VACOD-HBA chuẩn bị tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Hai hiệp hội có thể sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Trung ương tổ chức một hội nghị toàn quốc vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/2025. Nhằm vừa đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân thông qua đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

g1.jpg

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 5/4, Chủ tịch VACOD-HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn cùng các nhà hoạch định chiến lược, các chuyên gia đã thảo luận, đưa ra định hướng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đất nước đang đối diện với nhiều thách thức. Tham dự chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hằng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng thư ký VCCI; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực VACOD; bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA…

KẾT NỐI KHÔNG GIỚI HẠN CÙNG VACOD-HBA

Mở đầu chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 5/4, Chủ tịch VACOD-HBA TS Nguyễn Hồng Sơn đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước, những trăn trở, áp lực đối với cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế hiện tại, đặc biệt sau khi Mỹ quyết định áp thuế đối ứng với 180 quốc gia hôm 2/4, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế cao nhất.

Chủ tịch Sơn cũng đặc biệt nhấn mạnh phản ứng nhanh chóng và kịp thời, bình tĩnh, chủ động của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn về các biện pháp ứng phó và thành lập các tổ phản ứng nhanh trên nhiều lĩnh vực, chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới.

Ông Sơn đặc biệt nhắc đến một diễn biến quan trọng diễn ra vào tối 4/4: Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Đảng và Nhà nước điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đạt được sự thống nhất về việc hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề thuế quan dự kiến áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động đầu tư kinh doanh giữa hai nước, hướng tới việc ký kết hiệp định song phương.

Theo kế hoạch, phái đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam sẽ sớm lên đường sang Mỹ để tiến hành công tác đàm phán. Chủ tịch Sơn nhấn mạnh phản ứng nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả của Việt Nam, thể hiện qua việc hai bên đã thống nhất ngồi lại đàm phán, hứa hẹn những kết quả tích cực.

g2.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình Bữa sáng Doanh nhân

Chủ tịch Sơn thông báo, hai Hiệp hội cũng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, tối đa hóa hiệu quả kinh doanh và kích cầu tiêu dùng cả trong nước và quốc tế. Ngay chiều 4/4, Hiệp hội đã nhận được và chuyển đến tất cả các doanh nghiệp hội viên Chỉ thị 08 vừa được Bộ trưởng Công Thương ký ban hành. Văn bản này đề cập đến các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng. Mục đích chính là tạo thêm kênh tiêu thụ nội địa cho sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm giảm thiểu rủi ro và ảnh hưởng từ những chính sách thị trường quốc tế chưa kịp thích ứng.

Tuần qua tiếp tục là một tuần hoạt động đối ngoại hết sức sôi động của HBA-VACOD, nhất là nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài. Mới đây, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đã trực tiếp làm việc với Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Canada, người đang tìm kiếm nguồn hàng Việt Nam để đưa vào các siêu thị châu Á ở Canada. Ông đã giới thiệu nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA phía Nam để làm việc trực tiếp. Qua sự kết nối của TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và tỉnh Sóc Trăng đã có sự kết nối và thỏa thuận giao thương hàng hóa với các doanh nghiệp đến từ Canada.

Chủ tịch Sơn cũng thông tin về Hội nghị kết nối giao thương Việt - Nga được tổ chức chiều ngày 2/4 vừa qua. Hai hiệp hội đã phối hợp đón đoàn Hiệp hội các Nhà nhập khẩu, xuất khẩu của Liên bang Nga với 5.000 hội viên sang làm việc và trực tiếp đề xuất tổ chức sự kiện này.

Mặc dù thời gian chuẩn bị rất gấp, hai hiệp hội đã nỗ lực sắp xếp và tổ chức thành công buổi tọa đàm với sự tham gia của 15 doanh nghiệp Nga và hơn 30 đại biểu đại diện cho 25 doanh nghiệp Việt Nam. Phó Chủ tịch HBA Bùi Hải Yến và Phó Chủ tịch Thường trực VACOD Nguyễn Thị Thu Thủy đã điều hành buổi làm việc. Sự kiện đã đạt được những hiệu quả tích cực và hiện phía Nga đang có những đề xuất hợp tác tiếp theo với doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, phía Hiệp hội Các nhà xuất khẩu, nhập khẩu Nga đang đề nghị hiệp hội giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản, hải sản, vì họ muốn vừa xuất khẩu sang Việt Nam vừa thu mua các sản phẩm này.

