Đại diện của FLC - đơn vị chủ quản sở hữu 100% vốn của Viet Bamboo Airways - cũng đã xác nhận thông tin trên.
Tuy nhiên, hiện Chính phủ đang quy định việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, trước hết phải tuân theo điều luật của Luật Đầu tư: riêng ngành hàng không có 2 lĩnh lực phải xin chủ trương đầu tư của Chính phủ đó là đầu tư xây dựng cảng hàng không sân bay và giấy phép vận chuyển hàng không.
Vì vậy, Cục hàng không đã chuyển hồ sơ lên để Bộ GTVT xem xét, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ báo cáo Chính phủ xin chủ trương cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Sau khi Chính phủ đồng ý, Cục mới tổ chức thẩm định sau đó báo cáo lại với Bộ GTVT theo yêu cầu của Nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không.
Theo Cục Hàng không, tại hồ sơ xin cấp phép, Viet Bamboo Airways có văn bản xác nhận vốn điều lệ 700 tỷ đồng, và có đầy đủ sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp, quyết định bổ nhiệm nhân sự, hợp đồng lao động; Điều lệ hoạt động và thoả thuận về việc thuê máy bay.
Riêng điều kiện về phương án bảo đảm có máy bay khai thác, Bamboo Airway đã ký thoả thuận về việc sẽ thuê 7 máy bay dòng A320 của Airbus để phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, trao đổi với Reuters, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết đang làm việc cùng Airbus để thuê khoảng 7 máy bay cho hãng.
Được biết, định hướng phát triển của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt sẽ là khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, từ các thành phố lớn đến các địa điểm du lịch, các địa điểm du lịch với nhau thay vì tập trung vào các thành phố lớn như các hãng bay hiện tại.
Dự kiến, năm 2018, hãng sẽ "bay" ngang với bốn hãng vận hành khai thác chở khách khác: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.
Theo Nguyên Hồng/Viettimes