Từ vụ WHAUP khởi kiện Aqua One: Những bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt Nam!

Việc WHAUP đệ đơn kiện lên VIAC và yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần đặt ra rất nhiều bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Aqua One đang gặp rất nhiều bất lợi

Mới đây, WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) đã gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), Công ty WHAUP (SG) 2DR, một công ty con của WHAUP, đã gửi đơn kiện Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), liên quan đến vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần.

Theo Thỏa thuận mua bán cổ phần, WHAUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình trong Công ty CP Công ty Sông Đuống (Công ty Sông Đuống) cho Aqua One, cổ đông lớn của Công ty Sông Đuống, trong trường hợp công ty này không cung cấp cho WHATUP (SG) 2DR Giấy chứng nhận đầu tư đã sửa đổi trước ngày 25/10/2020 với nội dung nâng công suất từ 300.000 m3/ngày đêm lên là 600.000 m3/ngày đêm. Giá bán cổ phần được tính bằng giá mua 1.886,27 tỉ đồng mà WHAUP (SG) 2DR đã thanh toán cộng với giá vốn ghi sổ.

Bình luận về vụ việc này, Luật sư Hà Thị Khuyên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Đối chiếu với trường hợp này, phía WHAUP đã đệ đơn kiện lên VIAC vào ngày 30/9/2021 và yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ của mình theo các điều khoản trong hợp đồng mua bán cổ phần, đây là quyền và nghĩa vụ của các bên (bên mua và bên bán cổ phần), các bên được quyền sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có thể sử dụng bên giải quyết tranh chấp là Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.

Vẫn theo Luật sư Khuyên, để xác định được bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần phải xem xét rõ nội dung hợp đồng với các điều khoản cụ thể như: Đối tượng hợp đồng có được phép mua bán không, đối tượng có được cụ thể trong hợp đồng không; Số cổ phần chuyển nhượng, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên có được quy định cụ thể không; Các điều khoản miễn trừ trách nhiệm có được quy định trong hợp đồng không; Các trường hợp được tạm dừng thực hiện hợp đồng, các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng, các trường hợp bất khả kháng được quy định là những trường hợp nào và áp dụng ra sao; Pháp luật áp dụng khi xảy ra tranh chấp; Chế tài áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng (phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại).

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Hội Luật gia Việt Nam (VLCAC) bày tỏ, trong vụ việc này, tôi cảm thấy rất tiếc hay nói đúng hợn là buồn. Bởi, Aqua One bị đối tác nước ngoài khởi kiện với lý do không thực hiện đúng cam kết theo thỏa thuận hợp đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Aqua One nói riêng cũng như doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo quy định hiện hành, với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài. Sau khi người có yêu cầu nộp đơn và hồ sơ khởi kiện tại Trung tâm trọng tài và được Trung tâm trọng tài thụ lý đơn khởi kiện thì Trung tâm trọng tài gửi cho Bị đơn bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo.

Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ…

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thông tin về việc thụ lý đơn Công ty WHAUP cũng như các thông tin khác liên quan đến việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thông thường trong các vụ tranh chấp thương mại, thì sẽ căn cứ vào những thoả thuận trong hợp đồng đã ký kết để phân xử đúng sai. Trong vụ việc này, nếu chỉ nhìn vào thông tin khởi kiện mà WHAUP công bố thì Aqua One đang gặp khá nhiều bất lợi.

Bởi, theo như thoả thuận, WHAUP mua lại 34% cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng với giá 1.886 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ baht. Phía WHAUP được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình trong Nhà máy Nước mặt Sông Đuống cho Công ty Cổ phần nước Aqua One, với giá đã mua cộng với chi phí ghi sổ theo quy định trong hợp đồng nếu CTCP Nước mặt Sông Đuống không chuyển cho WHAUP giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi trước ngày 25/10/2020, bao gồm nội dung nâng công suất khai thác của công ty Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.

Aqua One đang gặp rất nhiều bất lợi khi bị WHAUP khởi kiện
Aqua One đang gặp rất nhiều bất lợi khi bị WHAUP khởi kiện

Tuy nhiên, Nước mặt Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không cung cấp được giấy chứng nhận đúng thời hạn. Chính điều này khiến cho WHAUP kích hoạt điều khoản quyền bán lại này.