Chủ tịch Sơn đề nghị ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Bộ Công Thương hỗ trợ cung cấp thông tin về các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực này để Hiệp hội có thể giới thiệu cho đối tác Nga.

Ông Sơn cũng đề cập đến việc phía VACOD-HBA hiện có thông tin về một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhưng hiệp hội cần đánh giá kỹ hơn về độ tín nhiệm trước khi cung cấp thông tin cho đối tác.

Về chương trình công tác năm, người đứng đầu VACOD-HBA thông tin, theo kế hoạch thường niên, hai hiệp hội dự kiến tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư vào tháng 4 hoặc tháng 5. Tuy nhiên, kế hoạch này đang phải chờ đợi lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp tỉnh.

g3.jpg

Do các tỉnh hiện đang tập trung nguồn lực cho việc tinh gọn bộ máy, nên chưa thể triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư như dự kiến. Tuy nhiên, trước tình hình cấp bách hiện tại, bao gồm cuộc cách mạng đột phá phát triển khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57 và sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà hai Hiệp hội đã có những kiến nghị, cùng với các chương trình đang được Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và Chính phủ xây dựng, Hiệp hội dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch.

Thay vì tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch như trước, hai hiệp hội có thể sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương để tổ chức một hội nghị kết hợp. Mục tiêu là vừa đánh giá tình hình, vừa đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân thông qua đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với tinh thần đó, VACOD-HBA sẽ liên hệ với các chuyên gia và cơ quan liên quan để tổ chức hội nghị này. Dự kiến hai hiệp hội phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương để tổ chức hội nghị tại Mũi Né, Bình Thuận vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/2025.

Hiệp hội sẽ phối hợp với địa phương để thu thập ý kiến đóng góp chính thức từ doanh nghiệp và các tư vấn liên quan đến hội nghị. Lãnh đạo hiệp hội cũng mong muốn nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại học Quốc gia và đặc biệt là đội ngũ chuyên gia hàng đầu như TS Nguyễn Đức Kiên…

Chủ tịch Sơn nhận thấy rằng các vấn đề nóng của đất nước như đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân, đã được đề cập nhiều lần trong các buổi Bữa sáng Doanh nhân từ đầu năm, nhưng cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, tiếp cận và phát huy các chương trình này. Liên quan việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân để trở thành một trong những động lực phát triển quan trọng nhất, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ ngay sau khi tham gia hội nghị do Tổng Bí thư Đỗ Lâm chủ trì, Hiệp hội đã có những động thái cụ thể.

“Sự cần thiết ngay lúc này là phải nhanh chóng cân nhắc các giải pháp, đồng hành cùng Chính phủ để vượt qua những thách thức về thuế, giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động và đạt được mục tiêu kinh doanh. Mục tiêu chung là duy trì tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay và hướng tới mục tiêu phát triển hai con số trong giai đoạn 2030 -2045”, TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TỪ TRUNG QUỐC

Trong phần trao đổi tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 5/4, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã đã thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp khi phân tích sâu sắc hai "tâm điểm" kinh tế hiện nay: Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và những phản ứng chiến lược của Việt Nam trước mức thuế đối ứng 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố.

g4.jpg
PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương chia sẻ tại chương trình

Nội dung thứ nhất, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn mang đến những thông tin giá trị về chuyến công tác đầy ý nghĩa mà ông được tham gia, tới hai tỉnh kinh tế trọng điểm của Trung Quốc là Chiết Giang và Quảng Đông, diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua. Những chia sẻ này hé lộ nhiều bài học kinh nghiệm thu nạp từ các địa phương có lượng doanh nghiệp tư nhân rất lớn và thành công tại Trung Quốc. Đó là những bài học về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển các mô hình kinh tế mới như khu thương mại tự do, khu công nghệ cao… nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ông cho biết, trong các cuộc gặp gỡ, phía Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu và tôn trọng thị trường trong mọi chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Họ cho rằng, chỉ khi nắm vững quy luật thị trường, các chính sách mới thực sự hiệu quả.

Từ những điều đúc kết từ chuyến công tác Trung Quốc, Ông cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng những kinh nghiệm của nước bạn để tham khảo, học hỏi và vận dụng, phục vụ cho việc tham mưu xây dựng một nghị quyết mang tính đột phá, thiết thực và có thể triển khai hiệu quả ngay sau khi được ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

“Vì vậy, tôi kêu gọi các doanh nhân, những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, hãy mạnh dạn đề xuất các kiến nghị chính sách thông qua hai Hiệp hội để kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng. Việc nắm bắt thực tế từ cuộc sống để đưa vào nghị quyết là vô cùng quan trọng, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương gửi gắm thông điệp đến các doanh nghiệp hội viên của VACOD-HBA.

