Top 6 ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong quý 1/2023

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2023 có 6 ngành hàng đạt trị giá xuất khẩu hơn 1 tỷ USD…
Xuất khẩu

Bên cạnh 6 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thì giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng có tương tự 6 mặt hàng đạt hơn 1 tỷ USD.

Mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1/2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% và có 34/45 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong quý I năm 2023 giảm 10,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý này, Việt Nam có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Đầu tiên là điện thoại các loại và linh kiện.  Xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 3/2023 đạt 4,22 tỷ USD, nâng mức trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý 1/2023 lên 13,42 tỷ USD, giảm 12,2%.

Chủ yếu,Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Riêng xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (27 nước) đạt 2,04 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 3/2023 là 4,91 tỷ USD, tính chung trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý 1/2023 là 12,03 tỷ USD, giảm 9,3%. Trong quý I/2023, xuất khẩu nhóm hàng này giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc, EU (27 nước) nhưng tăng ở thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Thứ ba, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, xuất khẩu nhóm hàng trong tháng đạt 3,57 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước. Tính trong quý 1/2023 trị giá xuất khẩu nhóm hàng đạt 9,85 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong quý I/2023 chủ yếu gồm Hoa Kỳ, EU(27),Trung Quốc, Nhật Bản.

Thứ tư, hàng dệt may, trong tháng 3 đạt 2,63 tỷ USD, tăng nhẹ 14,5% so với tháng trước. Tính chung trong quý 1/2023, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 7,17 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thị trường xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU (27 nước) giảm, còn Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thứ năm, mặt hàng giày dép các loại đạt 1,57 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong quý 1/2023 là 4,33 tỷ USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất sang Hoa Kỳ, EU(27) giảm, riêng Trung Quốc lại tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cuối cùng là hàng thủy sản, trong tháng 3/2023 đạt 766 triệu USD, tăng 25,6% so với tháng trước. Tính trong quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,83 tỷ USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chủ yếu của mặt hàng này là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Những mặt hàng nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD

Tương tự với xuất khẩu hàng hóa, trong quý 1/2023 Việt Nam cũng nhập khẩu 6 ngành hàng trên 1 tỷ USD.

xuất khẩu

Cụ thể, giá trị nhập khẩu trong tháng 3/2023 đạt 28,32 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng trước. Trong quý 1/2023, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 74,49 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3 đạt 6,81 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng trước. Tính trong quý 1/2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 19,31 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn Việt Nam nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác có trị giá nhập khẩu trong quý 1/2023 đạt 9,21 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường chính của nước ta.

Đối với nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 3/2023 đạt 2,29 tỷ USD, tăng mạnh 48,6% so với tháng trước. Tính chung, lũy kế trong quý 1/2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 5,45 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Còn mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, nhập khẩu trong tháng 3 đạt 581 triệu USD, tăng 10,5% so với tháng trước. Tính trong quý 1/2023, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,9 tỷ USD, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với trị giá đạt 1,62 tỷ USD.

Cùng với đó, mặt hàng xăng dầu các loại trong tháng 3 nhập khẩu đạt 752 nghìn tấn, giảm 10,4% so với tháng trước. Trong  quý 1/2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 2,59 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 2,24 tỷ USD.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong quý 1/2023 tăng ở thị trường Trung Quốc và Singapore nhưng giảm ở thị trường Malaysia và Hàn Quốc.

Mặt hàng đạt giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD cuối cùng là sắt thép các loại, lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 3/2023 đạt 1,3 triệu tấn, tăng 55,3% so với tháng trước. Đây là lượng nhập khẩu cao nhất trong tháng kể từ tháng 4/2021 đến nay.

Tính đến hết quý 1/2023, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của cả nước đạt 2,74 triệu tấn với trị giá là 2,27 tỷ USD. Nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi lại giảm ở các thị trường chính khác.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393 - 394 tỉ USD, tăng thêm khoảng 22 tỉ USD, là rất thách thức. 

Bởi hoạt động xuất khẩu đang tồn tại nhiều hạn chế như tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý...

Theo ông Chinh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, ngành công thương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương và đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Có thể bạn quan tâm