Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu bất động sản

Chiều nay (23/11), tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Tạp chí Thương Gia phối hợp với Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu bất động
Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu bất động sản

 Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn các chuyên gia và nhà tài trợ

Tham dự chương trình, về phía Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM có ông Trầm Tuấn Vũ - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Về phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu có Tiến sĩ Bùi Quang Tín - chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Ngân hàng TP HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc CN TP.HCM của KIS Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Về phía lãnh đạo các doanh nghiệp, các đơn vị tài trợ, đối tác có ông Mai Thanh Trúc - Phó Tổng giám đốc tài chính công ty cổ phần đầu tư 577, ông Trần Hoàng Anh - Giám đốc tài chính công ty cổ phần đầu tư Căn nhà mơ ước, ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc công ty cổ phần LDG, bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc công ty dịch vụ bất động sản EximRS.

Về phía đơn vị tổ chức có ông Park Won Sang - TGĐ Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Dương - Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia.

 Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một sự hứng khởi đột biến. Theo đó, chỉ số VN-Index sau 1 thập niên đã vượt mốc 900 điểm, ghi nhận tại thời điểm ngày 21 tháng 11, chỉ số VN-Index đạt 925 điểm. Góp phần không nhỏ vào sự đột biến của thị trường chính là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu bất động sản.

Nhằm tìm hiểu nguyên nhân của bước tăng trưởng đột biến ấy, tìm ra xu hướng và cơ hội thị trường để đầu tư, hội thảo diễn ra nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp... cùng thảo luận nhằm cung cấp các thông tin giúp thị trường trở nên minh bạch và hoạt động sôi nổi, lành mạnh hơn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thuỳ Dương - Tổng biên tập Thương Gia cho biết, là tờ báo của Doanh nghiệp, doanh nhân, luôn đồng hành và bắt nhịp với đời sống kinh tế, Thương Gia vui mừng vì đã đặt dấu ấn của mình tại TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước. Cuộc hội thảo này cũng là một trong những cố gắng đó của chúng tôi và các đối tác của mình.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương - Tổng biên tập Thương Gia

Bà Dương cho biết thêm, môi trường kinh doanh mà Chính phủ quyết tâm kiến tạo trong suốt thời gian qua đã đem đến những kết quả mà sự tăng trưởng của nền kinh tế là một bằng chứng. Chưa có năm nào sự cải thiện tăng trưởng từ quý 1 đến quý 3 mạnh như năm 2017. Cụ thể, quý 1 tăng 5,15%, quý 2 tăng 6,28% và ước tính quý 3 tăng 7,46%. Dự kiến cả năm chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7%, một mức tăng rất ấn tượng.

Và năm 2017 cũng là một năm đầy ấn tượng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Những báo cáo của Quý III năm 2017 của các doanh nghiệp bất động sản đã thể hiện rất rõ điều này. Tới thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đều đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch kinh doanh đề ra của năm.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có được những mức lợi nhuận gấp nhiều lần so với năm 2016. Đặc biệt, tôi biết có những doanh nghiệp đạt mức doanh thu cũng như lợi nhuận gấp hàng trăm lần so với năm 2016.

Ngoài ra, những yếu tố như tăng trưởng tín dụng, mức lãi suất được kiểm soát và duy trì hợp lý… cũng tạo môi trường cực kỳ thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nói riêng có cơ hội phát triển.

“Có thể khẳng định thị trường chứng khoán là nơi phản ánh rõ nhất sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản” - Bà Dương nói.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã chứng kiến mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, lên tới hơn 30%. Chỉ số Vn-Index đã vượt qua 900 điểm, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Đóng góp vào tăng trưởng chung của thị trường tất nhiên có nhóm cổ phiếu bất động sản. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay có đến trên 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá. Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/01/2017) đến ngày 15/11/2017, một số mã cổ phiếu bất động sản đã tăng giá trên 300%, Rất nhiều mã tăng trên 200%. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.

