Thay thế Trung Quốc, Ấn Độ dần thành trọng tâm chiến lược của Apple

Ấn Độ có thể sẽ thay thế vai trò của Trung Quốc trong 15 năm qua đối với hoạt động kinh doanh của Apple…
Thay thế Trung Quốc, Ấn Độ dần thành trọng tâm chiến lược của Apple

Trong tuần này, CEO Apple Tim Cook đã có mặt tại Ấn Độ để khai trương hai cửa hàng chính thức và giao lưu cùng khách hàng địa phương. Song song với đó, ông Tim Cook sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Narendra Modi.

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ đang trở thành trọng tâm chiến lược của Apple khi các chuỗi cung ứng tìm cách rời khỏi Trung Quốc và thị trường điện thoại thông minh ngày càng bão hòa.

Ấn Độ có thể sẽ thay thế vai trò trong 15 năm qua của Trung Quốc đối với hoạt động kinh doanh của Apple: Một thị trường rộng lớn với tầng lớp trung lưu mở rộng thúc đẩy tăng trưởng doanh số và khả năng trở thành cơ sở sản xuất cho hàng triệu thiết bị của Apple.

Tiềm năng tăng trưởng tại Ấn Độ

Các nhà phân tích cho rằng dân số đông và nền kinh tế đang trưởng thành của Ấn Độ là yếu tố lí tưởng để Apple thâm nhập vào thị trường, thông qua tăng cường nỗ lực tiếp thị và cung cấp dịch vụ bán lẻ. 

Theo ông Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của CFRA Research, hiện vẫn còn rất nhiều cơ hội để Apple phát triển ở tiểu lục địa. Apple có chưa đến 5% thị phần điện thoại thông minh ở Ấn Độ, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 18% ở Trung Quốc. Nhìn chung, phần lớn doanh số điện thoại thông minh ở cả hai quốc gia này đều là các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của Google. 

“Khi bạn nhìn vào Ấn Độ ngày nay, nó rất giống với Trung Quốc của 15 hay 20 năm trước,” ông Angelo Zino nói. “Chính hiệu ứng của cải tự nhiên theo thời gian giúp Apple nhận thấy tiềm năng doanh thu cao đáng kể ở Ấn Độ trong tương lai.”

Trước đó vào tháng 2, chính CEO Tim Cook tự hào nói rằng công ty đã thu hút thành công những “người chuyển đổi” tại Ấn Độ. Đó là cụm từ mà Apple sử dụng để chỉ những người trước đây sở hữu điện thoại Android nay quyết định mua chiếc iPhone đầu tiên.

Ấn Độ
CEO Apple Tim Cook bất ngờ khi một khách hàng khoe với ông chiếc máy tính Apple Macintosh đời đầu trong buổi khai trương cửa hàng tại TTTM Jio World Drive, Mumbai vào ngày 18/4 vừa qua.

Apple đã ghi nhận giai đoạn bán hàng tốt nhất từ ​​trước đến nay đối với iPhone ở Ấn Độ trong quý kết thúc vào tháng 12/2022. 

Người Ấn Độ có nhiều khả năng trở thành "người chuyển đổi" hơn so với khách hàng ở những nơi khác, bởi Android hiện vẫn đang thống trị thị trường nước này, dẫn đầu là Samsung và một số thương hiệu Trung Quốc. Android chiếm tới hơn 95% thị phần Ấn Độ, theo dữ liệu từ Statcounter.

Lý do chính của xu hướng này là giá cả. Hầu hết các điện thoại được bán ở Ấn Độ đều có giá thấp hơn cả chiếc iPhone “bình dân” của Apple. Cụ thể, giá bán trung bình của một chiếc điện thoại thông minh ở Ấn Độ là 224 USD vào năm 2022, vốn đã tăng 18% so với thời gian trước đó. Điện thoại “bình dân” của Apple - iPhone SE - được bán lẻ với giá 429 USD ở Mỹ.

Các nhà phân tích IDC nhận định, một trong những biện pháp để Apple có thể giải quyết khoảng cách này là cho phép khách hàng trả góp tiền mua điện thoại hoặc giảm giá khi mang đổi những dòng sản phẩm cũ hơn. CEO Tim Cook đã đề cập đến các chiến lược tương tự khi được hỏi về Ấn Độ vào tháng 2. “Apple sẽ cân nhắc thêm các lựa chọn tài chính và trao đổi để làm cho sản phẩm có giá cả phải chăng cũng như cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn”.

