
Tham dự Chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này có ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội; ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương; PGS.TS Vũ Văn Tích, Phó Giám đốc Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD; các Phó Chủ tịch HBA bà Ninh Thị Ty, bà Bùi Thị Hải Yến và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cùng đông đảo doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA…
THẮT CHẶT, NÂNG TẦM HỢP TÁC VIỆT - NGA
Mở đầu chương trình Bữa sáng Doanh nhân, Chủ tịch VACOD-HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn cập nhật những thông tin quan trọng về hoạt động của hai hiệp hội thời gian gần đây.
Nhìn chung, các hoạt động của hai hiệp hội luôn song hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đặc biệt là vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính địa phương hai cấp và triển khai đại hội Đảng cấp cơ sở. Mới đây, Chủ tịch VACOD-HBA đã thay mặt lãnh đạo hai hiệp hội tham dự Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội vào sáng 18/7. Đại hội Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra thành công tốt đẹp, bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 24 thành viên và sẽ bổ sung thêm một thành viên thứ 25 sau khi hoàn thiện nhân sự Phó Giám đốc Đại học Quốc gia.

Chủ tịch Sơn cho biết, tại đại hội các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ vừa qua của Đại học Quốc gia Hà Nội. “Báo cáo nhấn mạnh nhiều hoạt động gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, những bước phát triển mới và phương hướng phát triển trong nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng lao động của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Đại học sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai Nghị quyết 57 của Trung ương về phát triển đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Chủ tịch Sơn nêu rõ.
Thời gian qua, VACOD-HBA đã và đang phối hợp chặt chẽ với Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hồng Sơn cũng chia sẻ những thông tin quan trọng về các cuộc gặp gỡ và kế hoạch hợp tác quốc tế giữa hai hiệp hội với Liên bang Nga.
Theo đó, tối 13/7, người đứng đầu VACOD-HBA cùng một số doanh nghiệp đã đón tiếp Ngài Kalganov Vyacheslav Gennadievich, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, Liên bang Nga – một người bạn thân thiết sang công tác tại Việt Nam. Cuộc gặp nhằm đánh giá các bước hợp tác giữa hai hiệp hội với Nga nói chung và với thành phố Saint Petersburg nói riêng.

Nhắc lại việc trong chuyến công tác hồi tháng 11/2024, hai hiệp hội đã ký hai văn kiện hợp tác quan trọng: Một với Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg về các hợp tác chung, và một văn kiện khác với Tổ chức Truyền thông Doanh nghiệp IMBRICS PLUS – đơn vị tổ chức Diễn đàn Kinh tế BRICS 2024.
Ông Kalganov đã thông báo với phía Việt Nam về việc Giám đốc Tổ chức Truyền thông Doanh nghiệp IMBRICS PLUS vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội các doanh nhân và nhà công nghiệp Nga, có trụ sở tại thủ đô Moscow. Bằng kinh nghiệm ngoại giao của mình, ông Kalganov gợi mở dựa trên quan hệ tốt đẹp trước đó với lãnh đạo Tổ chức Truyền thông Doanh nghiệp IMBRICS PLUS, đây thực sự là cơ hội tốt để HBA mở rộng quan hệ hợp tác với một tổ chức uy tín khác của Nga.
Trong khuôn khổ hoạt động đối ngoại kinh tế giữa Nga và Việt Nam, Ngài Kalganov đề cập đến Đại hội lần thứ nhất các nhà Ngoại giao nhân dân Nga - Việt dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1-4/10/2025. Với trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Saint Petersburg và Việt Nam, tập trung vào hoạt động đối ngoại nhân dân, trong đó có hoạt động kinh tế. Lịch trình cụ thể sẽ được thống nhất sau chuyến công tác của ông Kalganov tại Việt Nam.
Nhân cuộc gặp làm việc lần này, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn mong muốn đẩy mạnh hợp tác đa lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm lĩnh vực y tế. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhắc lại đề nghị trước đó với Ngài Kalganov về việc báo cáo Thống đốc Saint Petersburg để lựa chọn một bệnh viện tại đây nhằm xúc tiến chương trình hợp tác. Đồng thời, ông cũng mong muốn phía Nga tạo điều kiện và thủ tục mời đoàn Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam sang tham dự Diễn đàn Kinh tế BRICS tại Saint Petersburg vào tháng 11 năm nay, song hành cùng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, ông Kalganov đã nhất trí với đề xuất này. Ông cam kết tại diễn đàn tháng 10/2025 ở Việt Nam hoặc diễn đàn tháng 11, 12/2025 tại Saint Petersburg, Bệnh viện Hữu nghị sẽ chính thức được đưa vào danh sách đệ trình lên các cấp có thẩm quyền của Liên bang Nga. Dự kiến trong tháng 9, phía Nga sẽ phối hợp với Văn phòng Hiệp hội để có cuộc họp trực tuyến với Bệnh viện Hữu nghị, trao đổi các nội dung quan tâm. Trong tháng 10, khi đoàn Nga sang Việt Nam tổ chức diễn đàn, họ sẽ dành một buổi làm việc và đưa các chuyên gia y tế hàng đầu Nga đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị.
Tiếp nối thành công của chuyến công tác của đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Chủ tịch Sơn làm trưởng đoàn vào tháng 11/2024, đây được xem là tiền đề thực hiện những chuyến công tác hợp tác tiếp theo. Chính vì vậy, Chủ tịch Sơn cũng sớm thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp về Diễn đàn Kinh tế Đô thị BRICS cuối năm 2025, hiện có hai dự kiến thời gian tổ chức vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2025.
“Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi Chủ tịch diễn đàn (vừa trở về từ diễn đàn tại Brazil) tham vấn các cấp có thẩm quyền của Liên bang Nga. Hai hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức đoàn sang tham dự diễn đàn này và dự kiến sẽ kết hợp thăm một vùng đất thứ ba tại Nga, có thể là một khu vực công nghệ đang phát triển mạnh. Thông tin chi tiết về địa điểm sẽ sớm được công bố. Hai hiệp hội sẽ bắt đầu tổ chức đoàn sớm, dự kiến vào giữa tháng 8 để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi”, Chủ tịch Sơn thông báo.
CỘNG ĐỒNG DOANH NHÂN CHUẨN BỊ THAM GIA CÁC SỰ KIỆN QUỐC GIA TRỌNG ĐẠI
Tại chương trình, TS. Nguyễn Hồng Sơn đưa ra cái nhìn tổng thể về những sự kiện quan trọng trong nước mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp mặt, đặc biệt là những hoạt động thiết thực nhằm khẳng định vị thế và vai trò của đội ngũ doanh nhân trong dòng chảy phát triển của đất nước ở kỷ nguyên mới, hướng tới cột mốc lịch sử Lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025) và 21 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
"Cụ thể, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2025, VACOD-HBA sẽ tổ chức chương trình hội nghị, hội thảo như đã dự định, tập trung vào việc triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hội viên tiếp cận những chính sách và nguồn lực của Nhà nước. Song song đó là chương trình Giao lưu doanh nhân ba miền Bắc – Trung – Nam thường niên, dự kiến diễn ra tại Lâm Đồng (thuộc tỉnh Bình Thuận cũ). Mọi thông tin chi tiết về địa điểm và lịch trình sẽ được cập nhật đến cộng đồng doanh nghiệp”, Chủ tịch Sơn hé lộ.
Đặc biệt, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn phấn khởi thông báo về sự tham gia của Khối doanh nhân Việt Nam vào chương trình diễu binh, diễu hành cấp quốc gia tại Quảng trường Ba Đình. Đây là lần thứ ba cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vinh dự tham gia sự kiện trọng đại này, sau các năm 2010 và 2015.

Đáng lưu ý, quy mô của đoàn doanh nghiệp năm nay sẽ lớn hơn đáng kể với số lượng dự kiến lên tới 160 thành viên, so với 80 và 120 thành viên của hai lần trước. “Mặc dù là đoàn đại diện cho doanh nhân toàn quốc, song do yếu tố địa lý và yêu cầu tập luyện, công tác chuẩn bị, nòng cốt chính của đoàn sẽ là các doanh nhân và đơn vị tại Hà Nội. Trong đó, Hiệp hội HBA được kỳ vọng tiếp tục là đơn vị chủ lực như hai lần trước. Các tổng công ty, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cũng sẽ được mời tham gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch Sơn thông tin thêm.
Để chuẩn bị cho sự kiện, ngay tuần tới Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI sẽ tổ chức họp thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức, chính thức triển khai công tác chuẩn bị việc tham gia của khối doanh nghiệp vào sự kiện trọng đại của quốc gia. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, tổng công ty đã tham gia các kỳ trước tiếp tục cử thành viên tham gia, đảm bảo hài hòa cả nam và nữ.
Riêng thành phần tham dự trong hai hiệp hội, Chủ tịch Sơn nhấn mạnh sẽ lựa chọn một số chủ doanh nghiệp, lãnh đạo và đại diện các doanh nghiệp tham gia vào các hàng đầu và cánh phải (diễu qua Quảng trường Ba Đình). Ông tiết lộ, một số doanh nhân có thể được bố trí di chuyển bằng xe chuyên dụng trong đoàn. Các đơn vị nòng cốt như Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cũng được mời đóng góp thành viên, với tỷ lệ nữ dự kiến từ 30% đến 40%.
Mọi thông tin chi tiết về việc tham gia của khối doanh nghiệp trong sự kiện diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2/9 sẽ được phổ biến đến từng doanh nghiệp thông qua ông Nguyễn Ngọc Luân - Chánh Văn phòng Hiệp hội HBA, người sẽ hỗ trợ công tác chuẩn bị và lên danh sách thành viên đoàn. Lãnh đạo hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp nắm bắt thông tin để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin về một sự kiện quan trọng: Lễ trao Cúp Bông hồng Vàng cho các nữ doanh nhân tiêu biểu. Đây là giải thưởng được tổ chức ba năm một lần và năm 2025 sẽ là kỳ thứ 35. Các kỳ trước, giải thưởng đã tôn vinh "Doanh nhân Thăng Long" và "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" với quy mô dự kiến năm nay sẽ trao cho 100 nữ doanh nhân.

Chủ tịch Sơn nhấn mạnh, quá trình bình xét Cúp Bông hồng Vàng, cũng như Cúp Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu tuân thủ quy trình chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương. VCCI được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì công tác này, bao gồm bình xét, lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương với sự tham gia của Ban Chỉ đạo và Ban Tư vấn thẩm tra cấp Trung ương gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại cấp cơ sở, các ứng viên thường được đề xuất bởi UBND cấp tỉnh. Các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có thể giới thiệu khoảng 10 đại biểu, trong khi các tỉnh khác có từ 5-7 đại biểu tùy thuộc vào số lượng doanh nghiệp. Năm nay, hai hiệp hội VACOD-HBA được phân bổ đề cử với mỗi hiệp hội được đề cử 5 doanh nhân cho Cúp Bông hồng Vàng.
“Qua nhiều năm, số lượng doanh nhân do hai hiệp hội đề cử thường đạt tỷ lệ cao trong quá trình thẩm định. Điều này là do hai hiệp hội đã thực hiện công tác bình xét rất kỹ lưỡng, dựa trên các tiêu chí rõ ràng của ban tổ chức và qua nhiều bước lựa chọn cẩn trọng. Thậm chí có những lần chúng ta đề cử 5 doanh nhân đều được cả 5, hoặc 4/5, hiếm khi phải bỏ lỡ trường hợp nào”, TS. Nguyễn Hồng Sơn tự hào.
Chủ tịch VACOD-HBA thông báo, thời hạn nộp danh sách đề cử của hai hiệp hội lên VCCI trước ngày 15/8 và không có bổ sung. Thời gian còn lại rất ngắn (hơn ba tuần), do đó ông kêu gọi các nữ doanh nhân tích cực tự đề xuất, đăng ký ứng cử, đồng thời tham khảo kỹ quy chế Bông hồng Vàng các năm trước. Văn phòng VACOD sẽ rà soát và lựa chọn, đặc biệt ưu tiên các nữ doanh nhân là hội viên VACOD ở các địa phương khác có thành tích tốt nhưng chưa được địa phương đề cử. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tránh trường hợp một cá nhân được đề cử bởi cả địa phương và hiệp hội để đảm bảo công bằng cho những người khác.

Ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị hồ sơ chu đáo, đầy đủ và kỹ càng để đảm bảo uy tín của hai hiệp hội khi đề xuất với Ban tổ chức. Tiêu chí lựa chọn nữ doanh nhân thường là các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc. Tiếp đó, TS. Nguyễn Hồng Sơn không quên đề cập công tác hỗ trợ hội viên, đặc biệt là việc đồng hành triển khai tinh thần Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57. Hai hiệp hội đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp, hội viên và hiện các hoạt động này vẫn đang được triển khai.
CƠ HỘI MỚI PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA VÀ QUỐC TẾ
Bên cạnh những hoạt động liên quan đến chuỗi sự kiện trọng đại trong 5 tháng cuối năm, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng cập nhật thông tin quan trọng về sự thay đổi trong công tác quản lý Hiệp hội của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản phân cấp, ủy quyền cho các Cục, Vụ trực tiếp làm đầu mối giao dịch với các hiệp hội trong nước.

Với riêng VACOD, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ là đơn vị đầu mối liên hệ, làm việc chính. Tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này, đại diện Cục, Phó Cục trưởng Bùi Nguyễn Anh Tuấn cũng có mặt để trao đổi, cập nhật các thông tin sốt dẻo nhất. Ông Tuấn tập trung vào vấn đề phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là cách thức phối hợp với công tác xuất nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường nội địa.
Ông Tuấn thông báo Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch số 1938 về việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ liên quan phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 138 của Chính phủ. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã cắt giảm hơn 30% thủ tục và điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, khí, rượu, thuốc lá và chuỗi cửa hàng bán lẻ.
“Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đang tiếp cận theo hướng quản lý dựa trên rủi ro. Tức là những ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, thanh tra. Đây là những nỗ lực nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, dù cũng đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm kiểm tra, giám sát và cơ chế thông tin”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết

Ông Tuấn nhấn mạnh Kế hoạch 1938 bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Trong đó có các nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế tư nhân; Cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công thương; Tăng cường kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước (qua hệ thống Sở Công Thương địa phương, thương vụ nước ngoài) với doanh nghiệp và hiệp hội để chia sẻ thông tin, cơ hội; Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa; Hỗ trợ thực chất và hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ…
Trên cơ sở chỉ đạo từ Trung ương, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước khẳng định Cục sẽ nỗ lực đồng hành cùng các hiệp hội, lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách giải quyết. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn mong muốn tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, góp phần vào thành công của các sự kiện lớn sắp tới như kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 và các diễn đàn quốc tế.
Sau những phân tích về nội lực và định hướng phát triển thị trường trong nước, một bức tranh rộng lớn hơn về cơ hội vươn ra thị trường toàn cầu ngày càng sáng rõ. Đặc biệt, những thông tin cập nhật từ chuyến công tác nước ngoài của một cán bộ cấp cao đã mang đến cái nhìn đầy tiềm năng về khả năng khai phá những thị trường mới cực kỳ hứa hẹn với doanh nghiệp Việt.

Tại chương trình Bữa sáng Doanh nhân của hai hiệp hội, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về chuyến công tác Nam Phi vừa qua, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Tiến rất ấn tượng về hoạt động đối ngoại mạnh mẽ và hiệu quả của các hiệp hội VACOD-HBA, đặc biệt là kết nối với thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga. Ông nhận định đây sẽ là một mối quan hệ hợp tác lâu dài và có chiều sâu.
Ông cho biết đoàn công tác đã góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 59 về hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới. Trong bối cảnh những lo lắng về chiến tranh thương mại và thuế quan, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế với các nước, đoàn đã làm việc với 7 đại sứ châu Âu để thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), đồng thời nhấn mạnh chủ trương không chỉ kêu gọi đầu tư vào Việt Nam mà còn chủ động đầu tư ra nước ngoài, nhằm tạo ra các mối liên kết, hợp tác mạnh mẽ hơn.
Với tinh thần đó, Quốc hội đã tổ chức đoàn đi châu Phi với mục tiêu chính là phát triển quan hệ và đặc biệt quan tâm đến thị trường nông nghiệp. Ông Tiến đưa ra ví dụ về hạt điều và hồ tiêu: 90% hạt điều nhập khẩu vào Nga đến từ Việt Nam, trong khi nguồn điều thô của Việt Nam lại chủ yếu từ các nước Châu Phi. Ông đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không tổ chức sản xuất hạt điều ngay tại châu Phi để giảm chi phí vận chuyển?". Đoàn công tác đã làm việc với chính quyền và Quốc hội các nước sở tại để tạo ra khung pháp lý thuận lợi hơn cho đầu tư của Việt Nam vào khu vực này. Mục tiêu là xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam (như hạt điều, hồ tiêu) ngay tại châu Phi.