Nội dung lớn thứ hai, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đề cập trong chương trình là những ứng phó chiến lược của Việt Nam trước mức thuế đối ứng 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt đối với hàng hoá của Việt Nam.

Ông chia sẻ rằng, việc Mỹ áp thuế không nằm ngoài dự đoán của Chúng ta, nhưng điều bất ngờ là mức thuế lại cao đến vậy. Đáng chú ý, không chỉ Việt Nam mà cả hai nước láng giềng là Campuchia và Lào cũng chịu mức thuế rất cao, tương ứng theo thứ tự là 49% và 48%

Tuy nhiên, theo ông, hiện Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán mức thuế đối ứng. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, với sự chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng và linh hoạt từ cấp cao nhất.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp cũng nên xem đây là một cơ hội mới. Ông Sơn nhận định rằng, những tổ chức hay cá nhân xuất sắc thường xem các cú sốc như cơ hội để cải cách và đổi mới. Trước khi đối mặt với cú sốc bên ngoài này, Việt Nam cũng đã có những thay đổi mang tính cách mạng, ví dụ như việc tinh gọn và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị và sắp tới là tổ chức hành chính các địa phương. Cú sốc mạnh từ bên ngoài này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cải cách, đổi mới, hoạt động và tư duy theo những cách mới, khác biệt. Về mặt hành động, một trong những điều cần làm đối với các doanh nghiệp là đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hoá và dịch vụ.

g5.jpg

“Để đạt được điều này, việc đổi mới quản trị, ứng dụng công nghệ mới đóng vai trò then chốt. Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị khoá XIII về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang mở ra cơ hội để thực hiện điều này. Tôi khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, cố gắng và nỗ lực hơn nữa trong ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng lực quản trị để có thể nâng cao giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”, PGS Sơn đưa ra định hướng.

Nói thêm về khả năng hợp tác triển khai hội thảo tại Bình Thuận với VACOD-HBA được TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch hai Hiệp hội, đề cập đầu chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn thể hiện sự đồng tình và đề nghị VACOD-HBA có công văn chính thức gửi Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Sau phần chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA bày tỏ kỳ vọng với vai trò xây dựng đề án tham mưu cho Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương sẽ sớm đưa ra những chính sách cụ thể, chi tiết hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh.

ĐỒNG HÀNH CÙNG BỘ CÔNG THƯƠNG, CHÍNH PHỦ ĐẨY MẠNH TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC

Trong khuôn khổ Chương trình Bữa sáng Doanh nhân, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chia sẻ quan điểm của ngành Công Thương về các vấn đề kinh tế nổi bật, đặc biệt là những động thái liên quan đến chính sách thuế quan thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

g6.jpg
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Ông Tuấn nhấn mạnh vai trò trực tiếp của hai hiệp hội trong việc phát triển ngành hàng tiêu dùng và hoạt động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp VACOD-HBA. Ông quả quyết cần phải xác định rõ kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" hay "một trong những động lực quan trọng nhất" cho tăng trưởng kinh tế. Theo quan điểm của ngành Công Thương, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, phát triển hàng tiêu dùng và phân phối bán lẻ, ông khẳng định mạnh mẽ kinh tế tư nhân chính là động lực quan trọng nhất, vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chiều ngày 2/4 vừa qua, Chính phủ đã họp để thảo luận về dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân. Mặc dù dự thảo tại thời điểm đó chưa thể hiện rõ quan điểm của ngành Công Thương, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển hàng tiêu dùng và thị trường trong nước, nhưng Bộ Công Thương đã nhanh chóng ghi nhận những ý chính cần thiết. Tinh thần chung là Bộ Công Thương mong muốn tổ soạn thảo nghị quyết quan tâm và đưa vào văn bản quan điểm của Bộ, trong đó khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong phát triển thị trường nội địa. Tập trung vào các nhóm ngành hàng tiêu dùng cụ thể, xây dựng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt, đồng thời tạo điều kiện kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ông cũng bày tỏ hy vọng những nội dung này sẽ được xem xét và ghi nhận trong các bước thẩm định tiếp theo của Ban Chỉ đạo Trung ương. “Tôi xin phép chia sẻ ngắn gọn về vấn đề nghị quyết, nhấn mạnh đây là văn kiện quan trọng thể hiện tầm nhìn và quan điểm trong bối cảnh mới, tương tự như nghị quyết khóa 10 về vai trò của kinh tế tư nhân”, ông Tuấn bày tỏ.

