Vân Đồn: Giấc mơ sớm trong ‘tổ Phượng hoàng’

Quảng Ninh đã thu hút được gần 2 tỷ USD đầu tư hạ tầng cho Vân Đồn, trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng. Con số này sẽ thay đổi rất nhanh.
Vân Đồn: Giấc mơ sớm trong ‘tổ Phượng hoàng’

1. Ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư - Thương mại Thủy sản Thống Nhất (Quảng Ninh) cười lớn khi được hỏi về các kế hoạch đầu tư tại Vân Đồn. “Chúng tôi đã sẵn sàng đón tương lại sán lạn”, ông Thủy nói.

Gắn bó với Vân Đồn hàng chục năm nay, ông Thủy không dấu sự háo hức với các tin tốt liên tiếp về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 này. Ông Thủy, cũng như nhiều nhà đầu tư tại đây, đang muốn biết khi nào Vân Đồn cùng với Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) chính thức thành “tổ Phượng hoàng” - tên mà các chuyên gia kinh tế đang gán cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này.

“Vân Đồn mới sẽ buộc chúng tôi phải thay đổi lớn. Có thể sẽ có những bất lợi và cần thời gian để chuyển đổi, song cơ hội kinh doanh là không giới hạn”, ông Thủy nói.

Sự không giới hạn đó chính là những thể chế đang được đề xuất theo hướng vượt trội, cạnh tranh, thể hiện trong các điều khoản tại Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nếu dựa trên mục tiêu do Bộ KH&ĐT - đơn vị chắp bút cho Dự thảo luật vạch ra, thì cơ hội rất cụ thể. Đó là từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm…

Cụ thể hơn, giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp tại Vân Đồn tạo ra trong giai đoạn 2017-2030 sẽ khoảng 9,7 tỷ USD, tại Bắc Vân Phong là 10 tỷ USD và tại Phú Quốc là 19 tỷ USD.

Nhưng ngay trong bài toán gần hơn, chỉ riêng đề xuất liên quan đến quyền sử dụng đất cũng đã mở ra viễn cảnh huy hoàng. Như đề xuất cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài; cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như tổ chức kinh tế trong nước…

Dự thảo cũng đang đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ có các quyền mua bán, nhận tặng, cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm nhà ở chung cư và căn hộ, trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án nghỉ dưỡng.

Đáng nói, cơ hội mà giới đầu tư bị thuyết phục còn từ mô hình tổ chức chính quyền địa phương đang đảm bảo tính khả thi cho những đột phá, khác biệt của thể chế. Sẽ không có HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính này, thay vào đó, trưởng đặc khu có 116 thẩm quyền, có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc dưới quyền - rất khác so với mô hình hiện hữu. Con đường để dự án đầu tư hiện hình trên các vùng đất mới có thể sẽ rất ngắn và quan trọng là tối đa hiệu quả, rủi ro thấp.

Khi thảo luận về mô hình này, khá nhiều quan điểm lo ngại bởi Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Nhưng ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhắc tới mục tiêu phải đảm bảo cho đặc khu hoạt động theo nghĩa một hệ thống có thể tiếp nhận hình mẫu về mặt thể chế vượt hẳn lên. “Vì mục tiêu này, mô hình tổ chức không thể bị trói buộc bởi các quy tắc cũ”.

2. Các hoạt động mở rộng đầu tư tại Vân Đồn đã được Công ty của ông Thủy thực hiện từ hơn 2 năm trước, khi các đề xuất của Quảng Ninh đưa Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế có sự đồng thuận từ Trung ương.

Tương tự, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Mai Quyền, Vân Đồn cũng đã chuẩn bị để đón vận hội mới.

“600 hòn đảo đất và đá của Vân Đồn là điều mà Macau, Marina Bay Sands hay Las Vegas không thể có. Cũng không có đâu như Vân Đồn nằm trọn trong Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, những di sản thiên nhiên của thế giới. Chúng tôi sẵn sàng thay đổi để tạo sự đột phá cho vùng đất này”, ông Quyết nói.

Không chia sẻ cụ thể về các khoản đầu tư đã và sẽ còn tiếp tục đổ vào địa danh có thể nói là hoang sơ duy nhất còn lại của tỉnh Quảng Ninh rộng lớn, nhưng tham vọng của các nhà đầu tư này khá rõ, đó là có mặt ngay khi các đại gia trong và ngoài nước đổ tiền vào để thụ hưởng cơ hội kinh doanh đến từ những khác biệt dành riêng cho vùng đất này, đón cơ hội gắn kết với các thương hiệu lớn. Đương nhiên, phải nhắc tới giấc mơ trở thành “phượng hoàng mới” trong tương lai gần, ngay tại Vân Đồn của những doanh nghiệp hiện hữu.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình xây dựng Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn hồi tháng 8/2017, trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đặc khu này, Quảng Ninh đã thu hút được gần 2 tỷ USD đầu tư hạ tầng, trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng.

Con số này sẽ thay đổi rất nhanh, cả các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư đều tin chắc vậy khi nhìn vào cả tiềm năng và hiện trạng của Vân Đồn.

Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á. Trong bán kính bay 4 - 5 giờ sẽ cho phép Vân Đồn tiếp cận thị trường với 3,5 tỷ người, trong đó 17% là từ các nước ASEAN, tương đương với GDP là 22 tỷ USD.

Trong bán kính lái xe từ 4- 5 giờ đồng hồ, Vân Đồn tiếp cận một thị trường 23 triệu người, trong đó 23% là từ Trung Quốc và 77% còn lại đến từ Việt Nam, tương ứng với 62 tỷ USD GDP.

Như ông Thủy nói, hào quang đang ở phía trước, nhưng các bước chân đầu tiên đã được đặt, có thể còn phải chỉnh sửa, nhưng điều quan trọng là mục tiêu gây dựng tổ với tư duy toàn cầu để đón phượng hoàng tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc đã được chọn.

Theo Vũ Ngọc Minh/Vietnamnet.vn

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…