ro nhịp điều chỉnh có thể mở rộng vẫn cần được lưu ý.
Nhiều khả năng sẽ tiếp tục rung lắc
Chứng khoán Asean
Chúng tôi nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục rung lắc trong thời gian tới cho tới khi các yếu tố vĩ mô dần ổn định hơn. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường trong nước có nhiều điều kiện hỗ trợ như triển vọng nâng hạng và tiềm năng tăng trưởng tốt của nội tại nền kinh tế.
Đồng thời việc DXY giảm vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng vốn vẫn sẽ dần quay trở lại thị trường đầu tư mới nổi và có tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.
Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi định giá rất hấp dẫn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.