Dự kiến bắt đầu khởi công 3 dự án xây BV mới từ năm 2018 đến năm 2023 sẽ đưa vào khai thác sử dụng.
Các BV được xây mới là BV đa khoa khu vực Hóc Môn, BV đa khoa khu vực Củ Chi, BV đa khoa khu vực Thủ Đức được xây dựng lần lượt tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận Thủ Đức, do UBND TP HCM quản lý.
Dự án có vốn đầu tư cao nhất là BV đa khoa khu vực Thủ Đức với 1.915 tỷ đồng, BV đa khoa khu vực Hóc Môn có tổng mức đầu tư 1.895 tỷ đồng. 1.854 tỷ đồng đầu tư cho BV đa khoa khu vực Củ Chi.
Hiện các BV tuyến cuối và khu vực nội thành luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, ba dự án BV mới nhằm mục tiêu xây dựng BV hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ.
Đồng thời, giảm tải cho các BV tuyến cuối và khu vực nội thành, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực có BV và các vùng lân cận.
Năm 2017, UBND TP HCM phê duyệt đề án thành lập bổ sung BV vệ tinh giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu nhằm hình thành, phát triển mạng lưới BV vệ tinh tại 22 tỉnh, thành phố phía nam do 8 BV hạt nhân của TP phụ trách (BV Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chấn thương chỉnh hình và BV Ung bướu).
Theo đề án, đến năm 2020 thì 100% cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật của BV vệ tinh được đào tạo chuyên môn phù hợp; giảm thiểu dưới 10% chuyển viện từng năm;...
Kinh phí mà Bộ Y tế cấp cho 8 BV hạt nhân là 63,7 tỷ đồng (chi phí đào tạo chuyển giao, lập đề án, mua sắm trang thiết bị). Kinh phí địa phương cấp cho BV vệ tinh là 221 tỉ đồng.
UBND TPHCM đã xem xét và phê duyệt một số dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có 7 dự án bệnh viện thành phố và quận huyện đã có chủ trương phê duyệt.
Các dự án này bao gồm việc xây dựng khu khám điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Quận 5; Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn, Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện Quận 3; đầu tư nâng cấp Bệnh viện Quận Tân Phú quy mô 500 giường theo hình thức PPP và nay là giao cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập đề xuất xây dựng lại bệnh viện nhân dân 115.
Được biết, UBND TP HCM đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT).
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới có vị trí tại giao lộ Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh, trong dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh – quận 1, có quy mô 300 giường hoàn chỉnh, phù hợp với công năng của bệnh viện đa khoa hạng 2 theo mô hình của Bộ Y tế.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2020. UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương giao cho Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) làm chủ đầu tư xây dựng dự án này. Đổi lại, Bitexco sẽ được thành phố giao khu đất tại bệnh viện Đa khoa Sài Gòn hiện hữu (125 Lê Lợi) để xây dựng tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp.
>>TP HCM “thúc” Chính phủ triển khai nhanh dự án đường Vành đai 3