Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã bán rẻ dự án Nam Đàn Plaza như thế nào?

Giá trị mỗi mét vuông đất tại dự án Nam Đàn Plaza được xác định khoảng 52 triệu đồng/m2, tuy nhiên Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã bán cho Công ty Minh Ngân với giá chỉ 34 triệu đồng/m2 và chiếm đoạt
Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã bán rẻ dự án Nam Đàn Plaza như thế nào?

Kẻ muốn mua, người muốn bán

Dự án Nam Đàn Plaza nằm trên đường Phạm Hùng, thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án có tổng diện tích đất 9.584 m2, giấy phép xây dựng 44 tầng, tổng mức đầu tư 220 triệu USD (trong đó giá trị xây dựng là 185 triệu USD, giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD). Như vậy đơn giá đất của Nam Đàn Plaza là khoảng 52 triệu đồng/m2.

Dự án Nam Đàn Plaza do Công ty Cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương là chủ đầu tư. Công ty này có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông sáng lập: Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land (12,12 triệu cổ phần, tương đương 50,5%), Công ty Vietsan (6 triệu cổ phần, tương đương 20%), Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính viễn thông Việt Nam – VNPT Land (3,36 triệu cổ phần, tương đương 14%), Công ty TNHH Nam Hà Thành (1,32 triệu cổ phần, tương đương 5,5%) và ông Nguyễn Minh Quý (1,2 triệu cổ phần, tương đương 5%).

PVP Land do Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC nắm 28% vốn điều lệ. Người đại diện của PVC tại PVP Land nắm giữ 2 chức vụ quan trọng nhất là Chủ tịch HĐQT (ông Đào Duy Phong) và Tổng giám đốc (ông Nguyễn Ngọc Sinh). Do đó, về thực chất, số phận của của dự án Nam Đàn Plaza thuộc quyền quyết định của PVC.

Đầu năm 2010, PVP Land đã có tờ trình PVC xin chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. PVC ban đầu đồng ý cho bán vốn, tuy nhiên sau đó lại quyết định sẽ hợp tác cùng PVP Land đầu tư. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, PVC lại đổi ý, chấp thuận bán vốn.

Việc mua bán dự án Nam Đàn Plaza được bắt đầu vào tháng 3/2010, khi Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Ngân) có nhu cầu mua dự án để có phương án đền bù căn hộ cho khách hàng đã bị ông này lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại dự án Thanh Hà Cienco5.

Lê Hòa Bình đã gặp Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do). Duy cho biết có thể giúp Bình mua lại dự án Nam Đàn Plaza dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 57 triệu đồng/m2.

Thông qua môi giới của Duy, Lê Hòa Bình đã gặp Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land) để thỏa thuận mua 100% cổ phần của các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 (từ 57 – 52 triệu đồng/m2), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy sẽ được hưởng.

Trên cơ sở thỏa thuận với Lê Hòa Bình, Đặng Sỹ Hùng đã liên lạc với các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương để xúc tiến việc mua bán cổ phần.

Ngày 24/3/2010, 3 cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương gồm: Chủ tịch HĐQT Han Gi Cheol, Phó giám đốc Công ty Vietsan Thái Kiều Hương và ông Nguyễn Minh Quý đã tới PVP Land để tìm hiểu về khách hàng mua cổ phần.

Tại đây, ông Han Gi Cheol đã không đồng ý việc bán cổ phần do trước đó đã phải mua của PVP Land với giá cao. Để thuyết phục ông Han Gi Cheol, ông Nguyễn Minh Quý đã nói sẽ hỗ trợ một khoản tiền cho Công ty Vietsan.

Theo sự sắp xếp của Đặng Sỹ Hùng và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27/3/2010, Lê Hòa Bình và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã gặp, đàm phán với các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Kết quả, các bên đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc giữa bên mua là Công ty Minh Ngân (do Lê Hòa Bình đại diện) và bên bán là 5 cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Nội dung của hợp đồng đặt cọc nêu rõ Công ty Minh Ngân sẽ đặt cọc 100 tỷ đồng để đảm bảo việc mua 24 triệu cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá chuyển nhượng thống nhất là 20.765,34 đồng/cổ phần (tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza).

Vai trò của Đinh Mạnh Thắng và cái gật đầu của Trịnh Xuân Thanh

Tuy nhiên, theo quy chế về việc quản lý phần vốn của PVC đầu tư vào doanh nghiệp khác, việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương phải được sự đồng ý của PVC. Chính vì vậy, Đặng Sỹ Hùng đã nhờ Thái Kiều Hương tác động để Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh chấp thuận.

Biển quảng cáo dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng

Sở dĩ Hùng nhờ Thái Kiều Hương bởi Hương có quen biết Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) do vậy Hương có thể tác động đến Trịnh Xuân Thanh.

Cuối tháng 3/2010, nhờ sự giúp sức của Thắng, Thái Kiều Hương đã cùng Han Gi Cheol gặp Trịnh Xuân Thanh tại nhà hàng số 1 Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội). Tại cuộc gặp này, Trịnh Xuân Thanh đã chấp thuận việc bán vốn của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Ngày 29/3/2010, Lê Hòa Bình đã chuyển 100 tỷ đồng đặt cọc theo hợp đồng đặt cọc. Bình cũng đồng thời chuyển thêm 5 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Vietsan (theo gợi ý của Đặng Sỹ Hùng và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy). Số tiền này, Vietsan đã chuyển cho Đinh Mạnh Thắng.

