Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 3 lần giảm lãi suất tới mức thấp kỷ lục nhưng tín dụng 7 tháng năm 2020 chỉ tăng 3,45%. So với mục tiêu cả năm 2020 là 11-14%, con số này tạo áp lực rất lớn cho nửa cuối năm nay.
Số liệu quý II cho thấy vẫn có nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao, trên 5% so với hồi đầu năm như HDBank (9,6%), LienVietPostBank (8,4%), SHB (8,4%), VIB (6,7%), ACB (5,6%). Ngoài ra, có các ngân hàng tăng trưởng ở mức 5% như Vietcombank, Sacombank, VPBank, TPBank.
Tuy nhiên, đa phần các ngân hàng trên có tăng trưởng chủ yếu đến từ cho vay ngắn hạn và chỉ một phần nhỏ từ cho vay dài hạn. Điều này đã khẳng định ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính “nhìn chung, người dân hiện tại không mặn mà với vay vốn vì vay về cũng không biết để làm gì”.
Giám đốc một doanh nghiệp quy mô 400-500 công nhân lĩnh vực dệt may chia sẻ, công ty trả lương cơ bản là 4,9 triệu/tháng và đóng bảo hiểm 1 triệu/tháng cho mỗi công nhân theo quy định của Nhà nước, nghĩa là mỗi tháng phải nộp bảo hiểm xã hội 400-500 triệu đồng, cho dù không có sản xuất.
Công ty cố gắng cầm cự với kỳ vọng đại dịch sẽ sớm qua đi, nền kinh tế được phục hồi nhưng không thể lường trước được làn sóng thứ 2 bùng phát trở lại khiến tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm, đơn hàng không có, chủ yếu là bàn bạc với ngân hàng về phương án giãn hoãn nợ chứ không vay thêm.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì cũng cho biết, 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp đã giảm 50%, nhu cầu vay mới không có bởi thị trường gần như “đóng băng”.
“Vấn đề ở đây là nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi nhu cầu vốn giảm, lãi suất ngân hàng dù có giảm thêm đi chăng nữa cũng không có nhiều tác dụng”, vị này cho biết.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) , trong một cuộc khảo sát gần đây chỉ có 3% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc vẫn cân đối được thu – chi; giải thể chiếm 2%; tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 20%.
Như vậy, có tới 75% doanh nghiệp vẫn hoạt động, nhưng không cân đối được thu - chi, tức là dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Thủy, từ nay tới cuối năm, nếu tình hình Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu không có tín hiệu khả quan hơn thì số doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc giải thể sẽ còn tăng.
Bà Thủy cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp không có khách hàng/đơn đặt hàng hiện tại và trong vòng 6 tháng tới. Khó khăn thứ hai là đảm bảo kinh phí để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn... Đó là các khoản chi phí liên quan đến người lao động.
Một số khó khăn nữa được nhiều doanh nghiệp phản ánh cũng liên quan tới dòng tiền phải chi, như chi phí trả lãi vay ngân hàng, chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, chi phí thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng...
“Do vậy, doanh nghiệp thiết tha đề nghị, các chính sách hỗ trợ phải được thực thi nhanh và thuận tiện, bởi sức chống chịu của họ đang rất mỏng”, bà Thủy chia sẻ.