Sang tay 100% gói thầu
Tại biên bản thanh tra số 39/BBTTr-T1 ngày 12/4/2017 về việc thực hiện gói thầu A5 nguồn vốn WB, Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ rõ:
“Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, Công ty POSCO E&C không thực hiện thi công mà thuê thầu phụ 100% toàn bộ công việc. Thậm chí, POSCO E&C còn ký hợp đồng với nhà thầu phụ trước khi được chủ đầu tư chấp thuận”.
Nghiêm trọng hơn, sau khi ký hợp đồng với đơn vị thầu phụ, nhà thầu chính ký điều chỉnh phạm vi công việc, giá trị hợp đồng nhưng vẫn chưa báo cáo tư vấn giám sát và chủ đầu tư. Biên bản thanh tra số 39/BBTTr-T1 ngày 12/4/2017 nêu rõ.
Cụ thể, cách thức thực hiện gói thầu của POSCO E&C, ban đầu, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giao cho Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd thực hiện toàn bộ gói thầu.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty Posco không tổ chức thi công mà bán lại cho các đơn vị khác để hưởng tiền chênh lệch.
Cụ thể, tháng 4/2015, Posco bán lại phần thi công các cầu trong gói A5 cho Liên danh Thiên Ân - Vinaconex với giá hơn 597 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi liên danh nhà thầu Thiên Ân - Vinaconex đang thi công hạng mục khoan nhồi tại cầu Trà Khúc, VD12 và OP24a, đơn vị giám sát phát hiện Công ty Thiên Ân không đủ năng lực nên báo cáo chủ đầu tư.
Sau đó, ban quản lý dự án có văn bản yêu cầu liên danh nhà thầu này dừng thi công gói thầu A5. Tuy nhiên, Công ty Posco sau đó lại tiếp tục chia nhỏ nhiều hạng mục và mời các đơn vị khác vào thi công.
Cụ thể, tháng 4/2016, Công ty Posco ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Incico thi công cầu VD12 (từ mố A1 đến trụ P11). Giá trị hợp đồng là hơn 79,3 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này bổ sung thêm phần thi công cầu Trà Khúc (từ nhịp 11 đến trụ P15).
Tháng 12/2015. Công ty Posco ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 - Cienco8 về việc giao thi công cọc khoan nhồi và kết cấu phần dưới các cầu VD13, ORB29 với giá gần 43 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này được điều chỉnh 2 lần, tăng thêm một số hạng mục nên số tiền lên đến hơn 101 tỷ đồng.
Cũng trong tháng này, Công ty Posco tiếp tục ký hợp đồng với Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1 - Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, về việc thi công cầu Trà Khúc (từ A1 đến cuối nhịp 10) với số tiền 95,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, hợp đồng này cũng được điều chỉnh 2 lần và giá trị hợp đồng lên đến 169 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, giai đoạn cuối 2015 đến hết năm 2016, Công ty Posco còn ký với 14 nhà thầu phụ khác.
Đáng chú ý, tại thời điểm thanh tra, Công ty Posco không báo cáo cho đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư về việc ký hợp đồng và điều chỉnh phạm vi công việc với các nhà thầu phụ.
Biên bản thanh tra số 39/BBTTr-T1 của Thanh tra Bộ GTVT
Trách nhiệm của POSCO E&C đến đâu?
Câu hỏi đặt ra là tại sao sau khi trúng thầu tại sao nhà thầu quốc tế lại thuê toàn bộ thầu phụ trong nước? Hay vị trí của POSCO E&C là chỉ đứng khâu trung gian? Và lợi ích cũng như trách nhiệm của POSCO E&C đến đâu trong việc bán lại thầu?
Lý giải điều này, một chuyên gia nhận định: "Sự việc của Công ty Posco cho thấy nhà thầu chính không thực hiện thi công công trình nhưng lại được hưởng lợi số tiền chênh lệch lớn".
Chuyên gia này chỉ rõ việc bán thầu như trên là một hình thức "cò" dự án để kiếm hoa hồng. Cứ mỗi lần bán thầu, nhà thầu chính (bên bán thầu - PV) được hưởng từ 10 đến 15% giá trị hợp đồng. Nhà thầu chính không phải làm gì nhưng vẫn nhận được tiền hoa hồng. Thất thoát nguồn vốn nằm ở công đoạn này.
"Việc thất thoát nguồn vốn từ B sang B’ rồi đến B’’… dẫn đến đơn vị trực tiếp thi công (nhà thầu phụ cuối cùng) phải "cân - đong - đo - đếm", dùng các vật liệu giá rẻ hơn, thậm chí là bớt xén vật liệu để thi công. Cuối cùng, những hạng mục đó vẫn hoàn thành nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, theo Điểm d, Khoản 1, Điều 9 của Thông tư 09/2016, dù trực tiếp thi công hay thuê nhà thầu phụ thì Công ty Posco phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước chủ đầu tư về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác khi thực hiện gói thầu A5.
Ngoài ra, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013 cũng quy định việc lựa chọn nhà thầu phụ phải được chủ đầu tư chấp thuận. Các hợp đồng thuê nhà thầu phụ phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng mà nhà thầu chính đã ký với chủ đầu tư.
Luật Đấu thầu 2013 cũng đã cấm các hành vi lợi dụng ký kết giữa nhà thầu chính với các nhà thầu khác nhằm chuyển nhượng thầu để trục lợi.
Cụ thể, Khoản 8 của Điều 89 quy định: “Trường hợp nhà thầu chính chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc có giá trị dưới 10% nhưng giá trị hợp đồng có số tiền từ 50 tỷ đồng trở lên cũng bị coi là vi phạm chuyển nhượng thầu”.
Ngoài ra, việc Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (của Hàn Quốc) bán gói thầu A5 (dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cho 18 đơn vị khác là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Gói thầu A5 thuộc phần vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), vì thế có những quy định chặt chẽ về nhà thầu thi công phải là của nước ngoài. Việc bán 100% gói thầu là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Với cách thức làm việc của POSCO E&C thì dòng vốn cuối cùng để làm công trình sẽ còn lại được bao nhiêu là câu hỏi lớn, khi gói thầu đã được thực hiện qua quá nhiều khâu trung gian? Tuy nhiên, hậu quả đã thấy rõ là cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa mới sử dụng đã hư hỏng, chắp vá, gây nhiều bức xúc trong dư luận.