Những diễn biến bất ngờ của nhóm cổ phiếu bất động sản tạo nên một cuộc chơi thú vị đối với các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu ngành này.

Những tiềm năng và cơ hội ấy sẽ được các chuyên gia, nhà phân tích chia sẻ tại hội thảo này và chúng tôi hi vọng giúp quý vị phần nào có được những nhìn nhận, đánh giá chính xác để đầu tư hợp lý.

Tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Những điểm sáng kinh tế tạo đà phát triển thị trường bất động sản”, TS.LS.Bùi Quang Tín - Chuyên gia kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản đang có một gam màu tương đối sáng. Bên cạnh những yếu tố như giao dịch ổn định, giá không biến động lớn, dòng vốn FDI vào bất động sản cũng như số lượng doanh nghiệp bất động sản đều tăng. Bức tranh thị trường hiện rõ sự lạc quan ở nhiều yếu tố xuất phát từ các điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay như: tăng trưởng kinh tế hàng năm tốt (GDP), mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất ổn định theo xu hướng giảm và sự thay đổi tích cực từ chính thị trường bất động sản để phù hợp hơn với khẩu vị của người mua.

Theo TS.LS.Bùi Quang Tín, nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định, tiết kiệm của người dân đang ở mức cao. Đây là cơ hội cho thị trường bất động sản đón một lượng lớn tiền đổ vào từ người mua nhà và người đầu tư. Nhìn về triển vọng thị trường, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và các yếu tố kinh tế vĩ mô tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong hơn 1 tháng còn lại của năm 2017 và năm 2018, các phân khúc thị trường bất động sản cũng sẽ tiếp tục sôi động hơn. 

Cũng theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế những tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018 đó chính là câu chuyện lãi suất. Lãi suất năm 2017 đã được kiểm soát và duy trì ở mức hợp lý.

TS.LS.Bùi Quang Tín khẳng định: Chính các yếu tố về lãi suất, thị trường bất động sản có nhiều sự hưởng lợi. Người mua nhà, chủ đầu tư dự án cũng sẽ ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ phía ngân hàng. Từ đó, thị trường bất động sản trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn Tín cũng nhân định, sự phát triển thị trường bất động sản trong những năm tới còn là do sự thay đổi từ chính thị trường bất động sản để phù hợp hơn với khẩu vị của người mua.Nổi bật nhất là sự thay đổi của các chủ đầu tư bất động sản. Thay vì đầu tư đại trà như trước đây, hiện nay họ tập trung đến nhu cầu thực tế, quan tâm nhiều hơn đến thiết kế, công năng sử dụng và các dịch vụ, tiện ích bao quanh dự án.

Thứ hai là phân khúc bất động sản hướng đến đối tượng khách hàng là những người có thu nhập trung bình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia và nguồn cung luôn chiếm tỷ trọng tương đối cao. Đây là xu hướng hợp với thị trường và hợp với thị hiếu của người mua, khi đó phân khúc nhà giá rẻ và trung cấp chiếm trên 50% tổng giao dịch trên thị trường.

Thứ ba, từ năm 2016 bắt đầu nở rộ phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng biển condotel ở các thành phố biển, ở những nơi có bãi biển đẹp và hạ tầng phát triển. Nguồn cung phân khúc này sẽ tăng trong thời gian tới, đem đến nhiều lựa chọn hơn cho người mua.

Thứ tư, đã có xu hướng hình thành những khu đô thị vệ tinh lớn ở Hà Nội và TP.HCM, đã hình thành những khu đô thị lớn có giá trung bình và trung bình thấp với quy mô lớn. Đây là xu hướng tốt vì ngoài việc giảm tải về hạ tầng cho 2 thành phố lớn thì việc hình thành các khu đô thị vệ tinh còn giúp kết nối hệ thống giao thông vành đai cũng như hệ thống tàu điện ngầm mà chúng ta đang xây dựng. Từ đó, mang lại không gian sống chất lượng hơn cho người dân.

