Trong đó, bao gồm 25.145 tỷ đồng nợ gốc và 10.394 tỷ đồng nợ lãi. Theo kế hoạch này, quý I/2017, VDB cần trả nợ 15.100 tỷ đồng, cao nhất trong 4 quý. Áp lực trả nợ quý II và quý III sẽ hạ nhiệt đáng kể và trở lại mức cao trong quý IV.
Với kế hoạch thanh toán này, số tiền trả nợ năm 2017 tăng nhẹ so với năm 2016 (34.217 tỷ đồng) nhưng vẫn thấp hơn đỉnh nợ năm 2015 (60.906 tỷ đồng).
Được biết, vào ngày 5/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát lại sự cần thiết và hạn mức Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ của VDB là 25.145 tỷ đồng, phù hợp định hướng tái cơ cấu VDB Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian tới.
Năm 2016, tổng thu nhập của VDB chỉ đạt 13.014 tỷ đồng, giảm 2.800 tỷ đồng so với năm 2015, chủ yếu do giảm thu được từ lãi cho vay. Đây cũng là nguồn thu chính của VDB (mang về 7.312 tỷ đồng), bên cạnh thu lãi tiền gửi (290 tỷ đồng) và thu ngoài lãi (5.411 tỷ đồng).
Tổng chi phí giảm nhưng mức giảm không mạnh bằng doanh thu khiến chênh lệch chi - thu nới rộng từ 491 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí năm 2015 hơn 16.370 tỷ đồng thì năm 2016 VDB chỉ chi 14.415 tỷ đồng, bao gồm 11.377 tỷ đồng trả lãi phát hành giấy tờ có giá.
Đến cuối năm 2016, VDB có quy mô tổng tài sản 306 nghìn tỷ đồng, giảm gần 19.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do vốn ủy thác đầu tư giảm 11 nghìn tỷ đồng, xuống còn 135 nghìn tỷ đồng và chiếm khoảng 44% nguồn vốn. Còn 41% vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá. Vốn của ngân hàng này hiện vẫn chỉ ở mức 18.137 tỷ đồng. Giá trị tổng nguồn vốn đang gấp gần 17 lần vốn điều lệ VDB.
Tín dụng năm 2016 của VDB tăng trưởng âm 4,5% và năm 2017 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 1%./.