TP.HCM định hướng phát triển 3 trung tâm logistics

UBND TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, TP mời gọi đầu tư 3 trung tâm logistics gồm: Trung tâm logistics Khu CNC; Trung tâm logistics Cát Lái và Trung tâm logistics Linh Trung.
TP.HCM định hướng phát triển 3 trung tâm logistics

Theo UBND TP.HCM, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp trên địa bàn đạt 15%, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố đạt 10%  và đến năm 2030 với tốc độ tăng trưởng đạt 20%, tỷ trọng đạt 12%.

Trong đó, năm 2021, thành phố sẽ hoàn tất đấu thầu mời gọi đầu tư Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao. Đến năm 2023, hoàn thành chuẩn bị đầu tư Trung tâm logistics Cát Lái và Trung tâm logistics Linh Trung; phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư các trung tâm logistics nhóm II vào năm 2025 và nhóm III vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, khu dữ liệu tập trung và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ logistics. Thành lập và phát triển 1 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics để phát triển TP.HCM trở thành đầu tàu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực toàn vùng, có khả năng cung cấp nhân lực cho cả nước và quốc tế.

Để triển khai kế hoạch, TP.HCM sẽ đầu tư phát triển hạ tầng gồm hệ thống trung tâm logistics, hệ thống giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải hàng hóa, từ đó có cơ sở điều chỉnh quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe, khu vực trung chuyển hàng hóa, giờ ưu tiên…

Xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thiết lập bản đồ số logistics để có cơ sở dữ liệu chính thức, phục vụ cho công tác thống kê, tra cứu, hoạch định, tìm kiếm và tối ưu hóa mạng lưới logistics tại thành phố và các tỉnh thành lân cận.

Nghiên cứu thành lập Trung tâm xúc tiến cung cấp giải pháp công nghệ logistics để cung cấp thông tin, kết nối các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ logistics hiện đại.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực logistics như tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành logistics trên địa bàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chuyển giao chương trình đào tạo ngành logistics, hợp tác đào tạo theo các chương trình quốc tế.

Xây dựng, chuyển giao và cập nhật hàng năm nền tảng đào tạo trực tuyến logistics cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics cho vùng hướng tới tính liên kết vùng và chia sẻ nguồn nhân lực.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ xúc tiến cung ứng dịch vụ logistics. Trong đó, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như diễn đàn logistics TP.HCM thường niên, báo cáo logistics thường niên; hội chợ, triển lãm ngành logistics; tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên ngành về logistics ở nước ngoài; đón tiếp các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, phát triển dịch vụ logistics…

Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để kết nối doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhằm gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài; hợp tác và liên kết vùng về phát triển ngành logistics.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...