Về một vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm là động thái của Bộ Công Thương đối với chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ, ông kêu gọi sự bình tĩnh của doanh nghiệp, đồng thời lưu ý rằng không phải tất cả hàng hóa Việt Nam đều chịu mức thuế cao như nhau. Ông Tuấn cho biết, có những trường hợp ngoại lệ và loại trừ cụ thể được quy định trong văn bản do Tổng thống Trump ký, tuy nhiên ông không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật của từng điều khoản. Ông dẫn ví dụ về một số nhóm ngành và mặt hàng có khả năng được miễn trừ khỏi mức thuế 46%, bao gồm ô tô, ngành thép, chất bán dẫn, một số sản phẩm nông nghiệp, luyện kim, và đặc biệt là ngành gỗ và đồ gỗ xuất khẩu.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, vấn đề được quan tâm nhất lúc này chính là quá trình đàm phán giữa hai nước để đi đến quyết định cuối cùng, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và người dân. Ông Tuấn đề cập đến cuộc điện đàm ngay trong đêm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, xem đây là một tín hiệu tích cực như Thủ tướng đã nhận định.

Ông Tuấn nhìn nhận việc Tổng thống Trump đăng tải thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo lên mạng X (Twitter trước đây), một kênh truyền thông quan trọng của ông Trump, cho thấy tầm quan trọng của sự kiện. Thông thường, khi Mỹ đưa ra các quyết định về thương mại, nhiều quốc gia sẽ tìm cách liên hệ và gặp gỡ. Tuy nhiên, một cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Việt Nam lại được Tổng thống Trump công khai cho thấy điều này không phải ngẫu nhiên và có ý nghĩa nhất định.

Không đi sâu vào nội dung cụ thể về vấn đề đàm phán mà ông Tuấn chỉ thông tin rằng phái đoàn Việt Nam sẽ làm việc ở cấp kỹ thuật trong thời gian sớm nhất để giải quyết các vấn đề liên quan. Ông Tuấn khẳng định Việt Nam luôn hướng đến một mối quan hệ thương mại hài hòa, công bằng và lành mạnh với Mỹ.

Về phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng, Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025 vào ngày 4/4. Ông Tuấn giải thích để ban hành một chỉ thị như vậy cần tuân thủ quy trình nội bộ và thủ tục pháp lý mất nhiều tuần. Tuy nhiên, ngay sau động thái áp thuế của Mỹ, Bộ Công Thương đã kịp thời hoàn tất các thủ tục pháp lý để ban hành Chỉ thị 08. Chỉ thị 08 đưa ra nhiều định hướng, giải pháp từ Bộ Công Thương. Và không chỉ dừng lại ở chỉ thị, sắp tới Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức các hội nghị trên toàn quốc để bàn về các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng.

Ông Tuấn cảm ơn Chủ tịch Sơn đã nhanh chóng thông báo đến các hiệp hội và thành viên, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc truyền đạt thông tin này đến không chỉ các hiệp hội lớn mà còn các hiệp hội doanh nghiệp ở các địa phương. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến từ cơ sở, từ chính các doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và phản ánh thông qua Hiệp hội tại các hội nghị, Bộ Công Thương cam kết sẽ giải quyết trong phạm vi thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Bộ sẽ đề xuất lên cấp cao hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh việc Bộ Công Thương luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Nói thêm về động thái ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, bên cạnh chiến lược đàm phán tích cực, ngành Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm kiếm hướng giải quyết vướng mắc trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Ông Tuấn nhận định tình hình hiện tại có nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải bình tĩnh, tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời phát huy nội lực, tập trung vào chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước.

Ông Tuấn cho rằng thị trường nội địa với 100 triệu dân có khả năng hấp thụ phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng. Ông cũng đề nghị Chủ tịch Sơn và các cấp hội tạo điều kiện để trao đổi tích cực với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước. Ông thông báo về khả năng Bộ trưởng sẽ ký quyết định thành lập một tổ công tác đặc biệt để ứng phó với tình hình mới, tương tự như tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.

Trên tinh thần ứng phó của lãnh đạo ngành Công Thương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thông báo toàn bộ hệ thống của Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại, bao gồm các sở Công thương và chi cục quản lý thị trường, sẽ cùng tham gia vào việc này. Ông cũng kêu gọi VACOD-HBA tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại trong nước sắp tới của ngành.

Theo quan điểm mới của Bộ Công Thương, xúc tiến thương mại không chỉ giới hạn ở việc bán hàng hóa tiêu dùng hay công nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động thương mại liên quan đến du lịch, văn hóa, đầu tư (ví dụ như đầu tư vào y tế, giáo dục) và các lĩnh vực khác như chip công nghệ. Đây là tinh thần và hướng đi mới của Bộ, và ông Tuấn rất mong nhận được sự hợp tác từ các doanh nghiệp.

Liên quan chỉ thị mới nhất của Bộ trưởng Công thương về tăng cường các giải pháp phát triển thị trường nội địa và kích cầu tiêu dùng, Chủ tịch Sơn cho biết các hiệp hội ngành hàng cũng có trách nhiệm phối hợp, phổ biến tinh thần chỉ thị đến hội viên và tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường. Người đứng đầu VACOD-HBA khẳng định đây là hoạt động thường xuyên của hiệp hội, không chỉ trong nước mà còn quốc tế, đồng thời đã có sự phân công cụ thể trong nội bộ để triển khai chỉ thị mới này. Ông nhấn mạnh VACOD-HBA sẽ đồng hành cùng Bộ Công thương và Chính phủ đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

“Hai hiệp hội cũng đã gửi ngay chỉ thị của Bộ Công Thương đến 38 hiệp hội doanh nghiệp các địa phương trên cả nước. Hiện tại, văn phòng hiệp hội đang đốc thúc việc triển khai và nhắc các hiệp hội tỉnh gửi thông tin báo cáo về vào cuối quý theo yêu cầu”, TS Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ.

DOANH NGHIỆP CẦN ĐỀ CAO PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

Trong phần tiếp theo của chương trình, TS Phạm Thị Thu Hằng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng thư ký VCCI chia sẻ một vài nội dung bà tâm đắc nhất trong phần phát biểu của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn. Điểm đầu tiên mà bà tâm đắc nhất được ông Sơn đề cập là sự cần thiết phải tôn trọng thị trường và quy luật của thị trường.

g7.jpg
TS Phạm Thị Thu Hằng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng thư ký VCCI

Theo bà Hằng, vấn đề chung hiện nay là đôi khi các chính sách được xây dựng tách rời quy luật này. Ví dụ, các chính sách kiểm soát giá có thể tốt trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ đi ngược lại sự phát triển tự nhiên của thị trường. Do đó, khi xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần chú trọng hỗ trợ theo quy luật thị trường. Bà lấy dẫn chứng quỹ đổi mới khoa học công nghệ ở Trung Quốc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, khác với cách tiếp cận của Việt Nam trong quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Hằng phân tích về việc tôn trọng quy luật thị trường, nhấn mạnh rằng việc chỉ tập trung đầu vào mà không thấy đầu ra là một vấn đề. Bà kể lại trải nghiệm khi đến Bắc Kinh và quan sát một trung tâm thương mại rất lớn nhưng hoàn toàn chỉ có các doanh nghiệp nội địa, hoạt động như một chợ đầu mối sỉ hàng tiêu dùng cho các tiểu thương, tạp hóa ở nông thôn.

Từ đó, bà đề xuất rằng trong chương trình đưa hàng về nông thôn, cần chú trọng xây dựng các chợ đầu mối lớn, nơi các doanh nghiệp có kho hàng và đại lý, giúp người bán lẻ ở nông thôn dễ dàng tiếp cận nguồn hàng một cách nhanh chóng, tương tự như cách hoạt động của các chợ đầu mối lớn hiện nay. TS Phạm Thị Thu Hằng nêu thêm một thực tế, một hộ kinh doanh tạp hóa gần nhà bà phải tự đi lấy hàng từ nhiều nhà máy khác nhau để duy trì hoạt động, gây ra nhiều vất vả trong khâu phân phối.

Bà Hằng cho biết mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài và một công ty Đài Loan đã gửi bảng khảo sát để thu thập ý kiến kiến nghị với Chính phủ, liên quan vấn đề chuỗi giá trị. Bà cho biết các chuyên gia đã phân tích kỹ tỷ lệ hàng hóa trong chuỗi cung ứng, tập trung vào giá trị gia tăng được tạo ra ở từng công đoạn, từ công nghệ, nguyên liệu đến lao động.

