Rất nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội “vượt trội” tại 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được nêu ra tại dự án Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt sắp được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần đầu, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện và trình vào kỳ họp lần sau. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo vẫn ôm đồm nhiều chính sách và chưa "vượt trội" so với các đặc khu kinh tế. Vậy, đâu là mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt phù hợp?
Rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Ban Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo được chia thành 6 chương với 104 điều. Trong đó, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tập trung tại 25 điều (từ điều 12- điều 36) và chia thành 7 nhóm vấn đề, gồm: các chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh; các chính sách về tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách đặc thù; chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất; chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một số chính sách khác.
“Tất cả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội được quy định tại dự án Luật này đều “đặc biệt” khác với các luật hiện hành. Luật cũng quy định các cơ “chế đặc biệt” về hành chính khác các luật khác để đưa ra các chính sách này chính là Hiến pháp”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Điển hình trong nhóm chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh là sự thu hẹp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành xuống còn 108 ngành, nghề. Cùng với đó, gỡ bỏ, hạn chế phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề ưu tiên phát triển của Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt. Các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu, hải quan, lao động,… được giải quyết đơn giản, nhanh gọn, tại chỗ tại Trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
Đối với chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách đặc thù, nhà đầu tư được đề xuất hình thức đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo thông lệ quốc tế để Trưởng Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt hoặc Chủ tịch UBND Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt xem xét, quyết định.
Đối với nhóm chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất, dự án Luật Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt quy định áp dụng ưu đãi đầu tư với 2 mức. Trong đó, mức ưu đãi cao nhất là hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
“Tuy nhiên, ưu đãi này không phải được áp dụng trong mọi dự án mà chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư vào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên của từng Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt và dự án của nhà đầu tư chiến lược”, ông Trần Duy Đông cho biết.
Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), xây dựng cơ chế cho đặc khu cần cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế. Dù đã phát triển chính sách về đặc khu trong nhiều năm nhưng hiện nay các nước vẫn tiếp tục thí điểm cơ chế mới nên không thể tránh các cơ chế mở.
“Tôi có cảm tưởng, chúng ta vẫn còn ôm đồm về chính sách, chưa xác định được rõ đâu là mô hình đặc khu cho phù hợp. Từ đó ảnh hưởng đến xây dựng chính sách và quy hoạch”, ông Thành nói.
Góp ý vào cơ chế chính sách đối với đất đai tại đặc khu kinh tế, GS Đặng Hùng Võ đề nghị, nhà nước thu hồi đất của dân cần đấu giá theo cơ chế thị trường và cho phép người Việt Nam thế chấp đất để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài.
"Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu”, ông Võ chia sẻ.
Ngoài ra, liên quan đến thủ tục hành chính, GS Võ cho rằng, Việt Nam cần mạnh dạn áp dụng thủ tục hành chính điện tử một cửa nhằm tạo ra bước vượt lên đáng kể so với hành chính hiện nay.
Luật đặc khu phải có tính vượt trội
Các chuyên gia kinh tế nhận định, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đưa ra quyết định thành lập các Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt muộn hơn, đây vừa là bất lợi nhưng cũng là lợi thế. Bởi với “lợi thế người đi sau”, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm thành công và thất bại từ những quốc gia trên thế giới và đưa ra một cơ chế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông Marcin Milosz, nhóm tư vấn Công ty TNHH Tư vấn Boston- The Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, để thu hút được nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, ngoài việc đưa ra các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, cần đưa ra các giải pháp để thực thi chính sách đó; trong đó, để thực thi chính sách hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ từ cấp Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, bên cạnh đưa ra các chính sách và giải pháp thực hiện chính sách, các Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt cần có vị trí chiến lược, đi cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, phù hợp,… như vậy mới tạo được sự “đột phá” trong thu hút đầu tư- ông Marcin Milosz nhấn mạnh.
Mặc dù có “lợi thế nước đi sau”, nhưng ông Patrick Tay, chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế đến từ Malaysia cũng đồng tình với quan điểm cho rằng khung khổ pháp lý cũng như chất lượng của định chế, thể chế là nền tảng quan trọng để Việt Nam có một “đặc khu siêu hạng”. Tuy nhiên, cũng đừng vội đòi hỏi các đặc khu phải đạt được những thành công lâu dài trong thu hút đầu tư nước ngoài, vì không có gì đảm bảo các chính sách đưa ra hôm nay sẽ luôn phù hợp cho những năm tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, mục tiêu của Việt Nam là sẽ thiết kế một mô hình chính quyền địa phương, ở đấy khẳng định vai trò của trưởng đặc khu và các cơ quan giúp việc. Tại đó, sẽ tổ chức một số mô hình như mô hình “một đầu mối - một cửa”, đây là một cơ quan nhân danh chính quyền để giải quyết tất cả các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giám sát sẽ gắn với giám sát từ các kênh khác nhau, từ cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử và xã hội. “Đặc biệt, nếu chúng ta tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở chính phủ điện tử thì mọi người dân có thể giám sát được, có thể biết được dòng văn bản đang xử lý ở đâu, thủ tục đang đạt đến mức độ nào trong quá trình đi đến kết quả cuối cùng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
“Thành công của một đặc khu kinh tế chỉ thực sự có khi tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Từ người dân tại các địa phương có Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt, đến người dân trên cả nước chứ không phải chỉ đơn giản là nhà đầu tư đầu tư tại đây”, chuyên gia Patrick Tay nhấn mạnh./.
Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN