Vì đâu doanh nghiệp logistics Việt thua trên sân nhà?

Hiện, cơ cấu doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đang có sự mất cân đối. Số doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực này chiếm 80% nhưng 75% thị phần lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Vì đâu doanh nghiệp logistics Việt thua trên sân nhà?

Doanh nghiệp Việt vẫn yếu thế

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, ngành logistics hiện đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%/năm. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội, ngành logistics đang phải đối mặt với không ít thách thức, bởi các doanh nghiệp logistics nội đang rất yếu thế.

Ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN cho biết, số lượng doanh nghiệp logistics ước tính trên 3.000 doanh nghiệp. Dù mạnh về số lượng, chiếm đến 80% tổng số doanh nghiệp logistics đang hoạt động, song lại yếu về thị phần khi chỉ chiếm 25%, còn lại 75% thị phần đều rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

“Các công ty logistics nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thường xuất phát từ những tập đoàn quốc tế lớn, đa ngành, có bề dày kinh nghiệm, chuyên nghiệp với hệ thống mạng lưới được mở rộng khắp thế giới. Sức hút sử dụng dịch vụ của họ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cao gấp nhiều lần so với những dịch vụ đơn lẻ từ những doanh nghiệp logistics non trẻ Việt Nam”, ông Tương nói.

Cũng theo ông Tương, việc chậm phát triển của các doanh nhiệp logistics xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân nội tại. Đầu tiên phải kể đến là có trên 70% doanh nghiệp logistics Việt vẫn còn nhỏ lẻ, đơn nhất, nên hạn chế về tài chính và năng lực quản lý, hợp tác giữa chủ hàng và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa tốt.

“Doanh nghiệp logistics Việt hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài thường xuất phát từ những tập đoàn quốc tế lớn, đa ngành nghề, có bề dày kinh nghiệm, chuyên nghiệp với hệ thống mạng lưới đã được mở rộng khắp thế giới”, ông Tương nói.

“Chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng là điểm đáng chú ý khi có trên 50% doanh nghiệp logistics thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%, thiếu trình độ vận hành, quản lý công việc thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Tương thông tin.

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để tối ưu hóa chi phí logistics và cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại vẫn còn là bài toán khó. Chi phí cho giao nhận kho vận chiếm tới 20% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển khoảng 8-12%. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động của các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện vẫn còn rời rạc, thiếu liên kết, phương tiện vận tải quá thô sơ và chậm chạp, góp phần đẩy chi phí tăng cao.

“Kết cấu hạ tầng logistics còn nghèo nàn và thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư bài bản, chưa tạo được sự tin tưởng với khách hàng về mạng lưới hoạt động cũng là một trong những trở ngại, khiến doanh nghiệp logistics Việt yếu thế trước đối thủ nước ngoài”, ông Long nhìn nhận.

Làm sao “nâng tầm” doanh nghiệp logistics?

Quyết định số 200/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đến năm 2025 Việt Nam đặt quyết tâm trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Chính phủ hướng đến việc tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu trên, cần chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập. Đi cùng với đó là việc tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược.

Ông Nguyễn Tương cho rằng, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp logistics Việt với nhau để tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. “Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa về tiếp cận nguồn vốn, kết nối đối tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Tương đề xuất.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, các doanh nghiệp logistics cần hướng tới cung ứng đầy đủ các dịch vụ cơ bản của một trung tâm logistics như: Lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom và chia nhỏ hàng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, đảm bảo cung ứng dịch vụ trọn gói hoặc tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng từ đặt hàng, thu mua, đóng gói, chia lẻ đến điều tiết hàng hóa theo kế hoạch bán hàng, dự báo xu hướng nhu cầu, thực hiện thanh toán thay mặt chủ hàng.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cần quan tâm đến chi phí cho cả một quá trình từ lên kế hoạch, phát triển, chế tạo, chuyển đến tay người tiêu dùng cho tới khi món hàng hết giá trị sử dụng, mang đi tiêu hủy. Những chi phí như: Đào tạo, Kỹ thuật, phí lưu kho, chi phí hủy, xử lý môi trường chưa được nhiều doanh nghiệp coi trọng, hoặc không biết đến nên thường bỏ qua. Trong khi thực tế, những chi phí này nếu tổng hợp lại sẽ đóng góp doanh thu không hề nhỏ cho doanh nghiệp.

"Tổng cục Đường bộ VN sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu vận tải. Trong đó, sẽ hình thành và đưa vào khai thác các tuyến vận tải mẫu nhằm mục tiêu giảm thị phần vận tải đường bộ và giảm chi phí vận tải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các sàn giao dịch vận tải hành khách, hàng hóa với phương thức vận tải khác để làm cơ sở phát triển dịch vụ logistics. Tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp."

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Theo Bảo Duy/Báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...