Tiềm ẩn hậu quả khó lường khi bầu người không phải chủ sở hữu tham gia Ban quản trị chung cư

Trong quá trình bầu người vào ban quản trị tại các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nếu lựa chọn không đúng người theo quy định, không phải chủ sở hữu, thì chính quyền địa phương cần thu hồi quyết định và bầu lại ban quản trị mới.

Như thuongiaonline đã thông tin, tại dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, UBND phường Hoàng Liệt đã ký quyết định bổ sung ông Vũ Ngọc Nam, không phải chủ sở hữu ở dự án này vào ban quản trị (BQT). Điều này tiềm ẩn nhiều hậu quả khó lường.

Dễ trục lợi

Xét theo các tiêu chí của Luật Nhà ở năm 2014, thì việc bầu người vào BQT tòa nhà chung cư phải đảm bảo có đủ những kinh nghiệm, kiến thức trong việc xử lý và giải quyết những vấn đề phát sinh trong tòa nhà. Bên cạnh đó, phải có chuyên môn cao về các lĩnh vực an ninh, phòng chống cháy nổ, hỏa hoạn, trộm cướp, vệ sinh của tòa nhà.

Các thành viên trong BQT phải có trình độ học vấn cao, phù hợp với công việc quản trị tòa nhà chung cư. Ngoài ra, các thành viên phải đảm bảo có những giấy phép và chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy định của pháp luật… Tuy nhiên, trên thực tế thì rất ít dự án nhà ở chung cư BQT có đủ các tiêu chí trên. 

Việc bầu người vào BQT nếu không đúng quy định của pháp luật sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. (Ảnh: Int)
Việc bầu người vào BQT nếu không đúng quy định của pháp luật sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. (Ảnh: Int)

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Tuấn Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vietbuilding cho rằng, để bầu BQT, trước tiên phải lựa chọn các tiêu chuẩn như phải là người am hiểu về pháp luật, tài chính, xây dựng, kiến trúc… Nếu lựa chọn thành viên BQT không đáp ứng được theo pháp luật quy định đối tượng tham gia thì đương nhiên làm việc không hiệu quả.

Hơn nữa, để bầu vào BQT riêng dự án nhà ở thương mại, theo quy định phải là chủ sở hữu, nếu không phải chủ sở hữu thì phải có giấy uỷ quyền của chủ sở hữu ở đó được công chứng pháp luật.

Còn trường hợp, nếu một người không phải chủ sở hữu tại dự án nhà ở thương mại mà làm trong BQT họ sẽ thiếu sự nhiệt tình, trách nhiệm. Bên cạnh đó, không phải tài sản của họ thì họ không có trách nhiệm giữ gìn. Đặc biệt, ở những dự án lớn quỹ bảo trì có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền thì BQT có thể trục lợi, chi tiêu vô tội vạ. Thậm chí họ còn có thể câu kết với đơn vị quản lý vận hành để trục lợi kinh phí bảo trì.

“Ông A không phải chủ sở hữu, có công việc rất bận rộn nhưng vẫn tham gia vào BQT, mục đích của ông khả năng là trục lợi là lớn”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Hoặc khi toà nhà có phát sinh tranh chấp pháp lý, kiện cáo từ cư dân, lúc này thành viên BQT không là chủ sở hữu, họ có thể “bỏ của chạy lấy người”. Đương nhiên, hậu quả sẽ do người dân ghánh chịu.

“Là đơn vị quản lý vận hành nhiều dự án chung cư trên địa bàn Hà Nội, tôi chỉ gặp các trường hợp chủ sở hữu là con - bố mẹ đến ở, bố mẹ vào BQT, hoặc ngược lại, chứ còn trường hợp người đi thuê nhà, mượn nhà vào BQT là tôi chưa hề gặp”, ông Tuấn nói.

Còn trong trường hợp nhà ở xã hội, trong vòng 5 năm chủ sở hữu không được cho thuê, mượn, chuyển nhượng lại cho bất kỳ bên nào. Như vậy, nếu không phải chủ sở hữu thì không thể bầu vào BQT được. Bởi yếu tố đầu tiên, điều kiện cần và đủ đều không có. “Điều này là vi phạm quy định Luật Nhà ở và việc bầu vào BQT đã sai ngay từ ban đầu”, ông Tuấn chia sẻ.

Sai khi bầu BQT không phải chủ sở hữu

Một cán bộ của Bộ Xây dựng chia sẻ, tại một dư án nhà ở xã hội, đưa người không phải chủ sở hữu vào BQT, chưa bàn đến việc rủi ro như thế nào, nhưng đây rõ ràng là việc làm sai quy định và làm sai thế thì đương nhiên không được chấp nhận.

Theo vị cán bộ này, BQT là người có thẩm quyền chi tiêu kinh phí bảo trì, có thể trong thực tế đối với dự án nhà ở thương mại có nhiều trường hợp người trục lợi vào BQT, được chi tiêu phí bảo trì dễ dẫn đến thất thoát kinh phí bảo trì.

"Tại dự án nhà ở xã hội, phường ra quyết định thay thế người không phải chủ sở hữu vào BQT, về mặt nguyên tắc là sai, nếu sai thì thu hồi, giải tán bầu lại BQT. BQT và người dân đã bầu phải thi hành theo quyết định này của phường", vị cán bộ này nói.

Trường hợp nếu phát hiện căn hộ mà người vào BQT không phải chủ sở hữu có dấu hiệu mua bán, chuyển nhượng thì hoàn toàn có thể thu hồi lại.

Câu chuyện về việc trục lợi, lạm quyền của BQT ở một số dự án chung cư đã từng xảy ra trước đó, do việc bầu sai người, nhầm người, đưa người thiếu kinh nghiệm, không có trình độ, kỹ năng công tác quản lý nhà đã dẫn đến tình trạng này ở chung cư tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) và quận Hà Đông (Hà Nội)…

Cụ thể, hồi năm 2018, tại dự án chung cư Văn Phú Victoria (phường Phú La, quận Hà Đông) đã xảy ra tình trạng hơn 700 người dân ở đây nhiều lần yêu cầu tổ chức hội nghị chung cư bất thường để bầu thay thế BQT. Theo cư dân, BQT được người dân bầu, nhưng qua hơn 1 năm hoạt động, BQT có nhiều sai phạm, đi ngược lại với quyền lợi của dân.

Trước sự việc này của Văn Phú Victoria, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng, hiện nay có một thực trạng là hầu hết BQT đều không phải đơn vị chuyên nghiệp hoặc am hiểu về lĩnh vực quản lý, xây dựng, điều hành nhà chung cư. Vì thế, hoạt động của BQT tại một số chung cư không thực sự hiệu quả.

Trở lại sự việc bầu người vào BQT không phảỉ chủ sở hữu, đúng như ông Nguyễn Minh Tuấn nói, việc cử, bầu người vào BQT nếu không rõ ràng, không đúng người, không gắn trách nhiệm của họ vào BQT, không có sự giám sát từ người dân, từ chính quyền địa phương thì dễ xảy ra tình trạng trục lợi quỹ bảo trì, trục lợi các dịch vụ mà họ được thu.

Trường hợp, khi bầu người vào BQT, nếu không kiểm soát chặt thì có thể họ câu kết với đơn vị thuê làm dịch vụ để trục lợi quỹ bảo trì, sau đó 2 năm hết nhiệm kỳ họ sẽ rời đi nơi khác thì người gánh chịu hậu quả hơn ai hết chính là những chủ sở hữu thực sự trong dự án.

Như vậy, ở toà Trung, dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, UBND phường Hoàng Liệt đã ký quyết định đưa ông Vũ Ngọc Nam, không phải chủ sở hữu, vào BQT cho thấy chính quyền địa phương không sát sao việc thành lập BQT, không hiểu các quy định bầu BQT ở một dự án nhà ở xã hội. Đến khi sự việc được dư luận phản ánh, địa phương vẫn chần chừ không xử lý. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên xử lý dứt điểm vụ việc này để tránh xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...