Không được tự tổ chức đấu giá khoản nợ, ngân hàng khó giấu nợ xấu?

Đây là một trong những quy định được NHNN đưa vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015, quy định hoạt động mua bán nợ của ngân hàng.
Không được tự tổ chức đấu giá khoản nợ, ngân hàng khó giấu nợ xấu?

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong quá trình thực hiện mua bán nợ theo Thông tư 09/2015, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho biết có một số phát sinh vướng mắc do thông tư này chưa hướng dẫn cụ thể về cách định giá khoản nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá, xử lý tài chính đối với một số trường hợp bên mua nợ là tổ chức tín dụng (TCTD) khác…

Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng có hiện tượng một số TCTD thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là TCTD và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Cơ quan quản lý cho rằng, hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các nhà băng.

Vì vậy, để đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015. Trong đó có điểm nổi bật là bỏ quy định cho phép các ngân hàng tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ như trước. Thay vào đó, hoạt động bán đấu giá khoản nợ sẽ chỉ được thực hiện khi bên bán nợ (ngân hàng) thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.

Theo cơ quan quản lý tiền tệ, quy định này được đưa ra nhằm phù hợp theo Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, tổ chức được phép đấu giá tài sản chỉ bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Về định giá, dự thảo thông tư mới yêu cầu việc định giá khoản nợ phải được thực hiện theo quy định pháp luật về giá. Trong đó, quy định rõ việc ngân hàng thực hiện xác định giá mua, bán nợ theo phương pháp thỏa thuận và giá khởi điểm theo phương thức bán đấu giá.

Cụ thể, giá sẽ được căn cứ theo giá trị ghi sổ của khoản nợ, lãi mà bên nợ phải trả trong tương lai. Đồng thời, căn cứ tính giá cũng bao gồm nhóm khoản nợ được phân loại, tình hình tài chính khách hàng vay, cung cầu thị trường và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá trị khoản nợ, khả năng thu hồi, tình trạng và giá trị tài sản bảo đảm (nếu có) tại thời điểm định giá.

Ngoài ra, giá khoản nợ cũng phải tuân theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính về các tiêu chuẩn thẩm định giá.

NHNN cho rằng, do Thông tư 09 chưa quy định rõ việc định giá khoản nợ nên dự thảo thông tư mới cần bổ sung các quy định trên. Điều này cũng để khẳng định quyền tự chủ trong định giá khoản nợ theo Luật Giá của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Thông tư 09 hiện tại cũng có quy định các yếu tố tình hình tài chính khách hàng vay, cung cầu thị trường và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá trị khoản nợ, tình trạng và giá trị tài sản bảo đảm (nếu có) của khoản nợ tại thời điểm định giá.

Điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc định giá khoản nợ và đề nghị được hướng dẫn cụ thể hơn.

NHNN cho biết hiện Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn về doanh nghiệp thẩm định giá và ban hành các tiêu chuẩn về thẩm định giá (13 tiêu chuẩn). Vừa qua, nhiều tổ chức, đơn vị đã có phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong việc định giá đối với khoản nợ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá riêng cho các khoản nợ.

Theo đó, các tổ chức khác ngoài doanh nghiệp thẩm định giá cũng được áp dụng tiêu chuẩn thẩm định của Bộ Tài chính, bao gồm cả các ngân hàng.

Cũng tại dự thảo mới, NHNN đề xuất cho phép bên bán nợ được mua lại các khoản nợ đã bán trong trường hợp mua lại theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trước đó, Thông tư 09 quy định bên bán nợ không được mua lại các khoản nợ đã bán.

Theo đó, các ngân hàng mua lại bắt buộc được phép mua nợ từ các TCTD tham gia cơ cấu lại, và trong trường hợp phát sinh rủi ro, ngân hàng mua lại bắt buộc được phép bán lại khoản nợ đã mua cho các TCTD tham gia cơ cấu lại.

Một quy định mới được NHNN bổ sung vào dự thảo lần này với mục đích hạn chế tình trạng che giấu nợ xấu của các ngân hàng là việc yêu cầu các TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính TCTD đó hoặc TCTD khác.

Đề xuất này được đưa ra dự atrên phản ánh của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan này cho rằng nên cấm cả việc các TCTD cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của TCTD khác nhằm ngăn ngừa phát sinh hiện tượng các TCTD cho vay khách hàng chéo để che giấu nợ xấu.

Ngoài ra, dự thảo cũng chỉ rõ trong trường hợp khoản nợ được bán cho nhiều bên thì việc quản lý khoản nợ cần được các bên thoả thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên, phân chia tài sản bảo đảm.

Trong trường hợp bên bán nợ còn sở hữu một phần khoản nợ thì bên bán vẫn phải tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu.. để đảm bảo không làm phát sinh thêm vấn đề có thể gây ra rủi ro đối với các TCTD.

Xem thêm

Nợ xấu ngân hàng (Bài 2): Đâu là nguyên nhân?

Nợ xấu ngân hàng (Bài 2): Đâu là nguyên nhân?

Bên cạnh yếu tố khách quan là sự không ổn định tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới, chịu ảnh hưởng do đại dịch toàn cầu thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng do là sự quản lý yếu kém từ chính các ngân hàng.
3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được mua bán trong hôm nay

3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được mua bán trong hôm nay

Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ đi vào hoạt động từ hôm nay. Dự kiến ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được giao dịch. Đây là điều các tổ chức tín dụng và VAMC trông đợi từ lâu vì sẽ tạo cơ hội khơi thông nợ xấu qua mua đi bán lại.

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...