TP.HCM dừng hoạt động karaoke, vũ trường, massage sau 1 ngày cho phép hoạt động trở lại

Hôm qua (18/11), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar.
TP.HCM lại tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường. Ảnh: Báo Lao động
TP.HCM lại tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường. Ảnh: Báo Lao động

Theo UBND TP.HCM, hiện nay hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, theo đề nghị của Sở Y tế, UBND thành phố chỉ đạo tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường massage, spa, quán bar đến khi có thông báo mới.

UBND thành phố cũng giao Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với loại hình kinh doanh dịch vụ massage, spa, quán bar; ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các hoạt động này ngay sau khi thành phố ban hành Bộ tiêu chí.

Các sở, ban, ngành, các đoàn kiểm tra liên ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân và tổ chức, cá nhân kinh doanh nắm rõ, thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của thành phố.

Trước đó, ngày 16/11, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3900 về Quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố theo phụ lục 3 của Quyết định này, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, quán bar, vũ trường, karaoke được hoạt động tại các phường, xã, thị trấn cấp độ 1 với một số yêu cầu cụ thể về phòng chống dịch.

Như vậy, tính đến nay, các dịch vụ karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage đã phải dừng hoạt động gần 7 tháng để phòng dịch.

Đến nay, TP. HCM đã "mở cửa" hơn một tháng rưỡi với dịch vụ được kích hoạt. Tuy nhiên thời gian gần đây dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát ở một số địa bàn khi trung bình mỗi ngày ca nhiễm ở TP. HCM dao động con số 1.000. Hôm qua (17/11), thành phố ghi nhận hơn 1.300 ca, nâng tổng số ca bệnh ở đợt dịch thứ tư hơn 451.000 trường hợp, chiếm gần một nửa số ca nhiễm cả nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…