Thứ năm, các nhà đầu tư và các nhà thiết kế hiện nay đang cạnh tranh nhau về công năng và thiết kế nhà ở, sự cạnh tranh này đem đến sản phẩm tốt hơn cho người mua nhà.

“Tóm lại, cả 4 yếu tố trên đang không chỉ là những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế mà còn là sự thay đổi trong nội tại của thị trường bất động sản Việt Nam và đang ngày càng giúp cho thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững. Từ đó, việc tăng trưởng tích cực này cũng sẽ giúp cho người mua nhà có nhu cầu thực về nhà ở tiếp cận được với “ngôi nhà mơ ước” của mình ngày càng thực tế hơn, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tạo ra nguồn cung phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và cuối cùng ngân sách của nhà nước sẽ tăng được nguồn thu ổn định từ thị trường này trong thời gian tới” – Chuyên gia kinh tế nói.

Năm 2018, khó xảy ra "bong bóng" bất động sản

Nhận định về tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2017, dự báo năm 2018, và các giải pháp phát triển thị trường, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản, sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng, đã phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay. Năm 2015, thị trường đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nhưng từ năm 2016 đã bắt đầu có dấu hiệu "chững lại", và xu thế "chững lại" này vẫn tiếp tục diễn ra trong 10 tháng đầu năm 2017.

Ông Châu đánh giá, nhìn toàn cục, thị trường bất động sản 09 tháng đầu năm 2017 vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định, nhưng trong trạng thái chững lại; và vẫn còn dấu hiệu tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung - cầu, nguồn cung nhà ở xã hội,  căn hộ nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền rất thiếu; trong lúc phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có dấu hiệu cung vượt cầu; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời với việc gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp. Thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững do đang còn vướng 05 "điểm nghẽn" sau đây:

"Điểm nghẽn" tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho", mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu;

"Điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có giải pháp xử lý phù hợp;  

"Điểm nghẽn" chuyển nhượng dự án bất động sản do Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi có những dự án thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu ngân hàng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, chưa tạo điều kiện để chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới thay thế, khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, trong lúc, đây là một hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp;

"Điểm nghẽn" chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn (đến nay mới chỉ có 01 quỹ đầu tư bất động sản trong nước là Quỹ đầu tư TCREIT thuộc Techcombank thành lập tháng 07/2016); Lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao (trên dưới 10%/năm); chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua căn nhà đầu tiên (loại nhà vừa túi tiền); Ngân hàng Nhà nước chưa đề xuất gói tín dụng nhà ở theo Nghị quyết 46/2017/NQ-CP của Chính phủ; và đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 04 ngân hàng lớn (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; Người mua nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm;

"Điểm nghẽn" thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, ví dụ: Khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1(từ trên 20 tầng) trước đây đều phải thông qua Cục Quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), sau đó nộp hồ sơ này về Sở Xây dựng để xin cấp giấy phép xây dựng...

Ông Châu cũng đưa ra dự báo thị trường bất động sản 2 tháng cuối năm 2017 đến Tết Mâu Tuất và năm 2018. Cụ thể, thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016, dự báo trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn; và sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị...

“Về dự báo có, hay không có "bong bóng" bất động sản trong 02 tháng cuối năm 2017 đến Tết Mậu Tuất và năm 2018, thì Hiệp hội nhận thấy khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; do các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn. Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường bất động sản thì các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn” – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.

Ông Châu cũng đưa ra đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững: Kiến nghị bổ sung chế định "Đất sử dụng cho du lịch" là một loại hình đất phi nông nghiệp được sử dụng ổn định, lâu dài tại Chương X Luật Đất đai 2013 để quản lý thống nhất theo định hướng của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kiến nghị quy định chặt chẽ "Đất sử dụng cho du lịch" chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng mà thôi, không được biến tướng thành khu nhà ở của các hộ gia đình, để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực;

Kiến nghị cho phép người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tương tự như quy định tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai 2013 đã cho phép người mua nhà ở trong các dự án nhà ở thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài;

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Đất đai 2013 theo hướng quy định giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, tương tự như đất ở, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện chính sách tam nông của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Về tài chính đất đai, Hiệp hội nhận thấy đây là vấn đề rất lớn trong pháp luật đất đai cần phải được xem xét giải quyết tổng thể, trước hết là tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở; tiền thuê đất đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ, các khu du lịch, nghỉ dưỡng (các dự án condotel), để đảm bảo mức thu hợp lý và không bị thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Kiến nghị giao thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất các dự án được bổ sung giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân... 

Thị trường chứng khoán Việt: Thăng trầm 1 thập niên

TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho biết, kể từ năm 2007, đây là thời điểm mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở đỉnh cao của mình với tăng trưởng nóng từ vài chục đến cả trăm điểm phần trăm. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 năm, tình thế đã hoàn toàn xoay chuyển khi năm 2008 đánh dấu sự lao dốc của thị trường, khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến đà phát triển toàn cầu. Từ đây, nền kinh tế bắt đầu tìm kiếm sự phục hồi khi tăng trưởng GDP giảm từ mức 8,46% xuống còn khoảng dưới 6%, CPI tăng trưởng khó kiểm soát ở mức hai con số, chỉ số VN-INDEX lúc này lao dốc từ khoảng 900 điểm tới vùng 300 điểm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm lớn về lượng.

Trong một thập niên này, nền kinh tế đã đứng trước nhiều thử thách lớn khi lòng tin với sự phát triển của thị trường bị tổn thương. Thị trường nhà đất trong giai đoạn này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá nhà đất sụt giá, chỉ trong thời gian ngắn đã giảm khoảng 30%-40%. Tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100 nghìn tỷ. Nợ xấu của nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ tăng vọt. Lạm phát thực sự bùng nổ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt các chính sách tiền tệ...

Kể từ năm 2012, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực ban hành các chính sách và gói kích thích kinh tế nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cả nội địa và ngoại nhập, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường...Cụ thể, tỷ giá mặc dù đã tăng từ nhiều từ mức khoảng 16.000 VND/USD vào năm 2008 nhưng tỷ giá đã trở nên ổn định hơn rất nhiều kể từ năm 2012 vào lúc nền kinh tế ổn định và đi lên trở lại. Thị trường chứng khoán chứng kiến đà tăng trưởng tốt, trong 5 năm từ 2012 đến nay đã tăng từ khoảng 400 điểm lên hơn 800 điểm, số lượng doanh nghiệp niêm yết cùng khối lượng giao dịch trên sàn tăng vọt, hiện số doanh nghiệp bất động sản trên sàn niêm yết đã tăng từ 11 công ty lên tổng số 57, thanh khoản thị trường hiện đạt khoảng hơn 4000 tỷ Việt Nam Đồng mỗi phiên

Quá trình phát triển từ vùng trũng giai đoạn 2008-2012 đi lên chính là thời điểm mà nền kinh tế và thị trường Việt Nam tích lũy thêm, để từ đấy đi vào một giai đoạn tăng trưởng mới, một chu kỳ mới. Để có thể giữ cho chu kỳ tăng trưởng mới này bền vững, theo ông Khương, thị trường cần có sự hỗ trợ và tỉnh táo từ tất cả các bên bao gồm nhà chức trách, các tổ chức tạo lập cùng tất cả các công ty, các nhà đầu tư. Khi thị trường phát triển một cách khỏe mạnh, niềm tin của các người tiêu dùng, nhà đầu tư vào nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đều tích cực và bền bỉ. Điều này chính là nội lực giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định của thị trường, được phản ánh thông qua mô hình mối quan hệ vòng tròn giữa thái độ của thị trường và các vấn đề của doanh nghiệp/nền kinh tế:

“Từ những bài học kinh nghiệm và việc phân tích diễn biến thị trường, việc đánh giá tổng thể chu kỳ kinh tế, chọn lựa một chiến lược đầu tư trung dài hạn là rất cần thiết để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có được những giải pháp hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán lẫn bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu tư sẽ dần dần từ bỏ khái niệm đầu tư lướt sóng khi đầu tư tầm nhìn trung và dài hạn mới đem lại hiệu quả rõ rệt nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của thị trường” – ông Khương nói.

