VACOD-HBA sẽ tổ chức chuỗi sự kiện lớn tại Điện Biên nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

Chủ tịch VACOD-HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hướng tới Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, một chuỗi sự kiện quan trọng sẽ được VACOD-HBA phối hợp cùng tỉnh Điện Biên tổ chức tại vùng đất lịch sử gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

0-8029.png
Chủ trì Chương trình “Bữa sáng doanh nhân” mới đây, TS. Nguyễn Hồng Sơn đã có thông tin về các hoạt động sẽ diễn ra trong tháng 10 của hai Hiệp hội VACOD-HBA.

Tham dự chương trình có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương; hai Phó Chủ tịch VCCI gồm các ông Nguyễn Quang Vinh và ông Hoàng Quang Phòng; ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Nguyên T trưởng T tư vn v Kinh tế ca Th tướng Chính ph, Thành viên Hi đồng tư vn Chính sách tin t ca Chính ph; PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KHCN; ông Trương Vũ Bằng Giang, Trưởng ban xúc tiến đầu tư Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội…

“ĐÁNH THỨC” ĐIỆN BIÊN VÀ KHU VỰC TÂY BẮC

Phát biểu tại chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, người đứng đầu VACOD-HBA thông báo về việc chuẩn bị cho các chương trình hoạt động quan trọng vào tháng 10 tới. Đó là chương trình Gala doanh nhân Thăng Long 2024 – Chương trình thường niên chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA dự kiến sẽ được tổ chức vào chiều ngày 4/10 tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, qua đó tôn vinh đóng góp của đội ngũ doanh nhân Thủ đô với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của mình trong công cuộc phát triển chung của đất nước.

Đặc biệt, từ ngày 14-16/10 VACOD-HBA sẽ phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện lớn tại tỉnh Điện Biên. Chương trình dự kiến bao gồm Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Gala Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc – Trung – Nam 2024 (đây cũng là hoạt động thường niên kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam của VACOD) và các Hội nghị doanh nghiệp. Chủ tịch VACOD-HBA nhấn mạnh, trong khuôn khổ chương trình sẽ có một buổi hội thảo, toạ đàm với chủ đề phát triển tỉnh Điện Biên gắn với chiến lược phát triển vùng kinh tế Tây Bắc.

Trao đổi tại Chương trình “Bữa sáng doanh nhân”, TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Là địa phương có đường biên giới dài với hai quốc gia (Lào và Trung Quốc) Điện Biên có vị trí chiến lược rất quan trọng, đặc biệt đối với khu vực Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung. Điện Biên cũng là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái…

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn lưu ý: Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng. Do đó, việc VACOD-HBA phối hợp với tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch sắp tới không chỉ là hoạt động giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có của Điện Biên mà đây cũng là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp ý kiến để lãnh đạo Điện Biên ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, thực hiện các giải pháp để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cũng như tiếp thêm động lực cho sự phát triển kinh tế của cả khu vực Tây Bắc tiềm năng.

“Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để Điện Biên triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào Điện Biên nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh... như Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra” Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

1-4963.jpg

Để Hội nghị được diễn ra thành công, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn “đặt hàng” ngay tại chỗ với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn và chuyên gia Nguyễn Đức Kiên tiếp tục phối hợp với hai Hiệp hội xây dựng nội dung chương trình cụ thể cho Hội nghị. Đặc biệt tập trung vào những ngành, lĩnh vực, dịch vụ nào cần ưu tiên, các thế mạnh nào cần “đánh thức” kèm theo những định hướng, gợi mở mô hình, giải pháp phát triển và những nội dung liên quan.

“Bên cạnh đó, cũng đề nghị các chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ (Bộ KHCN) tham gia nghiên cứu để có đề xuất nội dung đặt ra tại Hội nghị. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư từng có những đề tài ở khu vực Tây Bắc sẽ tham gia góp ý trên tinh thần phối hợp với hai Hiệp hội đề xuất những nội dung và có ý kiến đóng góp sao cho chương trình diễn ra hiệu quả, thành công nhất”, TS. Nguyễn Hồng Sơn nói.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp của hai Hiệp hội liên hệ với văn phòng Hiệp hội sớm đăng ký lịch tham dự chuỗi sự kiện tháng 10, nhằm có sự chuẩn bị chu đáo cho các chương trình trong tháng Doanh nhân và những sự kiện tại Điện Biên.

Ông lưu ý hiện VACOD đã ký kết Thoả thuận hợp tác với 26 Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương. Đây thực sự là cơ hội tốt để các Hiệp hội Doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác, xúc tiến thương mại tại Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc. Người đứng đầu VACOD-HBA cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch nhằm chuẩn bị cho chương trình sắp tới thành công tốt đẹp nhất.

DOANH NGHIỆP KHÔNG NÊN CHỈ MẢI MÊ KIẾM LỢI NHUẬN

Tại Chương trình “Bữa sáng doanh nhân” cũng đã diễn ra Talkshow xoay quanh chuyên đề “Doanh nghiệp và những nội dung phát triển bền vững 2024”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp thế giới và Việt Nam đang gặp phải vấn đề về phát triển bền vững doanh nghiệp, tuy nhiên nếu như chúng ta trang bị tốt kiến thức, các vấn đề về pháp lý… thì việc thực hiện phát triển bền vững doanh nghiệp sẽ trở thành cơ hội và ngược lại.

Để làm rõ hơn về nội dung này ông Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra dẫn chứng về Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (viết tắt là WBCSD) với quy mô khoảng 237 thành viên, các thành viên đều là những Tập đoàn lớn nhất thế giới. Đây là một sân chơi của những doanh nghiệp lớn và họ lập ra để hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên của mình và thông qua các doanh nghiệp hội viên để hỗ trợ chia sẻ các hoạt động phát triển bền vững doanh nghiệp.

Năm nay với chủ đề về phát triển bền vững doanh nghiệp, VCCI, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam căn cứ vào những chủ đề mà Liên Hợp Quốc, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Thế giới họ đang cùng với doanh nghiệp của họ triển khai chuyển đổi một cách hệ thống, sao cho đồng bộ, cụ thể là chuyển đổi tư duy, cách tiếp cận một cách có hệ thống để hướng tới tương lai bền vững.

Trong cách tiếp cận của WBCSD chia ra làm hai khu vực đó là khu vực nhà nước và khu vực tư nhân (doanh nghiệp); trong đó đối với khu vực nhà nước, kiến nghị đối với hệ thống chính sách của Việt Nam sao cho đồng bộ, tư duy đổi mới với những chính sách “xanh hơn” về khuyến khích tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, triển khai kinh tế tuần hoàn… nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Đối với khu vực tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, nhận thức và cuối cùng là từng người dân cũng phải thay đổi nhận thức. Bởi lẽ, quan điểm thế nào là thành công của doanh nghiệp có sự khác nhau, ngoài vấn đề thành công về kinh tế đã tới lúc doanh nghiệp phải thay đổi để tạo ra những giá trị mới về môi trường đó mới chính là giá trị “mới” của doanh nghiệp trong tình hình mới, tạo ra khác biệt với cách thức kinh doanh của doanh nghiệp 10 hay 20 năm trước. Chính vì lý do đó, khái niệm kinh doanh “vị tự nhiên” sẽ được chú trọng hơn so với kinh doanh vì lợi nhuận.

2-2090.png

Theo ông Vinh, từ trước tới nay doanh nghiệp chỉ mải mê làm kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận và trong báo cáo chỉ nêu lỗ lãi về tài chính mà thường bỏ qua hoặc gác lại 2 nguồn vốn mà doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng đó là vốn xã hội (cơ sở hạ tầng, con người, thiết chế…) và vốn tự nhiên (môi trường) mà doanh nghiệp không hạch toán. Theo báo cáo của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Thế giới thì cả 3 nguồn vốn chính này có tới 87% các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh âm. Do đó doanh nghiệp cần thay đổi về cách tiếp cận không chỉ là lợi nhuận về tài chính mà còn là vấn đề về xã hội.

Ông Vinh nhấn mạnh ngày nay khái niệm về lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đã thay đổi so với trước. Bên cạnh giá trị về kinh tế còn cần phải chú trọng đến giá trị về xã hội và giá trị môi trường, hướng tới sự phát triển cân bằng, bền vững hơn.

Ông Vinh cũng “bật mí” một thông tin quan trọng nữa là gần đây nhiều quỹ tài chính của các nước rất quan tâm tới Việt Nam thay vì trước đây họ chỉ quan tâm tới bất động sản. Hiện VCCI đã trao đổi với một số Quỹ của Trung Quốc, được biết Quỹ này sẽ dừng đầu tư vào Bất động sản bởi nó tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất nhỏ thu lợi nhuận nhanh.

Đặc biệt, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, cập nhật kiến thức mới về giảm rác thải khí nhà kính, kinh tế tuần hoàn triển khai như thế nào tại các doanh nghiệp… sẽ là chủ đề được đưa ra để trao đổi, bàn luận. Trong thời gian tới VCCI sẽ phối hợp với một số trường Đại học để thành lập bộ phận chuyên về đào tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp…

Tất cả những nội hàm mà doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp thế giới đang gặp phải VCCI đang chọn lọc để đưa vào chương trình diễn đàn doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam lần thứ 11 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 18/9, tập trung vào một ngày, buổi sáng sẽ là 3 phiên chuyên đề và buổi chiều sẽ là phiên toàn thể với sự tham gia của lãnh đạo chính phủ, các Bộ, ngành, trung ương, địa phương và chủ yếu là doanh nghiệp. VCCI, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam sẽ có những hoạt động gắn kết chặt chẽ hơn với VACOD và HBA.

DOANH NGHIỆP KHÔNG SỐNG NỔI THÌ CHỚ NÓI ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chia sẻ tại Chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đây là một chủ đề không mới, đã được Văn Kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và XIII đề cập rất nhiều. Và cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng phát biểu vào năm 1988 rằng “muốn đổi mới thành công thì phải đổi mới về tư duy, nhận thức”.

Hiện nay, nhận thức trong hệ thống chính trị về phát triển bền vững còn có sự khác nhau chẳng hạn, phía Liên đoàn lao động Việt Nam khi nói về phát triển bền vững bao giờ cũng nhìn về chính sách đãi ngộ đối với người lao động. Còn phía VCCI khi nói về phát triển bền vững lại nhìn về sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt bây giờ các chuyên gia luôn luôn lấy môi trường làm trung tâm, coi đó là tiêu chí duy nhất vào đánh giá phát triển kinh tế-xã hội.

Về phát triển bền vững hiện nay ngay từ năm 2011 đến 2013 khi bắt đầu triển khai Cương lĩnh năm 2011 nhóm nghiên cứu gồm Vụ Kinh tế, văn phòng Trung ương, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đưa ra khái niệm Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tức là khi kinh tế phát triển sẽ phá vỡ cân bằng thiên nhiên cũ để tạo lập ra một cân bằng thiên nhiên mới. Và cái cân bằng thiên nhiên mới này sẽ áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật để đảm bảo tính “công nghệ”.

3-9727.png

Ông Kiên nói: “Chẳng hạn, chúng ta bảo không có rác thải, điều này trong phát triển kinh tế là không tưởng nhưng khi chúng ta có xả rác thải vào môi trường thì phải có biện pháp về công nghệ để xử lý như trồng rừng… để cân bằng với lượng rác thải đấy. Trong kỹ thuật chúng ta hạn chế sử dụng những nguyên liệu có thể gây ra phá vỡ tầng ô zôn…”.

Ông Kiên lưu ý, hiện chúng ta mới nêu định nghĩa về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất nhưng định nghĩa về ô nhiễm tiếng ồn lại chưa xây dựng được. Do đó việc quản lý rất khó… đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.

Theo quan điểm của người từng tham gia và chủ trì xây dựng nhiều quyết sách kinh tế mang tính chiến lược của Đảng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh có 3 trụ cột của phát triển bền vững đó là bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường. Cả 3 trụ cột đó phải hài hoà với nhau. Bởi nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không tồn tại được thì sẽ không thể đảm bảo được yếu tố về xã hội và môi trường. Nghĩa là khi nói về trách nhiệm xã hội và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của môi trường thì cũng không thể bỏ quên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

4-8945.png

“Vấn đề này cần có hai cách nhìn, thứ nhất cái khó đối với các doanh nghiệp hiện tại ở Việt Nam là trình độ phát triển của ta đang không ở mức cao như là ở các nước phát triển trong khi lại cần phải đảm bảo cả ba khía cạnh. Điều đó là một cái khó mà mà doanh nghiệp phải xác định trong thời gian tới. Cách nhìn thứ hai là chúng ta cần phải lưu ý nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững thì sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của doanh nghiệp sẽ không được người tiêu dùng sử dụng, không được thị trường chấp nhận và không có đối tác”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề.

Do đó, doanh nghiệp phải cố gắng thích nghi trong mọi điều kiện hoàn cảnh cụ thể để hướng tới một khía cạnh cao hơn, bền vững hơn và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong bối cảnh mới tốt hơn.

GIAN NAN, ĐAU ĐẦU NHƯNG… PHẦN THƯỞNG XỨNG ĐÁNG

Bàn về vấn đề này, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện được kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh trong sản xuất kinh doanh không phải là một vấn đề dễ dàng đối với doanh nghiệp xuất khẩu bởi yêu cầu về quy trình của doanh nghiệp nước ngoài rất cao, nghiêm ngặt…

5-8778.png

Chẳng hạn, cái túi ni lông ngày xưa cứ dùng loại nào cũng được, bây giờ mình chỉ được dùng một loại hay ngày trước phải có những hạt chống ẩm trong quần áo thì bây giờ người ta không được dùng hạt chống ẩm đó vì cho rằng chống ẩm độc hại mà lại phải xây nhà để hút ẩm. Trước tiên hút ẩm cái áo đấy là phải có máy để đo độ ẩm, thực hiện xong quy trình bắt đầu mới đóng gói vào dán kín miệng lại…

Rồi việc xử lý vải thừa, vải vụn trong các xưởng may của tập đoàn Hồ Gươm trước kia chỉ cần đốt đi là xong còn hiện nay tập đoàn cũng đau đầu tìm phương án xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác. Rồi từ bữa cơm cho người lao động thì thịt lấy ở đâu, rau sạch từ nguồn nào cũng đều là những câu chuyện liên quan đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tuy nhiên, bà Ty chia sẻ một khi đã vượt qua được những yêu cầu khắt khe, gian nan đó thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững, có cơ hội nhận được nhiều đơn đặt hàng từ đối tác. “Mới đây thôi một doanh nghiệp Mỹ đến thăm cơ sở sản xuất của tập đoàn chúng tôi muốn đặt hàng nhưng chúng tôi buộc phải chối khéo vì đã dây chuyền đã chạy hết công suất, kín đơn hàng”, bà Ty hồ hởi cho biết.

Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nêu thực trạng hiện nay rất nhiều tỉnh thành, UBND các tỉnh thành cho phép nhập khẩu công nghệ, đặc biệt là công nghệ phát thải CO2. Chính phủ đã giao cho Bộ KHCN là đầu mối nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và là đầu mối đào tạo liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với cộng đồng doanh nghiệp.

6-2863.png

Liên quan đến công tác đào tạo, Học viện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mong muốn phối hợp với hai Hiệp hội nhằm triển khai tổ chức đào tạo trong thực tế. Trước hết là đào tạo vấn đề về phát triển bền vững doanh nghiệp. Học viện sẽ đào tạo mang tính thực tiễn để doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch phát triển bền vững, đưa ra được giải pháp giúp doanh nghiệp khai thác các nguồn lực từ nguồn lực vốn, nguồn lực con người cho đến nguồn lực tự nhiên…

Bên cạnh đó, Học viện tổ chức đào tạo, cấp cho doanh nghiệp các chứng chỉ quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh…

7-7915.png

Tiếp lời PGS.TS Vũ Văn Tích, PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, Trưởng Ban xúc tiến đầu tư Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, hiện nay Đại học Quốc gia đã và đang kết nối với các chuyên gia, phối hợp cùng các doanh nghiệp địa phương nghiên cứu các giải pháp về khoa học công nghệ mới với mục tiêu hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và hướng tới cộng đồng phát triển bền vững trong tương lai.

Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phần lớn các quy hoạch của địa phương giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045 và trực tiếp Đại học Quốc gia thì cũng đã góp ý cho một số địa phương. Gần đây nhất Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia tư vấn, có 13 ý kiến và cả 13 ý kiến trên đều được đơn vị xây dựng và đặc biệt là UBND TP Hà Nội tiếp thu để phát triển khu vực phía Tây Hà Nội trở thành trung tâm về khoa học công nghệ và phát triển đội ngũ sáng tạo.

Việc nhân rộng mô hình đó không chỉ riêng Hà Nội mà Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã làm cho Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi và một số địa phương khác nữa và gần đây nhất là ở Hà Tĩnh.

Thời gian tới, đối với các địa phương khu vực Tây Bắc, Đại học quốc gia đã chuẩn bị một chương trình và thay đổi mô hình mới hơn. Trước đây thì tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế ngành nhưng bây giờ cũng tập trung sâu hơn vào một số lĩnh vực đổi mới. Chẳng hạn như Đại học quốc gia quan tâm đến vấn đề kinh tế nông sản. Thứ hai là các vấn đề liên quan kinh tế sáng tạo và kinh tế xanh. Tất cả những nội dung này sẽ được xem xét, đề cập trong cuộc Hội thảo về phát triển Điện Biên và khu vực kinh tế Tây Bắc do VACOD tổ chức sắp tới tại Điện Biên.

Một số hình ảnh ghi nhận tại chương trình:

9-2648.png
10-3836.png
11-2034.png
13-batcheditor-fotor-1-batcheditor-fotor-1-3000.jpg

Xem thêm

VACOD-HBA: Chuyến đi của sự gắn kết bền chặt

VACOD-HBA: Chuyến đi của sự gắn kết bền chặt

Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ 5 - nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 13/5 Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA đã tới tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hoà bình…

Gala “Giao lưu Doanh nhân VACOD – HBA – Hòa Bình 2024”

Gala “Giao lưu Doanh nhân VACOD – HBA – Hòa Bình 2024”

Tối 12/5, VACOD – HBA đã phối hợp tổ chức Gala “Giao lưu Doanh nhân VACOD – HBA – Hòa Bình 2024”, đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị "Doanh nghiệp VACOD - HBA - Hòa Bình 2024" diễn ra từ ngày 11-13/5/2024, tại dự án Ivory Villas & Resort (Hoà Bình)...

Có thể bạn quan tâm