Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra 705 hồ sơ đền bù, trong đó có 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hằng năm (màu, lúa màu), đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn). Tuy nhiên huyện đã áp giá "đất vườn gò tự nhiên trong khu dân cư", khiến số tiền chi tăng thêm hơn 104 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ kết luận "hơn 104 tỉ đồng đã được chi trả cho dân, chưa phát hiện dấu hiệu vụ lợi nhưng cần phải kiểm điểm nghiêm túc. Trách nhiệm này thuộc UBND TP, Hội đồng thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng TP và Hội đồng thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi".
Theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, việc xây khu tái định cư phải đồng thời với giải phóng mặt bằng, nếu chưa có khu tái định cư thì phải di dời người dân đến nơi bố trí tạm cư hoặc chi tiền tạm cư.
Khu dự án nói trên có hơn 300 hộ thuộc diện tái định cư, còn dự án tái định cư đã được phê duyệt rộng 18ha nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Các hộ tự thu xếp nơi tạm cư được hỗ trợ mức 120.000 đồng/người/tháng hoặc 500.000 đồng/tháng với hộ có 5 nhân khẩu trở lên nhưng cũng không thực hiện.
Hậu quả của việc chậm trễ xây dựng khu tái định cư và việc không bố trí tạm cư, không chi tiền tạm cư là những lý do mà người dân khiếu nại, không giao mặt bằng. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi, UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn.
Những hạn chế, khiếu nại phát sinh từ dự án có nguyên nhân ban đầu được kết luận thanh tra chỉ ra là do TP. HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý quy định, giao cho Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư khi công ty này không đủ năng lực thực hiện.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư và UBND TP. HCM giai đoạn 2001-2006. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra thiếu sót về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trách nhiệm thuộc về UBND TP, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Xây dựng, Sở GTVT và Sở Quy hoạch - kiến trúc.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND TP. HCM kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có liên quan, sớm rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về chủ trương, quy mô, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của dự án, khẩn trương xây khu tái định cư, tìm nơi tạm cư, chi tiền cho các hộ dân...
Được biết, dự án Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi, có diện tích hơn 485ha, được cấp phép từ năm 2004 do Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Để nhường chỗ dự án này, 705 hộ dân phải di tản. |