Cụ thể hơn, các công ty niêm yết bất động sản sẽ là các mục tiêu đầu tư hoặc hợp tác hàng đầu cho những nhà đầu tư chiến lược, những nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước vì các công ty niêm yết này có lợi thế thông tin rõ ràng, minh bạch và đã đạt một quy mô nhất định cùng bề dày kinh nghiệm phát triển đáng kể. Các doanh nghiệp này sẽ thường là các doanh nghiệp đầu ngành với đội ngũ vận hành và quỹ đất, quỹ tài sản dồi dào, hứa hẹn đem lại nhiều giá trị cho các nhà đầu tư chiến lược.

Trên thị trường chúng ta có thể thấy các ví dụ điển hình như Nam Long (NLG) cùng với rất nhiều các đơn vị hợp tác cùng họ như Keppel Land, Hankyu, v.v. Hoặc như Phát Đạt (PDR) và Năm Bảy Bảy (NBB) cùng các đối tác, nhà đầu tư Nhật như Creed Group bắt tay phát triển dự án; hoàn toàn có thể thấy được sự hiện diện của các quỹ đầu tư vốn nước ngoài, các ngân hàng đầu tư trong cơ cấu sở hữu của những công ty niêm yết bất động sản tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp niêm yết tiếng tăm và uy tín để “chọn mặt gửi vàng” trên thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các công ty tư nhân nếu muốn nâng tầm sẽ cũng dần chuyển mình để trở thành một công ty đại chúng, nâng cấp hệ thống quản trị, công bố thông tin và quan hệ nhà đầu tư để có thể thu hút nhiều hơn cho mình các cơ hội phát triển trong tương lai. Quá trình này sẽ thúc đẩy thêm nguồn vốn vào cả thị trường bất động sản cùng thị trường chứng khoán, tăng khối lượng giao dịch và số lượng cổ phiếu niêm yết trở nên đa dạng hơn. Sự cạnh trang giữa các công ty niêm yết, các công ty tư nhân cũng sẽ giúp thị trường có các chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp không chỉ phải thể hiện khả năng của mình với các khách hàng mà còn cả với những đối tác, nhà đầu tư. Thị trường cũng từ đây mà sẽ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn nữa.

Bên cạnh đó, thông qua những chuyển biến lịch sử này, chúng ta cũng có thể mô phỏng được một bức tranh tương đối cho Việt Nam trong những năm tới, cụ thể là giai đoạn 5 đến 10 năm tiếp theo. Cùng với đó là bức tranh thị trường bất động sản và chứng khoán ngày càng trưởng thành, vững mạnh với sự tham gia của càng nhiều thành phần nhà đầu tư với những suy nghĩ, ý tưởng và góc nhìn đa dạng. Sau giai đoạn tích lũy vừa qua, với điều kiện thị trường Việt Nam tiếp tục tận dụng được các yếu tố hội nhập kinh tế thế giới, thu hút sự quan tâm và tạo dựng lòng tin của các nhà đầu tư cùng sự quản lý có hệ thống và tầm nhìn của các cơ quan chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của một thị trường chứng khoán Việt Nam – trong một tâm thế bền vững cùng chu kỳ mới kéo dài.