Theo phân tích, năng suất lao động và tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trên một chiếc áo sơ mi ở Việt Nam cao gấp đôi so với Trung Quốc. Chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do máy móc, công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích kỹ lưỡng và cải tiến công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi đổi mới sáng tạo được chú trọng đồng thời bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ lưu ý đến vấn đề này và có phương thức tiếp cận kỹ càng về công nghệ.

Nhân việc nói về việc doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm về vai trò của đơn vị, là nơi hoạt động nghiên cứu, trung gian hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị dịch vụ đào tạo, hỗ trợ nhà khoa học, thành lập vườn ươm khởi nghiệp, các quỹ phát triển và các vườn ươm, startup nằm trong hệ sinh thái.

g8.jpg
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm

Ông Kiểm cũng nhấn mạnh thêm, Nghị quyết 57 mới hướng đến việc đẩy mạnh nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải. Điểm đáng chú ý là các nghiên cứu này sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí, dựa trên nhu cầu thực tế trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp về các vướng mắc công nghệ, kỹ thuật. Ông cho biết, vừa qua đơn vị ông đã thí điểm hoạt động này tại doanh nghiệp lớn, mời chuyên gia và nhà khoa học đến lắng nghe những khó khăn trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp về mặt công nghệ, kỹ thuật, và bước đầu đã tìm ra một số giải pháp tiềm năng.

Kết thúc phần trình bày bằng việc nhấn mạnh rằng những nghiên cứu tiếp theo sẽ tập trung vào việc tìm ra các giải pháp thiết thực, có thể ứng dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Ông hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ các bên liên quan trong thời gian tới. Đồng thời, ông thông báo rằng sẽ phối hợp với doanh nghiệp và đội ngũ để lắng nghe những nhu cầu cụ thể từ các nhà máy, công ty, từ những vấn đề vĩ mô đến những vấn đề nhỏ như bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản hàng hóa…

Ông Kiểm nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nhiều phần mềm riêng biệt cho các bộ phận khác nhau như sản xuất, kế toán, điều hành, dẫn đến sự khó khăn trong việc đồng bộ hóa và quản lý. Đơn vị của ông đã hợp tác với công ty để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt trong việc tích hợp các phần mềm hiện có, bởi việc sử dụng quá nhiều ứng dụng có thể gây khó khăn cho người điều hành.

Thể hiện sự tin tưởng rằng không chỉ Đại học Quốc gia Hà Nội mà các trường đại học khác cũng sẵn lòng hợp tác với doanh nghiệp, nhưng ông Kiểm khẳng định, vấn đề cốt lõi là liệu các doanh nghiệp có sẵn sàng cung cấp "đầu bài", đặt hàng nghiên cứu hay không. Ông lưu ý rằng việc đặt hàng này có thể không kèm theo kinh phí, nhưng đây là cách để định hướng nghiên cứu của trường dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ như một đột phá để nâng cao năng suất và chất lượng kinh doanh. Ông Kiểm mong sự hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và hai hiệp hội sẽ ngày càng chặt chẽ, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn và thực hiện trách nhiệm quốc gia. Ông kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ những "đầu bài" cụ thể để trường có thể thực hiện các nghiên cứu sát với nhu cầu thực tế. Ông thông báo rằng trường sẽ tổ chức thường xuyên các buổi gặp mặt với doanh nghiệp để lắng nghe những yêu cầu này.

Có thể có những nghiên cứu đã được thực hiện ở nước ngoài, nhưng việc Việt hóa và áp dụng công nghệ Việt Nam có thể phục vụ tốt hơn cho thực tế hàng ngày. Ông tin rằng các vấn đề liên quan đến nông sản và dược liệu là những lĩnh vực tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có "chất liệu đầu vào" từ phía doanh nghiệp. Do đó, ông Kiểm đề xuất rằng văn phòng hai hiệp hội có thể cung cấp danh sách các thành viên theo lĩnh vực hoạt động để đơn vị có thể phân loại và tiếp cận phù hợp.

Xem thêm

VACOD-HBA “mách kế” giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hai cuộc cách mạng

VACOD-HBA “mách kế” giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hai cuộc cách mạng

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp với điều kiện còn hạn chế đang quan ngại về năng lực tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chủ tịch VACOD-HBA TS Nguyễn Hồng Sơn đã đưa ra định hướng nhằm giúp doanh nghiệp lựa chọn phương hướng phù hợp, không bỏ lỡ thời cơ từ hai cuộc cách mạng của đất nước...

Có thể bạn quan tâm