Chia nhau hàng chục tỷ đồng

Ngày 30/3/2010, Thái Kiều Hương đưa Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Chủ tịch PVP Land Đào Duy Phong. Tại cuộc gặp, Hương thông báo với Phong rằng Trịnh Xuân Thanh đã chấp thuận việc bán cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, tuy nhiên, giá trên hợp đồng chỉ ghi 35 triệu đồng/m2.

Khoản chênh lệch 5 triệu đồng/m2 sẽ được ăn chia theo cơ cấu: Phong được 10 tỷ đồng, Thanh và Thắng được 19 tỷ đồng.

Đào Duy Phong chấp thuận phương án này và thông báo cho Tổng giám đốc PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh biết.

Nguyễn Ngọc Sinh lập tức ký Tờ trình số 196/PVPL-TT-KTKH trình HĐQT PVP Land phương án bán 12,12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Khoản chênh lệch 1 triệu đồng/m2 này, Nguyễn Ngọc Sinh nói để dùng cho chi phí và Đào Duy Phong đã ký duyệt phương án nêu trên.

Sau đó, ngày 1/4/2010, Đào Duy Phong đã ký tờ trình trình HĐQT PVC về phương án chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 34 triệu đồng/m2. Trịnh Xuân Thanh đã ký Nghị quyết chấp thuận phương án này.

Sau khi có sự đồng ý của Thanh về văn bản, Đào Duy Phong đã ký quyết định cho Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Trên cơ sở các diễn biến trên, ngày 5/4/2010, Lê Hòa Bình đã chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Thoa (kế toán trưởng Công ty Minh Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng và Tư vấn kỹ thuật) ký hợp đồng chuyển nhượng với từng cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương, gồm:

Hợp đồng số 05042010/VNPTL-TRACOTECH giữa Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính viễn thông Việt Nam – VNPT Land và Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng và Tư vấn kỹ thuật. Nội dung: chuyển nhượng 3,36 triệu cổ phần với giá 20.765,34 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza; tổng giá trị chuyển nhượng là 81,8 tỷ đồng.

Hợp đồng số 01/2010/HĐCK-NHT giữa Công ty TNHH Nam Hà Thành và Công ty Minh Ngân. Nội dung: chuyển nhượng 1,32 triệu cổ phần với giá 20.765,34 đồng/cổ phần; tổng giá trị chuyển nhượng là 33,39 tỷ đồng.

Hợp đồng số 05042010/VSI-MINHNGAN giữa Công ty Vietsan và Công ty Minh Ngân. Nội dung: chuyển nhượng 6 triệu cổ phần với giá 21.930 đồng/cổ phần (cao hơn giá thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc do Nguyễn Minh Quý hỗ trợ thêm); tổng giá trị chuyển nhượng là 145,73 tỷ đồng.

Hợp đồng số 01/2010/HĐCN-CT1/5 giữa ông Nguyễn Minh Quý và Công ty 1/5 (do Lê Hòa Bình làm Chủ tịch HĐQT) chuyển nhượng 1,2 triệu cổ phần với giá 18.850 đồng/cổ phần (thấp hơn giá thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc do hỗ trợ Công ty Vietsan); tổng giá trị chuyển nhượng là 28 tỷ đồng.

Các hợp đồng ký trên đây đều thống nhất với hợp đồng đặt cọc nêu trên. Riêng hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN lập ngày 2/4/2010 do Lê Hòa Bình ký với Nguyễn Ngọc Sinh chỉ có giá 13.578 đồng/cổ phiếu (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza); tổng giá trị chuyển nhượng là 191,97 tỷ đồng. So với mức giá bán chung thì giá trị hợp đồng giảm tới 87,1 tỷ đồng.

Thực tế, Nguyễn Ngọc Sinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Lê Hòa Bình vào ngày 5/4/2010 (cùng thời điểm với các hợp đồng nêu trên) chứ không phải ngày 2/4/2010.

Nguyễn Ngọc Sinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng khi Chủ tịch PVP Land Đào Duy Phong chưa ký quyết định phê duyệt cho Tổng giám đốc được ký hợp đồng. Việc Sinh ký hợp đồng khi chưa có văn bản phê duyệt của Chủ tịch PVP Land và việc ghi ngày trong hợp đồng không đúng cho thấy Sinh đã có mục đích gian dối ngay từ đầu để đối phó với cơ quan chức năng về sau.

Thực hiện 5 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nêu trên, ngày 6/4/2010, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa đã làm các thủ tục, ký chứng từ thanh toán 50% giá trị hợp đồng cho các cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Riêng PVP Land được thanh toán 52% (100 tỷ đồng), còn nợ 91,97 tỷ đồng.

Như vậy có thể nói, tính đến ngày 6/4/2010, Công ty Minh Ngân đã là ông chủ mới của dự án Nam Đàn Plaza.

Theo Vietnamfinance.vn

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…