“Made in India”

Phần thứ hai trong chiến lược mà Apple hướng tới là sản xuất các thiết bị của công ty tại Ấn Độ. Đây sẽ là một dự án lớn không chỉ đòi hỏi sự chú ý của Apple mà còn cả nỗ lực từ các đối tác sản xuất cũng như chính quyền địa phương. 

Gần như tất cả iPhone hiện đang được lắp ráp tại Trung Quốc, cũng chính là nguyên nhân của nhiều vấn đề về cung ứng trong 5 năm qua. Bắt đầu từ căng thẳng thương mại và thuế quan dưới thời chính quyền TT Donald Trump kéo sang những gián đoạn do đại dịch cùng các chính sách zero Covid làm sụt giảm nghiêm trong doanh số bán hàng. 

Và Ấn Độ là được nhắc đến nhiều nhất khi Apple tích cực tìm kiếm các lựa chọn sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Vào tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ đã chia sẻ với CNBC rằng Apple đang sản xuất chiếc iPhone 14 mới nhất tại quốc gia này và có mục tiêu sản xuất tới 25% tổng sản lượng iPhone ở đây. 

Đối tác sản xuất chính của Apple - Foxconn - giám sát phần lớn việc lắp ráp iPhone mới ở Trung Quốc, cũng có kế hoạch mở rộng ở Ấn Độ, được cho là đang xây dựng một nhà máy trị giá 700 triệu USD cho các bộ phận iPhone ở Bangalore. 

Ấn Độ

Giống như Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ háo hức đón nhận Apple và coi đó như một biểu tượng để thu hút các công ty công nghệ cao khác đến nước này để sản xuất và phát triển. Thủ tướng Narendra Modi đã nhiều lần ngỏ ý muốn thảo luận về kế hoạch sản xuất của Apple và những thách thức mà Apple phải đối mặt trong việc phát triển cơ sở người dùng tại quốc gia này.

Chặng đường dài phía trước

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà đầu tư hào hứng với tiềm năng của Apple ở Ấn Độ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng có thể cẩn mất khá nhiều thời gian trước khi Ấn Độ có thể trở thành một thị trường như Trung Quốc. 

“Tôi đã nói với các nhà đầu tư điều này: Tất cả những lời quảng bá mà bạn đang nghe về Ấn Độ thời gian qua quả thất đều rất tuyệt. Nhưng thực tế mà nói, đó sẽ là một cơ hội lớn trong thập kỷ tới, nhưng đừng mong đợi mọi thứ sẽ thay đổi chỉ sau một đêm”, ông Angelo Zino CFRA Research lưu ý. 

Trong khi đó, Apple cũng đã phải đối mặt với những thách thức trong quá trình sản xuất thử nghiệm ban đầu tại Ấn Độ, đáng chú ý nhất là tại một nhà máy Wistron ở Bengalaru lắp ráp các mẫu iPhone cũ, nơi đã nổ ra một cuộc bạo động lao động vào cuối năm 2020.

Apple đã để mắt đến việc mở rộng ở Ấn Độ sớm nhất là từ năm 2016, khi CEO Tim Cook có cuộc gặp với thủ tướng Modi. Tại đó, ông Tim Cook đã nói với thủ tướng Modi về tiềm năng sản xuất và bán lẻ của Apple tại Ấn Độ. Đến nay, sáu năm sau, CEO Tim Cook đã trở lại Ấn Độ một lần nữa để ra mắt hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên do công ty trực tiếp sở hữu và điều hành. Từ thời điểm đó, Apple đã rất lạc quan về Ấn Độ: “Ấn Độ sẽ là quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2022 và họ có tiềm năng thị trường khổng lồ”, CEO Tim Cook nhấn mạnh trong một chương trình trên CNBC. 

Có thể nói, chiến lược dài hạn của Apple tại Ấn Độ có thể được tóm tắt một cách hay nhất qua câu nói của ông Tim Cook với truyền thông địa phương trong chuyến thăm năm 2016. “Chúng tôi đang đặt nguồn năng lượng khổng lồ vào đây [Ấn Độ], và Apple không chỉ ở đây trong một quý, hai quý, hay một năm; mà chúng tôi sẽ ở đây trong một nghìn năm”. 

Có thể bạn quan tâm