Những mã cổ phiếu tiêu biểu

Ông Mai Thanh TrúcThành viên hội đồng quản trị, Giám đốc tài chính công ty cổ phần đầu tư 577 cho biết, với nền tảng tài chính ổn định, sở hữu quỹ đất lớn giá rẻ chưa khai thác, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) tăng trưởng ổn định được xem là “tam trụ” đủ để đưa Công ty Cổ phần Đầu tư 577 trở thành 1 doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, thị giá DN hiện tại chưa được thị trường định giá đúng.

Nhờ duy trì dư nợ vay ở mức thấp và ít rủi ro, các tỷ số tài chính được cải thiện, đảm bảo an toàn trong trường hợp thị trường biến động thì DN vẫn đủ nguồn vốn hoạt động SXKD, không bị lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Mặt khác, hệ số nợ vay thấp đồng nghĩa với áp lực tài chính giảm trong bối cảnh dư nợ ngân hàng của các DN BĐS hiện tại lớn nhất trong số các nhóm công ty. Và lãi suất mà các tổ chức tín dụng áp dụng cho các DN BĐS cũng cao nhất trong tất cả các ngành nghề. Chi phí lãi vay thấp & giảm dần qua các năm đồng thời giúp cải thiện lợi nhuận biên của DN. Nhờ tỷ lệ nợ vay trong ngưỡng an toàn, 577 có thể chủ động hoàn toàn sử dụng đòn bẩy tài chính để phát triển các dự án sắp tới khi có cơ hội.

Một điểm sáng nữa là kết quả kinh doanh của 577 chuyển biến rất tích cực qua các năm, dòng tiền thu từ hoạt động SXKD đạt thặng dư liên tục, đủ tài trợ cho việc phát triển dự án và giảm dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của 577 đạt 857,5 tỷ đồng, LNST của 577 đạt 55,8 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Với kết quả này, 577 đã hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu và 77,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà đại hội cổ đông đề ra chỉ sau 3 quý.

Đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, ngay trong quý I/2017, 577 đã hoàn tất thoái toàn bộ 80,25% vốn tại CTCP Công Nghiệp NBB (đơn vị sản xuất lọc ô tô: lọc dầu, lọc nhớt, lọc gió…), không chỉ đem về hơn 57 tỷ đồng ghi nhận doanh thu tài chính, ghi nhận lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng mà còn bổ sung nguồn tiền quan trọng cho việc đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm....

Tuy là một DN có nội lực vững mạnh nhưng thị giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng giá trị thực của công ty.

Đơn cử, chỉ số tỷ lệ vốn hóa thị trường so với vốn chủ sở hữu (P/B) của 577 chỉ xoay quanh mức 0,8 lần trong khi các DN BĐS trên thị trường đều duy trì ở mức bình quân đến 1,4 lần (Giá trị sổ sách cổ phiếu 577 khoảng 19.500 đồng/CP, thị giá cổ phiếu khoảng 16.000 đồng/CP), khá thấp so với mặt bằng chung của các DN cùng ngành. Chưa kể, nếu tính giá trị thị trường của quỹ đất 577 ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng, thì giá trị cổ phiếu phải ở mức 60.000 đồng/CP, gấp gần 4 lần so với thị giá hiện tại.

Cổ phiếu 577 chưa được định giá đúng giá trị nội tại của công ty do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất do cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc, các nhà đầu tư lớn (CII, Kallang, SAM, các quỹ của Dragon Capital, …) nắm giữ hầu hết cổ phiếu. Do vậy, cổ phiếu 577 ít được nhà đầu tư cá nhân chú ý. Thứ hai, do chiến lược đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn của cổ đông chiến lược dẫn đến lượng cổ phiếu giao dịch ít, điều này khiến cho thanh khoản cổ phiếu không cao.

Với cấu trúc tài chính an toàn, hoạt động SXKD tăng trưởng ổn định, tiềm năng phát triển lớn, hi vọng thị giá cổ phiếu 577 sẽ phản ánh đúng giá trị thực của công ty, thu hút nhiều hơn sự chú ý của nhà đầu tư, hướng đến hiệu quả và giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Phó Tổng giám đốc tài chính công ty cổ phần phát triển nhà Thủ ĐứcThủ cho hay, Đức House là một trong những doanh nghiệp đầu tư và phát triển Bất động sản hàng đầu Việt  Nam. Thủ Đức House đang tạo bước phát triển đột phá để trở thành một trong những tập đoàn kinh tế vững mạnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội và vì lợi ích cộng đồng.

Thủ Đức House cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng có chất lượng tốt về Bất động sản cũng như các ngành nghề có liên quan khác nhằm mang đến cho khách hàng sự thỏa mãn cao độ, đáp ứng những yêu cầu cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc.

Thủ Đức House tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 5 năm tới với các giải pháp sau:Đảm bảo Bất động sản là ngành kinh doanh cốt lõi với tỷ trọng doanh thu tối thiểu phải luôn đạt mức từ 60% đến 70% trong tổng doanh thu; Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ tối thiểu 25% mỗi năm, tăng cường tích lũy tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Thường xuyên cải tiến và bổ sung nguồn lực về quản trị, nguồn nhân lực, và tiềm lực tài chính để duy trì và nâng cao vị thế thương hiệu; Liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước phát triển các dự án phức hợp, căn hộ, văn phòng, không gian thương mại và nhiều loại hình bất động sản phù hợp với vị thế từng dự án để đón đầu xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam; Đa dạng hóa trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ về bất động sản sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng và chu kỳ của thị trường bất động sản.

Chiến lược kinh doanh của Thuduc House năm 2017 được xác định trên cơ sở chiến lược căn bản đã thực hiện 2 năm vừa qua và có một số điều chỉnh cụ thể như sau: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 25%/năm, nâng cao khả năng sinh lời và tích luỹ nguồn vốn. Bất động sản vẫn sẽ là mũi chiến lược nền tảng, đảm bảo đạt tỷ trọng doanh thu bất động sản tối thiểu từ 60% đến 70% trong tổng doanh thu của tập đoàn; Tập trung tìm kiếm những dự án lớn tạo quỹ đất cho 10 năm sắp tới, địa bàn phát triển tập trung vào 2 thành phố TP.HCM và Hà Nội và những tỉnh lân cận của 2 thành phố này; Ưu tiên phát triển các phân khúc: Nhà thấp tầng (đất nền) ở các quận vùng ven và các tỉnh lân cận thành phố, căn hộ nhỏ, riêng các dự án ở các quận trung tâm TP.HCM và Hà Nội ưu tiên phát triển căn hộ cao cấp, căn hộ dịch vụ và văn phòng cho thuê....

Các dự án trọng điểm của Thủ Đức House gồm Khu dân cư hỗn hợp Bình Dương, S-Home Bình Chiểu (Lô H), TDH – Tocontap, Chung cư Centum Wealth (TDH 51%)...

Theo ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư LDG, LDG có tầm nhìn trở thành 1 trong 5 công ty phát triển bất động sản và dịch vụ tốt nhất Việt Nam, cung cấp dịch vụ ưu việt, nâng cao giá trị cuộc sống.

Với vốn điều lệ: 1.599.578.060.000 đồng, vốn hóa: 2.767.270.043.800 đồng, tổng tài sản: 3.445.168.000.000 đồng, LDG có 9 dự án khu đô thị với diện tích 297 ha tại Đồng Nai, Bình Dương, triển khai đến 2025; 8 dự án căn hộ với 1.200.000 m2 sàn TP.HCM, triển khai đến 2020 và đang phát triển 10.000 căn hộ phân khúc C; Đang kinh doanh và mở rộng 3 dự án về khu du lịch và nghỉ dưỡng 327.5ha tại Đồng Nai, Phú Quốc….

Đại diện LDG cũng khẳng định, LDG là cổ phiếu tiềm năng không chỉ ngay hiện tại mà còn cả trong tương lai.

Hội thảo được tường thuật trực tiếp tại fanpage của Thương Gia tại đây.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...