TS. Võ Trí Thành: Phụ nữ có tất cả những tố chất của người kinh doanh

“Tôi cảm thấy thú vị với những người phụ nữ làm kinh doanh. Họ có tất cả những gì mà người kinh doanh cần, từ sự linh hoạt, nhạy cảm, khả năng vượt khó và cả sự tinh tế”.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh không ngần ngại dành những lời đặc biệt khi nói về những nữ doanh nhân.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh

Mạch ngầm luôn chảy

Võ Trí Thành vốn là một chuyên gia về hội nhập kinh tế quốc tế. Ông đi nhiều, nghiên cứu nhiều những vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ... Vào thời điểm hiện tại, hai vấn đề có thể trao đổi với ông hàng giờ, đó là tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung có vẻ lắng lại do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và những chuyển dịch của dòng chảy thương mại, đầu tư toàn cầu và Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) gần như chắc chắn có hiệu lực vào tháng 7/2020 tới đây.

“Trong sự bất định này, một cách rất tự nhiên, quyền năng của người phụ nữ lên ngôi. Trời phú cho người phụ nữ những tố chất để có mặt và nổi lên ở những nơi khó khăn, những lúc khó khăn. Doanh nhân nữ cũng vậy”, ông Thành nói. 

Khi nói về doanh nhân nữ ở Việt Nam vào lúc này, điều gì đầu tiên ông muốn nhắc đến?

Tôi thực sự muốn nhắc đến những người phụ nữ đang làm chủ hộ kinh doanh, các DN nhỏ, những người trẻ đang khởi nghiệp. Ở họ, tôi nhìn thấy sự linh hoạt, sự nhạy cảm và khả năng vượt khó của người phụ nữ.

Luôn là như vậy, cứ khi nào nền kinh tế khó khăn, sức mua giảm, thì ở đó, sức mạnh của những người phụ nữ nổi lên. Họ chèo lái kinh doanh, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội, dù nhỏ nhất, để đưa mọi sự xáo trộn vào quỹ đạo.

Có thể đó là bản năng của người phụ nữ nói chung. Nhưng ở Việt Nam, những đức tính về sự chịu đựng, linh hoạt, đảm đang... của phụ nữ dường như lại được trui rèn, nên nổi trội hơn. Nhìn vào số lượng DN, hộ kinh doanh có nữ làm chủ theo thống kê, có thể tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 25% theo như con số của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng công bố, nhưng thực tế điều hành có khác và quan trọng là, trong những DN đó, sự phát triển thường đi đôi với bền vững, với trách nhiệm xã hội... một cách rõ nét hơn.

Chúng tôi vẫn nói đùa, họ như những người ba đầu sáu tay, có thể đảm đương mọi việc một cách đáng ngưỡng mộ.

Các nữ Doanh nhân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại một sự kiện dành cho Nữ doanh nhân do VCCI tổ chức
Các nữ Doanh nhân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại một sự kiện dành cho Nữ doanh nhân do VCCI tổ chức

Ông Thành không phải là những người đầu tiên nói như vậy. Chỉ cần bước chân ra đường, vào những khu chợ khắp nơi trên cả nước, thậm chí trên các trang bán hàng online, sẽ thấy rõ mạch ngầm quyền lực của những người phụ nữ trên thương trường.

Hơn 20 năm trước, khi VCCI khởi xướng chương trình trách nhiệm xã hội của DN (CSR), những DN đầu tiên hưởng ứng là DN của các nữ doanh nhân… Khi đó, lý do thuyết phục các DN này muốn thực hiện các yêu cầu của CSR, chấp nhận bỏ thêm nhiều chi phí, chấp nhận đi chậm hơn trong nhiều kế hoạch kinh doanh phần nhiều vì thấy có lợi cho người lao động trong DN, chứ chưa hẳn là những giá trị cho thương hiệu, cho DN sau này.

Cứ khi nào nền kinh tế khó khăn, sức mua giảm, thì ở đó, sức mạnh của những người phụ nữ nổi lên. Họ chèo lái kinh doanh, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội, dù nhỏ nhất, để đưa mọi sự xáo trộn vào quỹ đạo - TS Võ Trí Thành.

Có lẽ đây là một phần lý do mà bà Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành (COO) của Facebook đã từng nói khi khuyến nghị chính sách với Chính phủ Việt Nam rằng, nếu đầu tư vào phụ nữ, họ sẽ đầu tư lại cho gia đình và sẽ làm được rất nhiều điều kỳ diệu.

Định kiến chưa xóa bỏ

Ở một góc độ khác khi nhìn vào khuyến nghị trên của bà Sheryl Sandberg, có thể thấy ẩn khuất những khó khăn của những người phụ nữ trong kinh doanh.

Bà Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành (COO) của Facebook
Bà Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành (COO) của Facebook

Tại cuộc hội thảo mới đây về dự án “Phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới”, thực hiện trong giai đoạn 2020-2023, bà Từ Thu Hiền - Nhà sáng lập, Giám đốc CTCP Xã hội Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) đã phải nhắc tới những rào cản vô hình từ xã hội mà các doanh nhân nữ đang phải gánh chịu hàng ngày khi khởi nghiệp, đó là sự không ủng hộ của gia đình khi phụ nữ khởi nghiệp, nhất là khi gặp khó khăn trong khởi nghiệp.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tại Việt Nam, một tuần phụ nữ phải dành thêm 14 giờ so với nam giới cho công việc gia đình. Họ bị bất lợi và luôn bị tạo ra khoảng cách với đàn ông.

Còn nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) cho thấy, chỉ có 37% các nữ chủ DN tiếp cận được tài chính của ngân hàng trong khi với nam giới là 47%...

“Trong khi nếu là nam, bạn sẽ được ủng hộ, thậm chí là nhận được sự hỗ trợ về tài chính của gia đình. Tâm lý xã hội cho thấy, phụ nữ phải chứng minh bằng kết quả thực sự trong khi nam giới chỉ cần chứng minh bằng kỳ vọng”, bà Hiền nói.

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu công bố vào cuối năm 2019, nếu như xóa bỏ được khoảng cách giới, GDP sẽ tăng từ 3-6%, con số này cho thấy tiềm năng cửa phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực lao động, nếu xóa bỏ được khoảng cách giới thì GDP trên đầu người sẽ tăng từ 15-17% ở các nước phát triển và đang phát triển.

Đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp, đầu tư vào các start-up nữ, các start-up có founder do nữ sáng lập thì đem lại hiệu quả đầu tư cao hơn 63% so với người sáng lập là nam giới. Và phụ nữ tạo ra lợi nhuận trên đầu tư cao hơn 35%, tạo ra doanh thu cao gấp đôi trên mỗi suất đầu tư so với nam giới.

“Những nghiên cứu trên chỉ có quy mô nhỏ và được thống kê tại quốc tế mà chưa có tại Việt Nam. Nhưng tôi tin tưởng rằng nó cũng phản ảnh một thực trạng nào đó và cũng tưởng đồng về mặt xu hướng với nghiên cứu mà Oxfam đã thực hiện ở Việt Nam khi tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa”, bà Hiền nói thêm,

Dấu ấn doanh nhân nữ

Bàn về cơ hội của kinh tế Việt Nam trong lộ trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như cơ hội từ nền kinh tế số, ông Thành không cho rằng có sự ưu ái hay thuận lợi riêng có dành cho các doanh nhân nữ.

Ngay vào thời điểm này, khi CSR đã thành một tiêu chí gần như tất yếu để đánh giá sự nghiệp của doanh nhân, thì các doanh nhân nữ Việt cũng có những lý giải thực sự nhân văn và đậm tính nữ.

''Nếu đầu tư vào phụ nữ, họ sẽ đầu tư lại cho gia đình và sẽ làm được rất nhiều điều kỳ diệu - Bà Sheryl Sandberg" - Giám đốc điều hành (COO) của Facebook

Nữ tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã bắt đầu sự nghiệp với Vietjet Air bằng giấc mơ mỗi người dân Việt Nam đều có thể đi máy bay…

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á cũng bước chân vào ngành thực phẩm, trở thành người sáng lập TH true Milk bởi mong muốn trẻ em có quyền uống sữa sạch… Bà cũng đang tiến sang lĩnh vực giáo dục và sức khỏe, bệnh viện… bằng những tâm tư của một người mẹ dành cho con mình...

Nhưng đây lại là lý do ông dành sự ngưỡng mộ cho các doanh nhân nữ đang làm nên những dấu ấn đặc biệt trong nền kinh tế.

Trong nhóm các doanh nhân nữ nổi tiếng của Việt Nam, ông ấn tượng nhất với ai?

Tôi muốn nhắc tới bà Thảo Vietjet, bà Đặng Thị Minh Phương, CEO của MP Logistics, bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Amerasian Shipping Logistics...

Điểm chung của họ là những nữ doanh nhân quyền lực trong lĩnh vực logistics, lĩnh vực tưởng như dành cho đàn ông, khi đòi hỏi phải đi nhiều, các mối quan hệ chằng chịt và không dễ kiểm soát.

Điều gì khiến ông nhắc đến họ?

Điểm thú vị là trong ngành này, nữ CEO chiếm trên một nửa, một tỷ lệ rất cao. Có thể thấy những đánh giá truyền thống về lợi thế của phụ nữ trong kinh doanh đã thay đổi. Phụ nữ linh hoạt, mềm nắn, rắn buông, “ba đầu sáu tay” nên có thể tạo nên được sự thông suốt của hệ thống mạng lưới, sự đa dạng của các dịch vụ trong lĩnh vực này, từ vận tải đa phương thức, đến kho bãi...

Báo cáo “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Nhận thức và Tiềm năng” của IFC năm 2017
Báo cáo “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Nhận thức và Tiềm năng” của IFC năm 2017

Đây cũng là lý do tôi muốn nói đến thế mạnh của phụ nữ trong thời đại 4.0, cho dù không có sự phân định hay thiên vị nào về giới tính ở đây. Lý do là nền kinh tế số thực ra là một sự sao chép, hay nói chính xác là một giao diện phản ánh khác của kinh tế thực. Sự kinh doanh sẽ vẫn dựa trên những nguyên lý cơ bản của thị trường, những tác động bên trong, bên ngoài của thời cuộc... nhưng đòi hỏi cả yếu tố linh hoạt, kiên nhẫn và sáng tạo – thế mạnh của phụ nữ.

Nhưng trong bước chuyển đổi, thường là khó khăn, phụ nữ sẽ có thiên hướng chọn con đường đi nhân văn, tinh tế để phát triển, thay vì các cuộc chiến một mất, một còn. Tôi tin như vậy.

Nền kinh tế nhờ vậy sẽ không chỉ phát triển bền vững theo hướng đi cùng thời đại song hành với các nỗ lực tăng sức chống chịu theo hướng nhân văn nhưng không kém sự quyết liệt, sáng tạo.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...