Ông cũng thông tin thêm, hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Angola đạt 1,2 tỷ USD, chủ yếu là hạt điều thô từ Angola trong khi cộng đồng người Việt tại đây còn rất nhỏ, chỉ vào khoảng 300 người. Điều kiện kinh tế của Angola tương tự Việt Nam khoảng 20 năm trước, với nhiều cơ hội về xây dựng sân bay, đường cao tốc, đô thị. Hàng hóa Việt Nam được đón nhận nồng nhiệt và người dân địa phương rất yêu mến Việt Nam. Hàng hóa từ Angola cũng được xuất khẩu dễ dàng sang Mỹ.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đến Nam Phi, một quốc gia hiện đại và phát triển hơn ở lục địa đen với 60 triệu dân và thu nhập gấp nhiều lần Việt Nam. Chính sách nhập cư tại Nam Phi khá khó khăn nhưng điều kiện du lịch rất tốt. Chủ tịch Thượng viện Nam Phi đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam và mong muốn thúc đẩy kết nối du lịch. Về thương mại, Nam Phi xuất khẩu than đá và trái cây sang Việt Nam, trong khi Việt Nam có thể xuất khẩu hàng may mặc, thiết bị điện tử…

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng cho biết, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sắp có chuyến thăm Maroc và Senegal. Ông nhận thấy cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam như đồ nhựa và đặc biệt là xe máy tại những quốc gia này, thậm chí dự kiến sẽ có thỏa thuận bán xe máy sang các thị trường này. Ông cũng dẫn chứng một doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh nhạy đầu tư nhà máy sản xuất đồ nhựa trị giá 30 triệu USD tại Ai Cập, tận dụng nguồn hạt nhựa tại chỗ và có thị trường tiêu thụ rộng lớn.
“Chuyến đi đã cho thấy cơ hội đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chứ không chỉ dừng lại ở xuất khẩu. Với kinh nghiệm tổ chức doanh nghiệp và thị trường của doanh nhân Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ từ Quốc hội trong việc tạo điều kiện pháp lý thuận lợi, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể khai phá và phát triển tại các nước châu Phi”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội khẳng định.
Trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Vũ Văn Tích, Phó Giám đốc Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ, đã chia sẻ thông tin quan trọng về một giải pháp công nghệ mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái – vấn đề đang gây nhức nhối cho nhiều ngành hàng tại Việt Nam.

PGS.TS Vũ Văn Tích cho biết, Học viện đã phát triển một công nghệ tem chống hàng giả sử dụng mã QR động không thể làm giả. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể hợp tác với Học viện để trang bị loại tem này cho sản phẩm của mình. Đây được coi là hướng hợp tác tiềm năng đầu tiên giữa đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57.
Đặc biệt riêng với VACOD, Học viện đề xuất phối hợp để tạo ra các loại tem chứng nhận "hàng chất lượng cao của VACOD" hoặc "hàng VACOD tin dùng" với các cấp độ chất lượng khác nhau, phù hợp với từng thị trường. Đồng thời, những chiếc tem này cũng sẽ tích hợp chức năng chống hàng giả hiệu quả.
Bên cạnh chức năng chống giả, PGS.TS Vũ Văn Tích còn nhấn mạnh khả năng tích hợp thêm phần thẩm định chất lượng sản phẩm. Học viện sẵn sàng phối hợp với VACOD và các trường đại học, viện nghiên cứu – những nơi hiện có hệ thống trang thiết bị kiểm định rất tốt nhưng chưa được khai thác triệt để – nhằm xây dựng một đơn vị chuyên trách về thẩm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành hàng nhạy cảm như thực phẩm, dược liệu, thuốc y tế.
PGS.TS Vũ Văn Tích cũng tiết lộ, tem chống hàng giả của Học viện đã được Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chấp nhận. Sắp tới, Học viện sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương để đưa loại tem này thành một công cụ chống hàng giả chuẩn mực, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số trong quản lý hàng hóa. Ông Tích mong muốn nhận được sự hợp tác tích cực từ các doanh nghiệp và hiệp hội để triển khai rộng rãi giải pháp công nghệ này.