Theo đó, ngày 23/11/2020, WHAUP đã gửi thông báo cho Aqua One, yêu cầu Aqua One có nghĩa vụ mua toàn bộ cổ phần từ WHAUP trước ngày 7/6/2021 theo thỏa thuận mua bán cổ phần. Thế nhưng, Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ mua cổ phần theo như thỏa thuận trước đó.

Như vậy, với cáo buộc từ WHAUP thì Aqua One đã không thực hiện đầy đủ các cam kết cũng như nghĩa vụ theo như thoả thuận. Điều này có thể khiến Aqua One phải chịu những hệ quả pháp lý rất bất lợi nếu bị xử thua kiện như buộc thực hiện nghĩa vụ. Thậm chí có thể phải chịu chế tài như phạt vi phạm hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại nếu có.Đây là một bài học đau sót đối với Aqua One cũng như Doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn ký kết hợp đồng với nước ngoài.

Những bài học đặt ra cho doanh nghiệp Việt

Trong câu chuyện hợp tác giữa các doanh nghiệp với các nhà đầu tư thì vai trò của nhà tư vấn về tài chính cũng như tư vấn về pháp lý là không thể thiếu. Ở những nước phát triển trong các thương vụ mua bán hay là đầu tư thì bao giờ cũng có sự tham gia của các nhà tư vấn về tài chính và tư vấn về pháp lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, một thương vụ đầu tư vốn tư nhân hay là mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ rất phức tạp và nhiều điều khoản cần phải đàm phán rất chi tiết và chặt chẽ khi ký hợp đồng.

Trong khi các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài luôn có đội ngũ nhà tư vấn tài chính, pháp lý chuyên nghiệp tham gia ngay từ đầu để ràng buộc các yêu cầu và đưa cam kết của chủ doanh nghiệp vào hợp đồng.

Luật sư Hà Thị Khuyên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Luật sư Hà Thị Khuyên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Trái lại tại Việt Nam, rất nhiều các chủ doanh nghiệp thường quá tin vào mình hoặc là quá tiết kiệm, họ làm doanh nghiệp thành công nên họ tự tin là sẽ làm được và đưa ra những cam kết mà bản thân họ cũng không chắc chắn có thực hiện được hay không. Họ cũng không có thói quen thuê luật sư chuyên ngành thực hiện soạn thảo rà soát hợp đồng. Khi xảy ra tranh chấp, tòa án hay trọng tài sẽ căn cứ vào hợp đồng đã ký với nhau để xử và tất nhiên khó tránh khỏi những hệ quả pháp lý bất lợi.

Đồng quan điểm, Luật sư Hà Thị Khuyên cũng cho rằng, hiện nay các quy định pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư đã quy định quyền và nghĩa vụ khá bình đẳng giữa các nhà đầu tư; các quy định pháp luật này đã tạo hành lang pháp lý, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, các quy định này được ghi nhận tại các văn bản như: Cam kết WTO và các Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc gia nhập; Luật Đầu tư 2020; Luật doanh nghiệp 2020; Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp.

Bởi vậy mà nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận và khuyến khích thực hiện hoạt động đầu tư vào Việt Nam, một trong những hình thức đầu tư phổ biến vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài đó là: Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp.

Luật sư Khuyên nói: hoạt động chuyển nhượng cổ phần được pháp luật thừa nhận và điều chỉnh, dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện của các bên mua tham gia hoạt động mua bán cổ phần, để tránh các rủi ro pháp lý xảy ra, ngoài nắm chắc pháp luật liên quan đến mua bán cổ phần và đưa các điều khoản như tôi đề cập trên vào hợp đồng, các bên còn cần đánh giá năng lực của nhau thông qua hồ sơ năng lực, điều kiện pháp lý, lịch sử mua bán chuyển nhượng cổ phần để xem lỗ hổng nào hay dẫn tới phát sinh các tranh chấp để quy định rõ trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, đó được xem là giải pháp tối ưu để hạn chế rủi ro phát sinh tranh chấp.

Các bên có thể sử dụng đến một bên thứ 3 là Luật sư phụ trách việc rà soát và soạn thảo hợp đồng để đảm bảo hợp đồng tuân thủ đúng quy định pháp luật, phản ánh đầy đủ các nội dung cần đưa vào để hạn chế thấp nhất rủi ro khi xảy ra tranh chấp; do khi xảy ra tranh chấp các bên buộc phải đưa ra các tài liệu, chứng pcứ để chứng minh cho việc khởi kiện của mình là đúng và hợp pháp nên các bên mua bán cổ phần cần bảo vệ mình trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mua bán cổ phần, nhất là mua bán cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm