Bắt đầu từ tháng 11.2018, TP.HCM chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng quý, theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, tổng dự toán để chi cho việc này khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong đó khối quận huyện là 1.980 tỷ đồng, còn lại là khối hành chính sự nghiệp của thành phố. Con số này là chỉ tính trong năm nay, dự tính năm 2019 sẽ là 7.236 tỷ đồng.
Tiền được lấy từ các nguồn: Cải cách tiền lương năm trước chuyển sang; cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm; ngân sách cấp huyện, thành phố...
Đối với đề án thu nhập tăng thêm, căn cứ để chi thu nhập tăng thêm là chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đơn vị; bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thực hiện công việc của cán bộ công chức, viên chức theo kế hoạch, chương trình công tác trong quý và nhiệm vụ đột xuất được giao; kết quả theo dõi đánh giá của lãnh đạo và kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, phản ánh của các tổ chức, cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
Về quy trình đánh giá sẽ có 3 phiếu: Tự đánh giá, đồng nghiệp, thủ trưởng; giao việc cụ thể sẽ có đánh giá cụ thể.
Về đề án ủy quyền, UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND quận, huyện triển khai vào tháng 1/2019.
“Về nguyên tắc, không phải ai cũng được chi tăng thu nhập mà phải căn cứ vào đánh giá việc hoàn thành công việc hàng quý để việc thực hiện được công bằng, tạo động lực, khuyến khích động viên, nâng cao ý thức của cán bộ công chức trong công việc.
Lý giải về đề án ủy quyền và đề án thu nhập tăng thêm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, do dân số thành phố đông nên mỗi công chức phải phục vụ 700 người (trung bình cả nước là 350) nên công việc của cán bộ là rất nhiều.
"Việc triển khai đề án thu nhập tăng thêm là động lực cho cán bộ, công chức phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn", ông Nhân nói và đề nghị hết quý 1 năm 2019 sẽ sơ kết việc thực hiện đề án này.
Mục đích của việc ủy quyền là để người dân được đáp ứng các quyền mà pháp luật cho phép tốt hơn, doanh nghiệp thì kinh doanh thuận lợi, hiệu quả hơn.
"Các sở ngành nên chủ động thực hiện sổ tay hướng dẫn các việc được ủy quyền, để cán bộ nắm chắc khi giải quyết công việc", Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị.